Nguồn vốn tự nhiên

Một phần của tài liệu Các nhân tố hỗ trợ và cản trở hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn sinh kế để giảm nghèo bền vững (Trang 40 - 45)

Những nhân tố thúc đẩy

Diện tích đất có khả năng khai hoang, phục hóa còn nhiều cùng với sự dồi dào và đa dạng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác

Nguồn tài nguyên đất dồi dào là một thuận lợi lớn cho người dân các vùng nghiên cứu trong việc tiếp cận nguồn lực tự nhiên. Tại Hà Giang và Yên Bái diện tích đất có khả năng khai hoang còn rất lớn.

Về nguồn tài nguyên động thực vật, sự đa dạng và dồi dào cũng mang lại một nguồn lợi đáng kể cho người dân. Ví dụ tại Quảng trị, có giàu tiềm năng biển nên khả năng khai thác, đánh bắt và nuôi trồng hải sản ở ven bờ biển Quảng Trị tương đối lớn. Năng suất đánh bắt tôm, cá tự nhiên đạt khoảng 152 - 255 kg/ha và sản lượng đánh bắt hàng năm đạt tới hàng chục ngàn tấn. Hàng nghìn ha mặt nước ở những nơi có rạn đá ngầm có thể nuôi tôm hùm xuất khẩu.

Không có sự phân biệt của các dự án đối với các đối tượng hộ dân nhưng chính sự khác biệt giữa nguồn lực kinh tế, nhận thức, v.v… của các hộ gia đình dẫn đến việc khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên khác nhau giữa các hộ.

Thêm vào đó, việc người dân có ý thức tốt, tích cực tham gia vào các chính sách, các hoạt động của dự án là tạo điều kiện tốt hơn cho chính bản thân họ tiếp cận nguồn vốn. Tại huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang việc trồng, chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng được cán bộ và người dân thực hiện tốt, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Dự án Chia Sẻ trong quá trình triển khai đã quan tâm khá nhiều đến phát triển bền vững

Một yếu tố thuận lợi nữa cho người dân để tiếp cận nguồn vốn là việc các dự án tại địa bàn quan tâm đến việc phát triển bền vững. Đối với Dự án Chia Sẻ, việc nghiên cứu hỗ trợ phải luôn đi đôi với việc tìm ra hướng phát triển bền vững cho người dân. Dự án Chia Sẻ đầu tư cho người dân những hạng mục mang tính lâu dài như ở xã Yên Phong, Dự án đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước, đào giếng cho người dân sử dụng, xây dựng hệ thống tưới tiêu, giúp cho người dân về cơ sở hạ tầng để người dân có thể tiếp cận các nguồn lực tự nhiên trong thời gian trước mắt và cả lâu dài. Hơn thế nữa, dự án còn rất quan tâm đến phát triển bền vững qua việc thực hiện kết hợp cả việc khai thác và tái tạo tài nguyên thiên nhiên, vừa hướng dẫn người dân khai thác nguồn vốn tự nhiên một cách hợp lý và hỗ trợ người dân phục hồi, phát triển các nguồn tài nguyên ấy. Dự án hỗ trợ nhân dân trồng rừng, phát triển rừng để duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này. Ngoài ra dự án còn hướng dẫn các hộ dân các kiến thức để sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả hơn, những kiến thức này chính là hành trang

lâu dài cho người dân trong việc nâng cao khả năng sử dụng, tiếp cận các nguồn vốn tự nhiên. (Bảng 31)

“Trong thời gian qua đời sống nhân dân đã được tăng lên, hộ nào cũng có nhà ở, chỉ còn đói bữa không còn hiện tượng đói triền miên như trước đây. Dân trí phát triển lên, nhiều nhà phát triển kinh tế tốt, chăn nuôi trâu bò lợn phát triển. Nhờ dân trí tăng lên do chính sách hỗ trợ và các dự án hỗ trợ. Vấn đề nhận thức được nâng lên là quan trọng nhất.” (Phỏng vấn sâu Ông Nông Đức Dinh, Yên Phong, Bắc Mê, Hà Giang)

Những nhân tố cản trở

Vị trí địa lý không thuận lợi

Đây là một trong những nhân tố gây cản trở người dân trong việc tiếp cận nguồn lực tự nhiên. Vị trí địa lý không thuận lợi có thể gây khó khăn trong việc vận chuyển giống, các phương tiện kỹ thuật hay thậm chí cả sản phẩm. Vì vậy gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất của người dân, thậm chí làm cho giá thành sản phẩm thấp, giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm nên không khuyến khích được người dân tăng gia sản xuất. (Hộp 32)

Như vậy vị trí địa lý không thuận lợi không chỉ cản trở sự kết nối của người dân với những điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ thuật, kiến thức sản xuất mà từ đó còn cản trở sự tiếp cận của người dân với các nguồn vốn tự nhiên.

