1.3.1. Khái niệm về chất lượng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình
"Chất lượng" là một phạm trù phức tạp và có nhiều định nghĩa khác nhau.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về chất lượng. Hiện nay có một số định nghĩa về chất lượng đã được các chuyên gia chất lượng đưa ra như sau:
+ “ Chất lượng là sự phù hợp với nhu cầu” (theo Juran - một Giáo sư người Mỹ) [3].
+ “ Chất lượng là sự phù hợp với các yêu cầu hay đặc tính nhất định”
(theo Giáo sư Crosby) [3].
+ " Chất lượng là sự thoả mãn nhu cầu thị trường với chi phí thấp nhất”
(theo Giáo sư người Nhật – Ishikawa) [3].
Trong mỗi lĩnh vực khác nhau, với mục đích khác nhau nên có nhiều quan điểm về chất lượng khác nhau. Tuy nhiên, có một định nghĩa về chất lượng được thừa nhận ở phạm vi quốc tế, đó là định nghĩa của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế. Theo điều 3.1.1 của tiêu chuẩn ISO 9000:2005 [4] định nghĩa chất lượng là:
“Mức độ đáp ứng các yêu cầu của một tập hợp có đặc tính vốn có”
nhưng phải phù hợp với qui chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng, các qui định trong văn bản qui phạm pháp luật có liên quan và hợp đồng kinh tế.
Rộng hơn, chất lượng công trình xây dựng còn có thể và cần được hiểu không chỉ từ góc độ của bản thân sản phẩm xây dựng và người hưởng thụ sản phẩm xây dựng mà còn cả trong quá trình hình thành sản phẩm xây dựng đó với các vấn đề liên quan khác. Một số vấn đề cơ bản đó là:
- Chất lượng công trình xây dựng cần được quan tâm ngay từ khi hình thành ý tưởng về xây dựng công trình, từ khâu quy hoạch, lập dự án, đến khảo sát thiết kế, thi công… cho đến giai đoạn khai thác, sử dụng và dỡ bỏ công trình sau khi đã hết thời hạn phục vụ. Chất lượng công trình xây dựng thể hiện ở chất lượng quy hoạch xây dựng, chất lượng dự án đầu tư xây dựng công trình, chất lượng khảo sát, chất lượng các bản vẽ thiết kế…
- Chất lượng công trình tổng thể phải được hình thành từ chất lượng của nguyên vật liệu, cấu kiện, chất lượng của công việc xây dựng riêng lẻ, của các bộ phận, hạng mục công trình.
- Các tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ thể hiện ở các kết quả thí nghiệm, kiểm định nguyên vật liệu, cấu kiện, máy móc thiết bị mà còn ở quá trình hình thành và thực hiện các bước công nghệ thi công, chất lượng các công việc của đội ngũ công nhân, kỹ sư lao động trong quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng.
- Vấn đề an toàn không chỉ là trong khâu khai thác sử dụng đối với người thụ hưởng công trình mà còn cả trong giai đoạn thi công xây dựng đối với đội ngũ công nhân kỹ sư xây dựng.
- Tính thời gian không chỉ thể hiện ở thời hạn công trình đã xây dựng có thể phục vụ mà còn ở thời hạn phải xây dựng và hoàn thành, đưa công trình vào khai thác sử dụng.
- Tính kinh tế không chỉ thể hiện ở số tiền quyết toán công trình chủ đầu tư phải chi trả mà còn thể hiện ở góc độ đảm bảo lợi nhuận cho các nhà đầu tư thực
hiện các hoạt động và dịch vụ xây dựng như lập dự án, khảo sát thiết kế, thi công xây dựng…
- Vấn đề môi trường cần chú ý ở đây không chỉ từ góc độ tác động của dự án tới các yếu tố môi trường mà cả tác động theo chiều ngược lại, tức là tác động của các yếu tố môi trường tới quá trình hình thành dự án.
Nhìn vào sơ đồ các yếu tố tạo nên chất lượng công trình được mô tả tại hình 1.13 dưới đây, chất lượng công trình xây dựng không chỉ đảm bảo sự an toàn về mặt kỹ thuật mà còn phải thỏa mãn các yêu cầu về an toàn sử dụng có chứa đựng yếu tố xã hội và kinh tế. Ví dụ: Một công trình quá an toàn, quá chắc chắn nhưng không phù hợp với quy hoạch, kiến trúc, gây những ảnh hưởng bất lợi cho cộng đồng (an ninh, an toàn môi trường…), không kinh tế thì cũng không thoả mãn yêu cầu về chất lượng công trình. Có được chất lượng công trình xây dựng như mong muốn, có nhiều yếu tố ảnh hưởng, trong đó có yếu tố cơ bản nhất là năng lực quản lý (của chính quyền, của chủ đầu tư) và năng lực của các nhà thầu tham gia các quá trình hình thành sản phẩm xây dựng.
