Theo Huber S.G and Chirichello M. (2002) [107], ở Mỹ các hoạt động nghiên cứu đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng được giao cho các trường đại học thực hiện. Các chương trình bồi dưỡng đang nỗ lực cân bằng thích hợp giữa lý thuyết và thực hành. Những kinh nghiệm hoạt động trong ngành được truyền đạt ngay từ đầu và vẫn còn tiếp tục trong suốt chương trình. Các nhà lãnh đạo trường học thành công được mời làm hướng đạo cho các ứng viên. Những người lãnh đạo mới sẽ được coi những kinh nghiệm được hướng dẫn như một phần cốt yếu thu nhận được từ những kiến thức và kỹ năng thực tế cần thiết cho lãnh đạo trường học hiệu quả.
Các nhà trường cao đẳng và đại học cùng cộng tác với các trường học ở quận để thiết kế một mô hình đặc biệt về đào tạo chính quy và những trải nghiệm học tập dựa trên thực tiễn trường học, trong đó chú trọng đến những vấn đề giáo dục nổi cộm và nan giải. Các nghiên cứu thực tế và các cách tiếp cận dựa trên vấn đề được thiết kế nhằm sử dụng các dữ liệu thực tế từ các trường học như một phương thức nắm bắt kinh nghiệm trực tiếp. Các học viên sẽ nắm bắt được các kĩ năng thông qua việc học tập cộng tác, tìm hiểu về những chiến lược thành công cho cải tiến nhà trường, sử dụng kết quả dữ liệu để nâng cao thành tích học tập của học sinh, tăng cường kỹ năng giao tiếp trong công việc với đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội, xây dưng chiến lược hiệu quả cho phát triển đội ngũ và một vài ví dụ về những đề xuất phát triển chương trình trên phạm vi toàn Bang. Chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng được kiểm định bởi một hiệp hội nghề nghiệp sư phạm
hoặc hội đồng đại học. Kết quả đánh giá thành tích của học viên tốt nghiệp được sử dụng để đánh giá chương trình ....
Ở Anh, theo tài liệu của trường đại học quốc gia về đào tạo lãnh đạo trường học và dịch vụ trẻ em [113] cho thấy họ đã nghiên cứu chỉ ra sự cần thiết phải có các chương trình đào tạo và phát triển hiệu trưởng liên tục và lâu dài chú trọng vào tăng cường kỹ năng và trình độ. Trên cơ sở xác định các yêu cầu về lãnh đạo nhà trường trong thế kỉ XXI, họ đã khẳng định các hoạt động rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý trường học cần phải được đưa vào chương trình bồi dưỡng với sự liên kết cả nhu cầu của các cá nhân và những hy vọng của các cấp chính quyền trong ngành về chất lượng quản lý trường học và vận dụng kiến thức phù hợp trong quá trình học tập các kỹ năng lãnh đạo và quản lý. Các mối liên kết quan trọng giữa khả năng và mục tiêu nghề nghiệp của mỗi cá nhân được chú trọng khi xây dựng chương trình phát triển các kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Ở NewZeland, chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng được đề cập tới 2 mảng là bồi dưỡng phát triển kỹ năng quản lý và bồi dưỡng phát triển các kỹ năng lãnh đạo trường học, chú ý các vấn đề như; Quản lý sự thay đổi, quản lý xung đột, quản lý nhân sự, quản lý hiệu quả, huấn luyện và mentoring, quản lý chiến lược, công cụ tư duy chiến lược, lãnh đạo phát triển chương trình [114].
