Qua phần phân tích trên, sự đóng góp các nguồn vốn sinh kế vào trong quá trình giảm nghèo đối với các nguồn vốn có sự khác nhau. Vì vậy, cần có cách điều chỉnh khác nhau trong việc tác động các nguồn vốn sinh kế vào mục tiêu giảm nghèo.
Xét trong ngắn hạn, nguồn vốn tài chính và một phần nguồn vốn con người có tác động tích cực trong quá trình giảm nghèo. Việc hỗ trợ gia tăng nguồn vốn tài chính từ các kênh khác nhau sẽ làm tăng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của hộ. Và điều này mang lại giảm nghèo trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ gia tăng nguồn vốn con người từ việc đào tạo tập huấn ngắn hạn cũng có tác động nhanh chóng.
Xét về trung hạn, sự gia tăng nguồn vốn con người trên khía cạnh giáo dục, cơ sở hạ tầng sẽ mang lại kết quả giảm nghèo về trung hạn, ít nhất là trong thời hạn từ 3- 5 năm. Ví dụ, việc xây dựng đường giao thông hay cầu cống chỉ mang lại hiệu quả tốt cho giảm nghèo khi mà sản xuất của họ đã phát triển đến mức có thể tiếp cận với thị trường để gia tăng thu nhập. Hoặc là việc đào tạo chỉ có tác dụng tốt khi người dân được đào tạo đã có quá trình tích lũy kiến thức để có thể phát huy trong đời sống và sản xuất.
Cuối cùng, việc tác động vào việc gia tăng các nguồn vốn xã hội và vốn tự nhiên chỉ có thể giảm nghèo trong dài hạn. Ví dụ: Việc thay đổi một phong tục tập quán tiêu cực sẽ mang lại giá trị tốt trong dài hạn. Nguồn vốn tự nhiên là nguồn vốn khó có thể tác động để giảm nghèo nhất. Ví dụ: Khó có thể thay đổi được chất lượng tài nguyên đất hay khí hậu, khoáng sản. Việc thay đổi này dường như là không thể thực hiện được.