Xuất phát từ sơ đồ này, việc phân công quản lý cũng được các quốc gia luật hóa với nguyên tắc: Những nội dung “phù hợp” (tức là vì lợi ích của xã hội, lợi ích cộng đồng) do Nhà nước kiểm soát và các nội dung “đảm bảo” do các chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng (chủ đầu tư và các nhà thầu) phải có nghĩa vụ kiểm soát.
Đảm bảo Phù hợp
Chất lượng công trình xây
dựng =
An toàn
+
Quy chuẩn
Bền vững Tiêu chuẩn
Kỹ thuật Quy phạm PL
Mỹ thuật Hợp đồng
1.3.2. Khái niệm quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Theo ISO 9000: "Quản lý chất lượng là tất cả những hoạt động của chức năng chung của quản lý, bao gồm các việc xác định chính sách chất lượng, mục tiêu, trách nhiệm và thực hiện chúng bằng các biện pháp như lập kế hoạch chất lượng, kiểm soát chất lượng, bảo đảm chất lượng và cải tiến chất lượng trong khuôn khổ hệ chất lượng".
Quản lý chất lượng trong khuôn khổ quản lý dự án là hệ thống các phương pháp, phương tiện và hoạt động hướng tới việc thực hiện các yêu cầu và mong đợi của dự án đối với chất lượng bản thân dự án và sản phẩm của nó.
Như vậy có nghĩa là ta có thể phân chia ra quản lý chất lượng bản thân dự án và quản lý chất lượng sản phẩm dự án. Để quản lý chất lượng bản thân dự án ta cần phải hiểu chất lượng của bản thân dự án là gì ?
Theo quan niệm về quản lý chất lượng toàn diện thì đối với các sản phẩm thông thường, chất lượng được coi là toàn diện nếu nó không chỉ thỏa mãn yêu cầu và mong đợi của khách hàng (các đặc tính vốn có) mà còn phải có các đặc tính "gán cho nó" như giao hàng đúng hạn, dịch vụ và giá cả. Đối với một dự án, các đặc tính vốn có là thuộc về sản phẩm dự án, còn các đặc tính đối với sản phẩm thông thường được coi là gán cho sản phẩm đó thì ở đây, hợp lý hơn nếu gán cho bản thân dự án. Nghĩa là, một dự án là thành công nếu sản phẩm của dự án thỏa mãn các yêu cầu và mong đợi của khách hàng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, còn bản thân dự án thì phải được hoàn thành đúng thời hạn (giao hàng), trong khuôn khổ ngân sách đã định (giá cả) và với các điều kiện bàn giao thanh toán tốt nhất (dịch vụ). Đối với các dự án có xây dựng người ta còn đặt vấn đề về an ninh, an toàn, không có sự cố trong thi công và vệ sinh môi trường.
Mối quan hệ giữa chất lượng sản phẩm dự án và chất lượng bản thân dự án có thể được miêu tả qua các ví dụ đơn giản sau:
- Các nỗ lực đảm bảo hoàn thành dự án đúng thời hạn bằng cách tăng cường độ làm việc có thể dẫn đến sự tăng lên của các sai lỗi trong các quá trình công nghệ, làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm. Nghĩa là, các nỗ lực đảm bảo chất lượng bản thân dự án có thể dẫn đến chất lượng kém của sản phẩm dự án.
- Các nỗ lực đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật của sản phẩm dự án dẫn đến sự kéo dài thời gian trong thực hiện các công việc hoặc dẫn đến nhu cầu tăng thêm về chi phí. Như vậy, các nỗ lực đảm bảo chất lượng sản phẩm dự án có thể dẫn đến chất lượng không đảm bảo của bản thân dự án.
1.3.3. Vai trò của quản lý chất lượng công trình xây dựng
Công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng có vai trò to lớn đối với nhà thầu, chủ đầu tư và các doanh nghiệp xây dựng nói chung, vai trò đó được thể hiện cụ thể là:
Đối với nhà thầu, việc đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình xây dựng sẽ tiết kiệm nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị, tăng năng suất lao động. Nâng cao chất lượng công trình xây dựng là tư liệu sản xuất có ý nghĩa quan trọng tới năng suất lao động, thực hiện tiến bộ khoa học công nghệ đối với nhà thầu.