Ở Trung Quốc: Vào những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu thực hiện phát triển tính chuyên nghiệp của hiệu trưởng trường học bằng việc nghiên cứu xác định cỏc chức năng cốt lừi của hiệu trưởng và xõy dựng chương trỡnh bồi dưỡng. Trung Quốc cũng đã ban hành Chuẩn trình độ quản lý trường học làm cơ sở để đánh giá hiệu trưởng và định hướng cho hiệu trưởng tự bồi dưỡng, bao gồm các tiêu chuẩn về quản lý hành chính, quản lý đức dục, quản lý giảng dạy, quản lý giáo dục, quản lý công chức và quản lý tổng vụ. Các chương trình bồi dưỡng với mục tiêu nâng cao năng lực tác nghiệp cho hiệu trưởng với các trọng tâm về hoạch định chiến lược phát triển trường học, quản lý sự thay đổi, quản lý lãnh đạo nhà trường hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục…[16]
1.7.2. Kinh nghiệm của một số nước trong khu vực ASEAN
Ở Singapore đã xây dựng chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trên cơ sở tích hợp từ các chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng tiên tiến trên thế giới. Singapore
thực hiện chương trình bồi dưỡng phát triển cán bộ quản lý trường học một cách hệ thống từ tổ trưởng tổ chuyên môn đến phó hiệu trưởng và hiệu trưởng. Các hiệu trưởng phải được bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm. Khi nhậm chức họ lại được bồi dưỡng thường xuyên hàng năm với các chuyên đề cập nhật hoặc học tập thông qua các chuyến thực tế trong và ngoài nước. Việc bồi dưỡng hiệu trưởng của Singapore được đặt trọng tâm vào các vấn đề giúp hiệu trưởng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo chuyển đổi trường học như hoạch định chiến lược, lãnh đạo quản lý sự thay đổi, huy động nguồn lực phát triển nhà trường, xây dựng văn hóa trường học và giáo dục toàn diện học sinh.
Ở Thái Lan, theo Boonmee Nenyod và Trần Thị Bạch Mai [66], Đạo luật giáo dục Quốc gia ban hành năm 1999 quy định phân cấp trong quản lý giáo dục, thực hiện quản lý dựa vào nhà trường. Thái Lan chú trọng bồi dưỡng khả năng quản lý nhà trường một cách tự chủ. Thái Lan cũng đã đặt ra yêu cầu các cơ sở có nhiệm vụ bồi dưỡng hiệu trưởng phải xây dựng các chương trình cụ thể và tổ chức hoạt động giảng dạy, học tập. Học viện phát triển quản lý giáo dục tại Thái Lan chịu trách nhiệm chính trong xây dựng chương trình khung để bồi dưỡng hiệu trưởng trường học, huấn luyện giảng viên cho các cơ sở có nhiệm vụ bồi dưỡng CBQLGD ở các tỉnh, thành phố và các trường sư phạm. Các địa phương, các trường sư phạm được giao nhiệm vụ triển khai các lớp bồi dưỡng hiệu trưởng và cán bộ quản lý giáo dục, dưới sự hỗ trợ của Học viện phát triển quản lý giáo dục Thái Lan.
Có thể thấy công tác quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng của các nước nói trên đều có điểm nổi bật chung là: Việc xây dựng và phát triển chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trường học được chú trọng. Cách thức bồi dưỡng là sự kết hợp giữa bồi dưỡng tại cơ sở đào tạo và bồi dưỡng tại nơi làm việc. Chú ý khai thác kinh nghiệm từ các hiệu trưởng thành công; Xây dựng mạng lưới cộng tác viên tham gia bồi dưỡng là những hiệu trưởng giàu kinh nghiệm; Chú trọng khâu đánh giá chương trình, sử dụng kết quả đánh giá hiệu quả công tác của hiệu trưởng sau bồi dưỡng là cơ sở để đánh giá chương trình bồi dưỡng.
Một số phân tích và tóm lược trên đây cho thấy những xu hướng đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng của các nước thể hiện quan điểm đúng đắn và cách làm khoa học với tiếp cận hiện đại. Chúng ta có thể nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc, áp dụng
trong thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng trường tiểu học phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ hiệu trưởng năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu công cuộc CNH, HĐH đất nước.
Kết luận chương 1
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các tài liệu lý luận trong và ngoài nước về quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường tiểu học, các khái niệm cơ bản sau đã được hệ thống hóa:
Quản lý là một quá trình tác động có định hướng của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý, nhằm tạo ra sự hợp tác của các thành viên trong tổ chức, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng để đạt được mục tiêu đề ra.
Hoạt động bồi dưỡng là quá trình biến đổi và cập nhật hóa kiến thức còn thiếu hoặc đã lạc hậu, bổ túc thêm về nghiệp vụ, đào tạo thêm hoặc củng cố các kỹ năng nghề nghiệp.
Quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường tiểu học là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra công tác bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhằm bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất cho đội ngũ hiệu trưởng trường tiểu học, tiến tới nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng mục tiêu giáo dục.
