Hoạt động thông tin đối ngoại trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quan hệ quốc tế công tác thông tin đối ngoại của việt nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 27)

Cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc đấu tranh không cân sức không chỉ về phương diện chính trị, kinh tế, quân sự mà cả về tuyên truyền. Đế quốc Mỹ có trong tay bộ máy tuyên truyền đồ sộ, hiện đại trong khi Việt Nam chỉ có những phương tiện thô sơ và hết sức thiếu thốn.

Trong giai đoạn này, Đảng và Nhà nước ta đã ra Chỉ thị 45 ngày 10/5/1962 xác định tầm quan trọng, nội dung chủ yếu và phương châm của công tác tuyên truyền đối ngoại: "Công tác tuyên truyền đối ngoại là một bộ phận của cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng của nước ta trên phạm vi thế giới, góp phần tạo ra những điều kiện quốc tế thuận lợi cho cách mạng trong nước tiến lên, đồng thời góp phần thực hiện những nhiệm vụ quốc tế của Đảng và nhân dân ta". Đây là chỉ thị đầu tiên của Đảng về hoạt động thông tin đối ngoại, đánh dấu sự phát triển và kết quả bước đầu của việc giới thiệu đất nước ra thế giới nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân các nước đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài và thực hiện nhiệm vụ quốc tế của nhân dân ta. Bản Chỉ thị đã làm rõ những vấn đề cần thiết của công tác tuyên truyền đối ngoại như mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, phương châm…

Bản Chỉ thị còn nói tới phương hướng mở rộng các hoạt động tuyên truyền đối ngoại, cụ thể là cần phối hợp mọi lực lượng trong nước và ngoài nước, cần sử dụng không chỉ các cơ quan tuyên truyền đối ngoại chuyên nghiệp mà cả lực lượng nhân dân, các ngành, các giới (như báo chí, văn hóa văn nghệ, kinh tế đối ngoại, khoa học, hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ quan, các đoàn thể quần chúng, kiều bào, lưu học sinh, những người có liên hệ thư từ với bên ngoài...). Hơn nữa còn sử dụng bạn bè quốc tế, những người trung thực ở các nước (như các nhân sĩ, các nhà hoạt động xã hội, các nhà văn, nhà báo, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức quốc tế v.v...) để thông tin về nước ta mà những thông tin khách quan từ bên ngoài sẽ có tác dụng rất lớn đối với dư luận thế giới.

Sau đó, ngày 6/6/1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 128/CT-TW về việc tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại. Trong thời gian này, đế quốc Mỹ vừa ra sức đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và tăng cường cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta, vừa tiến công ngoại giao bằng luận điệu "thương lượng hòa bình" để lừa bịp nhân dân thế giới, do đó đòi hỏi ta phải tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại nhằm tranh thủ cao độ mọi dư luận tiến bộ trên thế giới, kể cả ở Mỹ, đồng tình và ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, góp phần mở rộng mặt trận nhân dân thế giới chống chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, công tác thông tin đối ngoại được thực hiện rất hiệu quả. Đặc biệt trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, các chương trình phát thanh địch vận của Đài, với sự cộng tác chặt chẽ của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã được phát sóng dành cho quân đội ngụy Sài Gòn từ năm 1958 đến năm 1975, cho quân đội Mỹ xâm lược từ năm 1962 đến năm 1973. Trong hoàn cảnh chiến tranh muôn vàn khó khăn, đầu năm 1962 từ chiến khu Đ (khu ủy miền Đông), Đài phát thanh Giải phóng chính thức phát sóng đồng thời với tiếng Việt là các thứ tiếng nước ngoài như Pháp, Anh, Khơme, Quảng Đông... Đầu năm 1967, trong chuyến sang thăm Việt Nam và được gặp Bác Hồ, Chủ tịch nước Cu Ba anh em Dorticós Osvaldo đã nảy ra ý định nhường làn sóng đối ngoại của Cu Ba cho Việt Nam sử dụng để vận động nhân dân tiến bộ Mỹ chống chiến tranh xâm lược. Nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của nhân dân nước bạn, ngày 2 tháng 1 năm 1968, chương trình bằng tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam phát thêm chương trình bằng tiếng Tây Ban Nha. Người Mỹ tính rằng cứ 100.000 người nghe đài thì mới có thể có 1 người chịu viết thư, thế mà có tháng Văn phòng liên lạc của ta đặt tại Praha (Cộng hòa Cezch) đã nhận được tới 3.000 thư của thính giả nghe Đài từ nhiều nước gửi tới. Sau ngày miền Nam giải

phóng, tổ công tác của Đài mới chấm dứt hoạt động sau gần 3.000 ngày đêm phát thanh trên làn sóng quốc tế của nước Cu Ba anh em [19].

Ta đã sử dụng tốt các nhà báo nước ngoài thường trú và hoạt động ngắn ngày, ngoài các nhà báo của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, ta đặc biệt khai thác báo chí Mỹ và phương Tây. Đây là lực lượng tác động trực tiếp vào dư luận. Ta đã chủ động trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, thu xếp cho một số phóng viên phương Tây, đặc biệt phóng viên Mỹ và những nhân vật nổi tiếng như diễn viên điện ảnh Jane Fonda, vào miền Bắc để chứng kiến và đưa tin về tội ác man rợ của đế quốc Mỹ. Báo chí phương Tây đã thay đổi cách đưa tin chiến sự tại Việt Nam, chuyển từ ủng hộ sang phê phán tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Các bài viết, phóng sự truyền hình với kỹ nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hình ảnh rất cao của phóng viên nước ngoài, nhất là của phóng viên Mỹ về tính chất tàn bạo của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam (hình ảnh Kim Phúc bị bom na-pan), tổn thất nặng nề của binh lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam, tinh thần anh dũng hy sinh, ý chí quật cường đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân góp phần không nhỏ vào việc thay đổi cách suy nghĩ, thái độ của dư luận đối với cuộc chiến tranh, làm bùng lên mạnh mẽ phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh. Nước Mỹ thua cuộc "trước hết ngay trong nước mình và trên mặt báo và màn hình vô tuyến" [29, tr. 295].

Thông tin đối ngoại Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân tiến bộ thế giới đấu tranh buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và sau 5 năm, phải ký Hiệp định Paris (1/1973), cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước tạo nên sự thay đổi so sánh lực lượng rất có lợi cho ta ở miền Nam, làm cho nhân dân và quân đội ta nhanh chóng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước với chiến dịch Hồ

Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975. Có thể nói giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đánh dấu những thành công to lớn của công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại trong đấu tranh dư luận và quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quan hệ quốc tế công tác thông tin đối ngoại của việt nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 27)