Đối với chủ đầu tư: đảm bảo và nâng cao chất lượng sẽ thỏa mãn được các yêu cầu của chủ đầu tư, tiết kiệm được vốn và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đảm bảo và nâng cao chất lượng tạo lòng tin, sự ủng hộ của chủ đầu tư với nhà thầu, góp phần phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Hàng năm, vốn đầu tư dành cho xây dựng rất lớn, vì vậy quản lý chất lượng công trình xây dựng rất cần được quan tâm. Thời gian qua, còn có những công trình chất lượng kém, bị bớt xén, rút ruột khiến dư luận bất bình. Do vậy, vấn đề cần thiết đặt ra đó là làm sao để công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng có hiệu quả.
1.3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, quản lý chất lượng công trình giao thông và giao thông quân sự.
1.3.4.1. Đặc điểm của sản phẩm dự án xây dựng giao thông ảnh hưởng đến vấn đề chất lượng.
- Tính cá biệt, đơn chiếc
Sản phẩm của các dự án đường giao thông quân sự là những sản phẩm mang tính đơn chiếc vì phụ thuộc vào tính chất của từng dự án (hay phụ thuộc vào yêu cầu của chủ đầu tư), phụ thuộc vào điều kiện địa lý, địa chất công trình nơi xây dựng. Các sản phẩm của các dự án đường giao thông quân sự mang nhiều tính cá biệt, đa dạng về công dụng (ví dụ: đường TTBG, đường vành đai biên giới, đường Trường Sơn Đông, đường tránh, đường tạm …) dẫn đến cấu tạo và phương pháp thi công khác nhau. Vì lẽ đó mà hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy trình quy phạm, công nghệ thi công phức tạp và đa dạng.
- Được xây dựng và sử dụng tại chỗ
Các dự án xây dựng công trình giao thông quân sự có các sản phẩm là các công trình được xây dựng và sử dụng tại chỗ. Vốn đầu tư xây dựng lớn (lên tới hàng trăm tỷ, nghìn tỷ/ 1 dự án), thời gian xây dựng cũng như thời gian sử dụng lâu dài. Với tính chất như vậy nên khi tiến hành xây dựng phải chú ý ngay từ khâu quy hoạch, lập dự án, chọn địa điểm xây dựng, khảo sát thiết kế và tổ chức thi công xây lắp công trình sao cho hợp lý, tránh phá đi làm lại hoặc sửa chữa không đảm bảo về thời hạn hoàn thành công trình, gây thiệt hại vốn đầu tư của chủ đầu tư, vốn của các nhà thầu và giảm tuổi thọ công trình.
- Kích thước và trọng lượng lớn, cấu tạo phức tạp
Các sản phẩm của các dự án đường giao thông quân sự có kích thước lớn (chiều dài tuyến, chiều rộng mặt đường), trọng lượng lớn. Số lượng chủng loại vật tư, thiết bị máy thi công và hao phí lao động cho mỗi công trình cũng rất khác nhau (tùy thuộc vào quy mộ dự án, yêu cầu kỹ thuật, tiến độ công trình
vv….) luôn thay đổi theo tiến độ thi công. Do vậy dấn đến công tác giám sát chất lượng nguyên liệu, cấu kiện, máy móc thi công gặp nhiều khó khăn. Giá thành xây dựng rất phức tạp thường xuyên thay đổi theo từng khu vực, từng thời kì, địa hình gây khó khăn cho công tác khống chế giá thành công trình xây dựng.
- Liên quan đến nhiều ngành, đến môi trường tự nhiên và cộng đồng dân cư.
Sản phẩm các dự án công trình đường giao thông quân sự liên quan đến nhiều ngành cả về phương diện cung cấp các yếu tố đầu vào, thiết kế và chế tạo sản phẩm và cả về phương diện sử dụng công trình.
Các công trình giao thông quân sự ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường tự nhiên và do đó liên quan đến lợi ích cộng đồng nhất là đối với dân cư địa phương nơi đặt công trình. Vì vậy vấn đề vệ sinh và bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng được đặc biệt quan tâm trong các dự án xây dựng công trình giao thông quân sự.
- Thể hiện trình độ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội từng thời kỳ.
Các sản phẩm của dự án xây dựng công trình giao thông quân sự mang tính tổng hợp về kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng. Các sản phẩm này chịu nhiều ảnh hưởng của nhân tố thượng tầng kiến trúc, mang bản sắc văn hóa dân tộc, thói quen tập quán sinh hoạt của dân cư, tình hình chính trị tại các khu vực…
- Tính chất tuyến.
