2.3.1. Kinh nghiệm thu hút và quản lý đầu tư ở Hải Phòng.
Trong giai đoạn 2000-2005, công tác thu hút vốn đầu tư ở Hải Phòng đạt được kết quả cao. Nguồn vốn đầu tư trong nước có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và dần chiếm tỷ trọng cao (hơn 65%) trong tổng vốn đầu tư. Nguồn vốn huy động từ khu vực dân cư và doanh nghiệp tương đối lớn. Vốn tín dụng đầu tư đã được các doanh nghiệp quan tâm và mạnh dạn vay để đầu tư. Tỷ lệ vốn thực hiện đối với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 60%, cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước. Nhiều dự án có tốc độ triển khai nhanh và sớm đi vào sản xuất so với kế hoạch. Có được những kết quả đó là do Hải Phòng đã thực hiện tốt công tác thu hút và quản lý đầu tư.
Cơ cấu thu hút đầu tư:
+ Ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.
+ Đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá hướng vào xuất khẩu. Định hướng đầu tư cho lĩnh vực này là từng bước đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ, hình thành các doanh nghiệp công nghiệp hiện đại, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hội nhập khu vực, quốc tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá nông thôn.
+ Đầu tư cải tạo, xây dựng mới các công trình văn hoá - xã hội. Mục tiêu đầu tư của lĩnh vực này là phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ sức khoẻ, văn hoá - thông tin, thể dục thể thao để nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo bước chuyển biến trong việc phát triển, hoàn thiện con người, phục vụ tốt hơn sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Một số giải pháp thu hút, sử dụng và quản lý có hiệu quả vốn đầu tư:
+ Huy động vốn trong nước: đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng như của nhân dân với các hình thức:
- Mở rộng các hình thức xây dựng các công trình hạ tầng bằng cách huy động các nguồn vốn hỗn hợp (vốn ngân sách, vốn vay trong và ngoài nước, trái phiếu công trình, vốn góp của các công ty, vốn góp của các địa phương, vốn của dân …) với nhiều cơ chế ưu đãi.
- Đẩy nhanh việc thực hiện cổ phần hoá tạo bước đi vững chắc trên diện rộng. Có hình thức linh hoạt thu hút vốn cổ phần, kết hợp cổ phần hoá với thay đổi cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp kể cả việc chuyển hướng kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của cổ đông. Vấn đề quan trọng là đảm bảo quyền lợi, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của cổ đông,
- Huy động sự đóng góp của nhân dân cho nhu cầu đầu tư phát triển, kể cả vốn và công lao động theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để
xây dựng hè đường giao thông, kiên cố hoá kênh mương, lưới điện, lớp học, nước sạch, trạm xá . . .
- Tạo nguồn thu, bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, thất thoát. Quản lý chặt chẽ quỹ đất xây dựng, thu đủ thuế và các loại phí. Thực hiện nghiêm chỉnh các luật thuế, phấn đấu mức thu ngân sách tăng hàng năm.
Xây dựng các cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
+ Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài:
Tập trung cao độ các dự án công nghệ kỹ thuật cao. Đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, nhanh chóng lấp đầy các khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Phát triển các dự án sửa chữa tàu biển, công nghiệp hoá chất, công nghiệp điện tử.
- Thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản, nông sản.
- Tăng cường quản lý dự án làm cho vốn thực hiện nhanh, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng quy mô, mục tiêu của dự án hay đầu tư vào các dự án mới ở địa phương.
2.3.2. Kinh nghiệm phát triển kinh tế tư nhân ở Đà Nẵng.
Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là một trong những khu vực có nhịp độ phát triển kinh tế sôi động nhất trong cả nước. Thành phần kinh tế tư nhân giữ một vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng. Vì vậy trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình, thành phố Đà Nẵng đã tạo nhiều thuận lợi cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Một số biện pháp tích cực như sau:
+ Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách:
Ưu đãi, khuyến khích đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các ngành nghề theo chiến lược, quy hoạch để ra. Sớm cụ thể hoá các quy định vay vốn từ quỹ hỗ trợ đầu tư, công khai các điều kiện ưu đãi, các đối tượng ưu đãi để doanh nghiệp tư nhân có thể vay vốn từ quỹ này theo luật định.
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% xuống còn 20% giúp doanh nghiệp tích luỹ mở rộng sản xuất kinh doanh, đưa công nghệ mới vào sản xuất.
- Xem xét miễn thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở sản xuất mới thành lập 3 năm đầu và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo; ưu đãi thuế cho cơ sở sử dụng nhiều lao động.
- Ngân hàng cần đánh giá thẩm định tính khả thi của dự án với từng loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
- Sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các diện tích mà khu vực kinh tế tư nhân đang sử dụng. Cho thuê đất và ưu đãi tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh và dự án khả thi.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước đối với hoạt động của kinh tế tư nhân. Có cơ chế kiểm tra sau đăng kí kinh doanh; cập nhật thông tin, tuyên truyền hướng dẫn chính sách pháp luật của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân.