Khí hậu khắc nghiệt và một số khó khăn khác từ việc thiếu một số loại tài nguyên

Khí hậu tại 3 tỉnh nghiên cứu đều gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân. Tại 2 tỉnh vùng núi cao, do khí hậu khắc nghiệt nên các xã thường chỉ làm được 1 vụ. Về mùa đông và mùa xuân vùng cao có nơi có sương muối,

băng giá, gió lạnh, không có mưa gây thiếu nước. Hiện tượng băng giá gây chết cây trồng vật nuôi hàng loạt khiến nhiều người dân phải lao đao lâm vào tình cảnh khó khăn, trâu bò chết, hộ dân mất sức kéo trong sản xuất, thậm chí có những gia đình trở nên nợ nần, không có khả năng tiếp tục tham gia sản xuất. Đối với tỉnh Quảng Trị bão lũ cũng xảy ra liên tiếp vào mùa mưa, hạn hán diễn ra thường xuyên vào mùa khô. Khí hậu khắc nghiệt còn ảnh hưởng xấu một cách gián tiếp tới việc tiếp cận nguồn tài nguyên của người dân thông qua việc đi lại, vận chuyển, xây dựng hệ thống thủy lợi, v.v…(Hộp 33)

Khó khăn về nguồn nước là một trong những khó khăn lớn đối với người dân tại 3 tỉnh nghiên cứu. Các sông ở hai tỉnh Hà Giang và Yên Bái đều có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, không thuận lợi cho việc sử dụng trong giao thông đường thủy và việc khai thác các nguồn lợi nước ngọt. Nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu thiếu trên toàn bộ các vùng nghiên cứu. Đất dốc lại ở vùng đồi núi cao nên việc đào giếng để lấy nước sinh hoạt là rất khó khăn đối với người dân Yên Bái và Hà Giang. Người dân Quảng Trị tuy có thể đào giếng nhưng mùa khô hạn ở đây nhiệt độ lên rất cao làm cho nguồn nước cạn đi, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân. Trong khi đó tại 2 tỉnh vùng cao về mùa mưa hiện tượng lũ quét xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa vụ và đời sống.

Thị trường đất đai kém phát triển

Nhìn chung việc chuyển nhượng đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do không có người bán đất hay cho thuê đất; việc làm thủ tục chuyển nhượng đất đai tại địa phương cũng gặp phải những khó

khăn nhất định; giá cao cũng là một nguyên nhân làm cho việc chuyển nhượng đất đai gặp phải khó khăn. (Bảng 82)

Tại các xã có dự án Chia Sẻ khả năng chuyển đổi đất đai khó khăn hơn rất nhiều so với ở các xã không có dự án Chia Sẻ, nguyên nhân sâu xa của nó là do người dân đã thấy được hiệu quả sử dụng đất đai, thấy được giá trị thực sự của đất đai đối với sản xuất nên nảy sinh tâm lý không muốn bán đất. Đây là khó khăn trong việc tích tụ đất đai để tăng cường thúc đẩy sản xuất hàng hoá nhưng việc người dân tích cực “cày” trên mảnh đất của họ lại là yếu tố thuận lợi thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Hiện nay đa số các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù hộ có quyền chuyển nhượng đất đai nhưng việc này diễn ra rất ít. Đa số các hộ khi cho rằng việc chuyển nhượng rất đai xảy ra ít là do không có người bán. Trong tình hình đất đai sản xuất ngày càng trở nên khan hiếm thì việc giao dịch chuyển nhượng càng khó khăn do giá cả tăng nhanh. Đất nông nghiệp cũng tăng giá nhanh làm cho người mua khó có thể mua được.

Ngoài các yếu tố như: sổ đỏ, thủ tục của xã, giá cả v.v… Nghiên cứu còn xem xét ảnh hưởng từ trình độ học vấn của người dân đến việc chuyển nhượng đất đai. Kết quả đánh giá được biểu diễn trong bảng sau:

Tuy dân trí không ảnh hưởng đến việc chuyển nhượng đất đai của người dân nhưng lại gây ra một số ảnh hưởng bất lợi cho người dân trong việc tiếp cận các nguồn lực tự nhiên. Trình độ dân trí thấp dẫn đến khó khăn trong sản xuất canh tác, trong việc tiếp thu các kiến thức về canh tác, sử dụng đất, rừng v.v… Một số người dân thiếu ý thức vẫn còn tham gia chặt phá trộm rừng, gây cháy rừng. Dân trí thấp còn là một trong những nguyên nhân gây tăng dân số. Dân số đông gây khó khăn lớn cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tự nhiên. (Bảng 84)

Tại các xã vùng cao tập tục sản xuất quảng canh rất phổ biến. Việc này dẫn đến việc sản xuất không tranh thủ được nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, lại ít được đầu tư về phân bón, công lao động nên sản lượng thấp và tình trạng đói ăn xảy ra thường xuyên. Tại xã Vĩnh Nam, Quảng Trị, không có doanh nghiệp nào đóng trên địa bàn, sản xuất độc canh không có sản phẩm hàng hoá, không áp dụng kỹ thuật, không đủ giống tốt để mua, không chủ động về giống.

Một phần của tài liệu Các nhân tố hỗ trợ và cản trở hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn sinh kế để giảm nghèo bền vững (Trang 40 - 45)