Các dự án đường giao thông quân sự nói chung thường kéo dài theo tuyến, không tập trung tại một vị trí hay một địa điểm nhất định như các công trình xây dựng thông thường (như công trình dân dụng, công trình xây dựng cầu vv…) Do tính chất trải dài như vậy nên công tác giám sát công trình cũng bị ảnh hưởng (giám sát phải di chuyển nhiều, một lúc phải giám sát nhiều hạng mục, nhiều nơi). Việc công trình trải dài theo tuyến, có dự án qua nhiều địa phương, nhiều
vùng khác nhau nên vấn đề địa chất, địa lý cũng ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
- Vốn đầu tư lớn
Các sản phẩm dự án đường giao thông quân sự có vốn đầu tư lớn, mặt khác do tính chất kinh doanh của nhà thầu nên nguồn tài chính thường không tập trung cho toàn bộ dự án mà thường quay vòng dự án nên cũng dẫn đến chất lượng công trình đường giao thông không đảm bảo.
- Thời gian thi công kéo dài
Các dự án đường giao thông quân sự có thời gian thi công lâu do đó dẫn đến các yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
- Công tác giải phóng mặt bằng
Các dự án đường giao thông quân sự đi qua các khu dân cư nên phải bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư cũng làm tăng xuất đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình (dân không giao đất) do giá cả bồi thường đất theo đơn giá Nhà nước không đáp ứng được giá cả đất của thị trường. Một số dự án phải ngắt quãng không thi công được.
1.3.4.2. Đặc điểm của thi công xây dựng các công trình đường giao thông quân sự ảnh hưởng đến vấn đề chất lượng
- Tính di động cao
Thi công xây dựng các công trình đường giao thông quân sự có tính di động cao theo từng vùng, từng lãnh thổ. Điều đó gây ra các bất lợi sau:
+ Thiết kế có thể thay đổi theo yêu của Chủ đầu tư về công năng hoặc trình độ kỹ thuật, về vật liệu. Ngoài ra thiết kế có thể phải thay đổi cho phù hợp với thực tế phát sinh ở công trường.
+ Các phương án công nghệ và tổ chức thi công xây dựng phải luôn biến đổi phù hợp với thời gian và địa điểm xây dựng, gây khó khăn cho việc tổ chức thi công, nảy sinh nhiều chi phí cho vấn đề di chuyển lực lượng thi công, cho xây dựng các công trình tạm phục vụ thi công.
+ Địa điểm xây dựng công trình luôn thay đổi nên phương pháp tổ chức thi công và biện pháp kỹ thuật thi công cũng phải thay đổi cho phù hợp.
- Thời gian thi công công trình dài, chi phí xây dựng lớn
+ Vốn đầu tư xây dựng của Chủ đầu tư và vốn sản xuất của các doanh nghiệp xây dựng thường bị ứ đọng lâu trong công trình.
+ Doanh nghiệp xây dựng dễ gặp phải các rủi ro ngẫu nhiên theo thời gian như rủi ro về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết; các rủi ro thanh toán, biến động giá cả; các rủi ro về an ninh, an toàn vv…
- Tổ chức quản lý thi công phức tạp
Quá trình thi công các công trình đường giao thông quân sự mang tính tổng hợp, các công việc xen kẽ và có ảnh hưởng lẫn nhau, có thể có nhiều đơn vị cùng tham gia thi công công trình. Do đó công tác tổ chức quản lý thi công trên công trường rất phức tạp, biến động, gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt khi phải phối hợp các mũi thi công khác nhau trên cùng một diện tích công tác.
- Thi công xây dựng tiến hành ngoài trời
Việc thi công các công trình đường giao thông quân sự được tiến hành ngoài trời nên chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện thiên nhiên tới các hoạt động lao động. Các doanh nghiệp xây lắp khó lường trước những khó khăn phát sinh do điều kiện thời tiết, khí hậu. Ngoài ra thi công xây dựng các công trình đường giao thông quân sự là lao động nặng nhọc, làm việc với cường độ cao dẫn đến dễ phát sinh an toàn lao động và phát sinh bệnh nghề nghiệp.
- Thi công theo yêu cầu của chủ đầu tư
Thi công theo yêu cầu của chủ đầu tư và thường các sản phẩm của dự án đường giao thông quân sự là các sản phẩm được xây dựng đơn chiếc. Đặc điểm này dẫn đến:
- Thi công xây dựng các công trình đường giao thông quân sự của các doanh nghiệp xây dựng thường có tính bị động và rủi ro.