c. Về đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất
2.4.3. Một số bài học kinh nghiệm
Từ những thành công và hạn chế của công tác thông tin đối ngoại, tại hội nghị tổng kết sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 11 đã nêu lên một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác thông tin đối ngoại. Quá trình mở cửa, hội nhập ngày càng đi vào chiều sâu thì yêu cầu định hướng, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại nói chung và công tác thông tin đối ngoại nói riêng càng có ý nghĩa, là cơ sở quan trọng để đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn, có hiệu quả đối với công tác thông tin đối ngoại trong từng thời kỳ.
Hai là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế. Bên cạnh các lực lượng chuyên trách, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tận dụng môi trường nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, đa dạng hóa nội dung, hình thức, xử lý mối quan hệ giữa đối tượng và đối tác, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại, giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trong hoạt động thông tin đối ngoại.
Bốn là, tận dụng và phát huy thế mạnh của các thành tựu khoa học công nghệ trong hoạt động thông tin đối ngoại, quan tâm đầu tư thích đáng cho các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại.
Tóm lại, bước vào thời kỳ đổi mới, công tác thông tin đối ngoại đã đạt được những kết quả rất khích lệ, đã giới thiệu được hình ảnh mới về Việt Nam, sự phát triển kinh tế, hội nhập thế giới và khu vực của Việt Nam đến nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới. Đảng, Nhà nước ngày càng chú trọng, quan tâm thích đáng đối với công tác thông tin đối ngoại. Các ngành, các cấp, địa phương, nhân dân nhận thức về nhiệm vụ, vai trò của công tác thông tin đối ngoại được nâng lên một tầm cao mới. Hoạt động văn hóa đối ngoại đã tạo ra kênh thông tin đối ngoại trực tiếp có hiệu quả; có sự chuyển biến rất đáng kể về lực lượng, cơ sở kỹ thuật và phương thức thông tin đối ngoại, từng bước đáp ứng nhu cầu của các đối tượng và địa bàn trọng yếu. Thông tin đối ngoại góp phần đáng kể trong cuộc đấu tranh loại bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, chống lại đường lối đổi mới, đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta dưới mọi hình thức trá hình, đảm bảo sự ổn định, môi trường hòa bình, phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, công tác thông tin đối ngoại chưa bắt kịp với tình hình thực tiễn và yêu cầu đặt ra đối với công tác thông tin đối ngoại trong từng thời điểm phát triển kinh tế - xã hội trong công cuộc đổi mới. Điều đó bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nhưng chủ yếu vẫn do nhân tố chủ quan của ta từ chỉ đạo cấp vĩ mô thiếu nhạy bén, kịp thời, đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại chưa được coi trọng đúng mức cả về đào tạo, bồi dưỡng lẫn chính sách động viên, một số vấn đề thuộc tài chính tác động trực tiếp trong việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, hoạt động văn hóa, dịch thuật những ấn phẩm văn hóa nước ngoài... vừa ít, vừa chưa sát thực, khâu quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành còn nhiều điều phải bàn để hoàn thiện, thiết thực và hiệu quả.
Tình hình mới hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi công tác thông tin đối ngoại phải nhạy bén, kịp thời, đẩy mạnh toàn diện với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn để đáp ứng nhiệm vụ chính trị của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Chương 3