Lực lượng tham gia làm công tác thông tin đối ngoạ

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quan hệ quốc tế công tác thông tin đối ngoại của việt nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 44)

Trong 22 năm qua, công tác thông tin đối ngoại đã được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, rộng khắp ở nhiều ban, bộ, ngành, các cơ quan truyền thông, báo chí, các doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể nhân dân, các cơ quan, tổ chức đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, các địa phương trong cả nước và thông qua các đoàn ra, đoàn vào.

Không chỉ có các cấp, ngành, cơ quan hành chính nhà nước làm công tác thông tin đối ngoại, mà hiện nay một số doanh nghiệp cũng tham gia thực hiện thông tin đối ngoại, thậm chí đưa thông tin đối ngoại trở thành một trong những nội dung của chiến lược marketing. Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thấy, để người tiêu dùng ở các thị trường nước ngoài biết đến sản phẩm của mình, trước hết phải giới thiệu về đất nước, địa phương, các chính sách kinh tế, luật đầu tư... nơi mà mình đặt trụ sở kinh doanh. Rõ ràng là, thương hiệu của doanh nghiệp phát triển đi đôi với vị thế của quốc gia được nâng cao trong con mắt của bạn bè quốc tế. Do đó, khối doanh nghiệp đang dần trở thành một lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại đầy tiềm năng, mạnh cả về nguồn vốn đầu tư cũng như cách thức thực hiện.

Trong những năm gần đây, một lực lượng tham gia khá tích cực tham gia thực hiện thông tin đối ngoại - đó là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là đối tượng tiếp nhận thông tin đối ngoại của nước nhà, đồng thời lại là lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại có sức thuyết phục đối với kiều bào Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm bởi vì hiện nay có khoảng gần 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài tại gần 90 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó hơn 80% là tại các nước công nghiệp phát triển. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sống hòa đồng và có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội và văn hóa nước sở tại, có tác động nhất định tới các mối quan hệ giữa các nước đó và Việt Nam. Mặc dù sống xa Tổ quốc, người Việt Nam ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn. Đảng và Nhà nước ta luôn nhìn nhận cộng đồng người Việt Nam là thành viên của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, trên nền tảng chung là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều này được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 36-

NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX. Đó là: vận động bà con hướng về quê hương, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tích cực phát huy vai trò là "cầu nối" hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hợp tác giữa nước sở tại mà họ sinh sống với Việt Nam. Việc Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 36 về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được đông đảo kiều bào hoan nghênh, tạo nên bước chuyển quan trọng trong nhận thức và tình cảm của bà con về công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thu hút ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp về nước đầu tư. Thông tin đối ngoại đã tập trung tuyên truyền làm rõ những vấn đề quan trọng trong nghị quyết, nhất là quan điểm: Cộng đồng người Việt Nam là nguồn lực quan trọng của đất nước. Điều này đã góp phần tạo dựng hình ảnh "một Việt Nam hòa bình, hữu nghị, năng động và đổi mới mạnh mẽ, tích cực hội nhập quốc tế và đầy tiềm năng phát triển" như lời nhận xét của các nguyên thủ quốc gia đến nước ta thăm và dự Hội nghị APEC.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quan hệ quốc tế công tác thông tin đối ngoại của việt nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w