Tạo môi trường tâm lý - kinh tế - xã hội cho khu vực kinh tế tư nhân: động viên, khen thưởng những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, chấp hành đúng pháp luật. Tìm hiểu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tạo tâm lý yên tâm, phấn khởi, hăng hái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Kinh tế tư nhân có xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ về số lượng và thành các tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... để đảm bảo kinh tế tư nhân phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
2.3.3. Kinh nghiệm về thu hút vốn đầu tư ở tỉnh Hải Dương
Ngoài việc thực hiện Luật khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài theo đúng quy định của Chính phủ, Hải Dương đã đưa vào áp dụng một số chính sách khuyến khích đầu tư đã và đang được các nhà đầu tư nghi nhận, như cải tiến quy trình tiếp nhận dự án, bố trí nguồn ngân sách cho công tác xúc tiến, vận động đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua mức thuế và các quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Cụ thể:
Đối với đầu tư nước ngoài, huyện đã và đang thực hiện cơ chế “ một cửa “ và giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối.
Về công tác cấp phép đầu tư và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, huyện Hải Dương quy định rút ngắn thời gian cấp phép xuống còn một nửa so với quy định của Chính phủ (đối với các dự án đầu tư nước ngoài), rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh xuống còn 2-6 ngày và thời gian chấp thuận dự án dầu tư trong nước là 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: hỗ trợ về thông tin đại chúng của địa phương, đảm bảo ưu tiên cấp điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp sản xuất. Về chính sách thuế, Hải Dương áp dụng giá thuê đất ở mức thấp nhất trong khung Nhà nước quy định, không tính đến hệ số, vị trí, kết cấu hạ tầng, ngành nghề nêu tại quyết định 189/2000/QĐ-BTC ngày 24/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển áp dụng đối với các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Hải Dương cũng áp dụng việc miễn thuê đất đối với một số dự án (kể từ ngày xây dựng cơ bản hoàn thành đưa dự án đi vào hoạt động), cụ thể: 15 năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, dự án thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư theo Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ; 11 năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư theo Nghị định 24; Hỗ trợ 100% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ cho các dự án đầu tư nước ngoài bằng cách trừ dần vào số tiền thuê đất hàng năm của doanh nghiệp.
2.3.4. Kinh nghiệm về thực hiện chiến lược đầu tư của Trung Quốc.
Qua 20 năm cuối của thế kỷ XX, thực hiện chính sách cải cách, mở cửa Trung Quốc đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế. Có được kết quả đó một phần là do Trung Quốc đã đổi mới và thực thi chính sách đầu tư có hiệu quả.
Đối với đầu tư từ vốn Ngân sách Nhà nước, Trung Quốc đã tập trung cho các hạng mục trọng điểm gồm: các hạng mục không sinh lời và mang tính xã hội
cao; các hạng mục cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, các dự án trọng điểm của ngành công nghiệp có tác động trực tiếp đến sự phát triển và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các chương trình phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, kỹ thuật hàng không, kỹ thuật vi sinh. Đặc biệt với chương trình cải cách giáo dục chất lượng nguồn nhân lực của Trung Quốc đã được nâng lên đáng kể, đồng thời tăng cường đưa sinh viên đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài để tiếp thu và sử dụng công nghệ mới. Tỷ lệ chi cho giáo dục trong ngân sách Nhà nước đã tăng từ 5,9% (năm 1978) lên 10,5% (năm 1993).
Cùng với nguồn vốn ngân sách, Trung Quốc chủ trương tăng cường thu hút vốn của các doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài nước thông qua nhiều kênh khác nhau; thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn với mô hình xí nghiệp hương trấn; cải cách cơ chế, chính sách đầu tư đối với các doanh nghiệp nhà nước thông qua việc trao quyền tự chủ tài chính, cải cách chính sách thuế.
Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được đặc biệt chú trọng với những chính sách ưu đãi và thủ tục thông thoáng. Những năm gần đây, các yêu cầu về vốn FDI được chuyển từ số lượng sang chất lượng, coi trọng thu hút các công ty xuyên quốc gia lớn đầu tư vào các dự án sử dụng kỹ thuật cao, nới lỏng kiểm soát việc thành lập xí nghiệp 100% vốn nước ngoài và các xí nghiệp do người nước ngoài điều phối. Tạo những cơ chế đặc biệt cho những đặc khu kinh tế, coi đó là những” đầu tầu” lôi kéo các khu vực khác phát triển. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các vùng khó khăn ở miền Trung và miền Tây. Từ năm 1997 Chính phủ cho phép các huyện vùng sâu, vùng xa, khu tự trị được cấp giấy phép cho các dự án đầu tư nước ngoài có số vốn lên tới 30 triệu USD, so với trước đó là 10 triệu USD. Từ ngày 01/01/1997 tại Thâm Quyến đã áp dụng thống nhất mức giá dịch vụ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Đến nay Chính phủ Trung Quốc đã thông qua một loạt các biện pháp thúc đẩy sản xuất, khuyến khích các nhà đầu tư ra nước ngoài.
CHƯƠNG 3