Trong Luật Giáo dục Đại học Số 08/2012/QH13 ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2012, tại Khoản 4 Điều 9 Chương 1 có quy định cụ thể chính sách phân tầng Giáo dục Đại học theo ba định hướng: Định hướng nghiên cứu, Định hướng ứng dụng và định hướng thực hành.
Thực hành ứng dụng là hoạt động gắn kết giữa kiến thức lý luận với công tác thực tiễn bằng cách đưa những nội dung kiến thức vào giải quyết một thao tác, công việc, một vấn đề cụ thể; ứng dụng những sáng tạo vào đời sống sản xuất, xã hội.
Đào tạo theo định hướng thực hành ứng dụng đảm bảo điều kiện được thực hành, thực nghiệm trực tiếp những quy trình công nghệ, lý luận khoa học ngay trong quá trình học tập, nội dung đào tạo phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội, phát huy được tính ứng dụng cao trong nghiên cứu và học tập nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực hành, giữa phát minh khoa học công nghệ với đời sống kinh tế - xã hội thực tiễn.
Để hiểu được khái niệm đào tạo theo định hướng thực hành ứng dụng ta cần nắm rõ trong đó: đào tạo cái gì? Đào tạo như thế nào? Mục đích của việc đào tạo theo định hướng thực hành ứng dụng là gì?
Đào tạo cái gì? Để trả lời được câu hỏi này ta phải hiểu chương trình đào tạo của quá trình đào tạo theo định hướng thực hành ứng dụng: Được xác định cụ thể thông qua phạm vi cấu trúc và nội dung đào tạo quy định những bộ môn đào tạo, thời lượng đào tạo, tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành, cách thức đánh giá kết quả đối với mỗi môn học ngành học.
Đào tạo như thế nào? Chính là câu trả lời cho phương pháp sử dụng trong quá trình đào tạo, ở nước ta phương pháp truyền thống được nhiều nhà trường và bộ môn áp dụng là “ đọc - chép”. Tuy nhiên, trong đào tạo theo định hướng thực
hành ứng dụng phương pháp truyền thống hạn chế được sử dụng mà thay vào đó là những hình thức khác: quá trình nắm bắt kiến thức lý luận được giao cho sinh viên chủ động trong nghiên cứu và được đánh giá kết quả theo tiêu chuẩn của chương trình đào tạo, quan trọng hơn sinh viên được học tập trực tiếp tại những trung tâm nghiên cứu ứng dụng, những xưởng sản xuất dưới sự hướng dẫn của giảng viên, kết quả được đánh giá khắt khe theo tiêu chuẩn của chương trình và bộ môn quy định đề cao được tính thực hành và ứng dụng trong học tập.
Mục đích của đào tạo theo định hướng thực hành ứng dụng nhằm làm tăng kiến thức thực tiễn trong học tập, gắn liền kiến thức lý luận với thực hành ứng dụng vào đời sống.
Như vậy: đào tạo theo định hướng thực hành ứng dụng có thể hiểu là quá trình tác động đến người học nhằm trang bị kiến thức lý luận, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, thỏa mãn nhu cầu làm việc, nghiên cứu, học tập, đảm bảo đào tạo gắn liền với thực hành và ứng dụng trong đời sống thực tiễn.