Nội dung quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường tiểu học gồm:
* Lập kế hoạch hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường tiểu học
* Tổ chức thực hiện theo kế hoạch
* Chỉ đạo điều phối công việc
* Giám sát kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động bồi dưỡng
* Quản lý các điều kiện phục vụ hoạt động bồi dưỡng
Trong quá trình quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường tiểu học có nhiều yếu tố (khách quan và chủ quan) tác động đến hiệu quả bồi dưỡng. Việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý hoạt động bồi dưỡng của nhà trường giúp nhà quản lý có những giải pháp phù hợp hơn để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng.
Trên đây là những lý luận cơ bản để tác giả làm căn cứ tiến hành điều tra, nghiên cứu, khảo sát thực trạng và đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường tiểu học trong giai đoạn đổi mới giáo dục.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TIỂU HỌC TẠI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC 2.1. Giới thiệu về sự khảo sát thực trạng
2.1.1. Khái quát về các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD:
Công tác bồi dưỡng CBQLGD đã được Ngành Giáo dục quan tâm ngay từ khi thực hiện cuộc cải cách Giáo dục lần thứ hai. Ngày 01 tháng 09 năm 1964, Bộ giáo dục ban hành Thông tư 46/TT-ĐTBD về việc Hướng dẫn thành lập Trường Bồi dưỡng cán bộ, giáo viên ở các địa phương. Cuối năm 1965, trên Miền Bắc đã thành lập 20 Trường ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Năm 1966 Bộ GD&ĐT thành lập Trường Bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ giáo dục Trung ương (sau đổi tên là Trường CBQLGD Trung ương I); Đến cuối năm học 1967 - 1968 toàn Miền Bắc đã có 25 Trường Bồi dưỡng cán bộ, giáo viên của trung ương và địa phương. Ngày 18 tháng 09 năm 1986, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký Quyết định 840/QĐ-GD ban hành Quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của trường CBQLGD các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương. Ngày 17 tháng 10 năm 1986 Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 974/QĐ- GD&ĐT quy định chức năng, nhiệm vụ của trường CBQLGD. Trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo là trường trực thuộc Bộ GD &
ĐT có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CBQLGD. Đến năm học 1986 -1987 cả nước đã có ba mươi chín Trường CBQLGD. Đây là giai đoạn mở đầu cho thời kỳ rực rỡ nhất của hệ thống các trường CBQLGD, các hoạt động bồi dưỡng CBQLGD được ngành chỉ đạo rất chặt chẽ, các cơ sở bồi dưỡng CBQLGD xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng một cách bài bản.
Đến năm học 2002 - 2003, mạng lưới các Trường CBQLGD chỉ còn 06 đơn vị độc lập, trong đó 02 trường do Bộ GD&ĐT quản lý (Trường Cán bộ quản lý GD&ĐT Trung ương I, trụ sở tại Thủ đô Hà Nội và Trường Cán bộ quản lý GD&ĐT Trung ương II trụ sở đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh); 04 trường do địa phương quản lý là: Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Phú Thọ
và Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thái Bình.
Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, toàn quốc chỉ còn hai trường địa phương tồn tại độc lập (ở Thành phố Hà Nội và Tỉnh Phú Thọ), các cơ sở khác chuyển thành khoa QLGD (hoặc trung tâm bồi dưỡng CBQLGD) thuộc trường Đại học, Cao đẳng địa phương.
* Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước được hình thành như sau:
+ Cơ sở đào tạo - bồi dưỡng CBQLGD trực thuộc Bộ GD&ĐT quản lý:
- Viện Khoa học giáo dục Việt Nam;
- Học viện Quản lý giáo dục;
- Trường Cán bộ Quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh;
- Khoa QLGD của các trường Đại học như: ĐHSP Hà Nội; ĐHGD, ĐH Thái Nguyên; ĐH Vinh, ĐH Sài Gòn……..
+ Cơ sở bồi dưỡng CBQLGD trực thuộc Sở GD&ĐT quản lý:
- Trung tâm bồi dưỡng CBQLGD trực thuộc Phòng GD-ĐT huyện, thị xã;
- Khoa quản lý giáo dục thuộc trường Cao đẳng địa phương;
- Khoa quản lý giáo dục thuộc Trung tâm GDTX của tỉnh.
- Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội;
- Trường Bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Phú Thọ;
* Chức năng, nhiệm vụ các cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục a. Đối với các cơ sở đào tạo - bồi dưỡng CBQLGD trực thuộc Bộ GD&ĐT quản lý:
- Chức năng:
Đào tạo nguồn nhân lực QLGD; Nghiên cứu và phát triển khoa học QLGD; ứng dụng khoa học QLGD tới các cơ sở giáo dục trong toàn quốc;
Tham mưu và tư vấn cho các cơ quan QLGD nhằm đáp ứng những yêu cầu của chiến lược phát triển GD&ĐT của đất nước;
- Nhiệm vụ:
+ Đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBQLGD, công chức, viên chức của các cơ quản lý và các cơ sở GD-ĐT
trong hệ thống giáo dục quốc dân theo chuẩn qui định;
+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cho các trường, khoa QLGD các địa phương;
+ Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về khoa học QLGD; Nghiên cứu định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục và đổi mới giáo dục; Tham mưu, tư vấn cho các cơ quan QLGD và các cơ sở giáo dục về ứng dụng khoa học QLGD; Thẩm định khoa học QLGD đối với các công trình nghiên cứu, các chương trình bồi dưỡng CBQLGD và Dự án có liên quan.
+ Xây dựng và phát triển chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp bồi dưỡng CBQLGD;
+ Tổ chức liên kết, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm về QLGD; Phối hợp giữa các cơ sở bồi dưỡng CBQLGD trong toàn quốc đảm bảo tính liên thông trong công tác bồi dưỡng CBQL cho ngành GD-ĐT;
+ Cung cấp thông tin về khoa học QLGD, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về QLGD;
+ Hợp tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, trong bồi dưỡng, nghiên cứu và ứng dụng về khoa học QLGD.
b. Khoa (trung tâm) quản lý giáo dục của trường đại học, cao đẳng, phòng Giáo dục - Đào tạo
- Chức năng:
Bồi dưỡng CBQLGD, ứng dụng khoa học quản lý giáo dục, tham mưu, tư vấn về công tác quản lý giáo dục cho lãnh đạo ở địa phương đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển GD-ĐT.
- Nhiệm vụ:
Bồi dưỡng về lý luận và nghiệp vụ QLGD theo chương trình, nội dung của Bộ GD-ĐT qui định cho Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, cán bộ phòng GD-ĐT, cán bộ kế cận cho các chức vụ trên.
c. Đối với Trường Bồi dưỡng CBGD Hà Nội và Trường Bồi dưỡng Nhà giáo và CBQLGD Phú Thọ
- Chức năng:
Tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên,
nhân viên làm công tác quản lý và giảng dạy trong các cơ sở Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh.
- Nhiệm vụ:
+ Tổ chức các lớp học bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho CB, GV, NV làm công tác quản lý, giảng dạy và phục vụ giảng dạy trong các cơ sở giáo dục theo hình thức bồi dưỡng dài hạn, ngắn hạn hoặc theo chuyên đề;
+ Tổ chức các hoạt động NCKH về công tác QLGD, công tác bồi dưỡng kiến thức cho CBQL, GV và triển khai những tiến bộ về khoa học tới các cơ sở giáo dục;
+ Liên kết với các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài để tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ CB, GV, NV;
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự điều động của Sở GD-ĐT.
* Lĩnh vực và qui mô bồi dưỡng
a. Cơ sở đào tạo - bồi dưỡng CBQLGD do Bộ GD&ĐT quản lý:
Học viện quản lý giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Trường cán bộ QLGD thành phố Hồ Chí Minh, khoa QLGD của các Trường Đại học có nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ CBQLGD cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Các cơ sở này bồi dưỡng CBQL các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, THPT, TTGDTX, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề...
b. Cơ sở bồi dưỡng CBQLGD do Sở GD&ĐT quản lý (cấp tỉnh):
Các cơ sở bồi dưỡng CBQL cấp tỉnh có nhiệm vụ bồi dưỡng CBQLGD từ bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên cốt cán các phòng GD&ĐT ở các quận huyện, thị xã; bồi dưỡng nhân viên thiết bị, thí nghiệm, thư viện trường học...
2.1.2. Tổ chức khảo sát thực trạng 2.1.2.1. Mục đích khảo sát
Đề tài khảo sát thực trạng hoạt động bồi dưỡng, thực trạng quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường tiểu học của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD của các địa phương: Hà Nội, Phú Thọ và TP Hồ Chí Minh. Hà Nội và Phú Thọ là những địa phương còn tồn tại trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục chuyên biệt; Thành phố Hồ Chí Minh mới sát nhập trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục thành Khoa Quản lý của trường Đại học Sài Gòn nhưng vẫn còn duy trì nhiều cách thức tổ chức bồi