Vì tính nhạy FQ không được đánh giá thường quy trên các chủng vi khuẩn lao trong lâm sàng nên tần suất hiện diện của sự kháng FQ ở vi khuẩn lao không thể xác định được trên thế giới cũng như trên bình diện quốc gia. Tuy nhiên, gần đây, do sự kháng FQ ở vi khuẩn lao có chiều hướng tăng lên do sự sử dụng rộng rãi các FQ trong lâm sàng đã thúc đẩy các nước tiến hành điều tra tỷ lệ kháng FQ ở vi khuẩn lao.
Ở Canada và Hoa Kỳ, trong các chủng vi khuẩn lao thu được từ năm 1996 đến 2000 thì tỷ lệ kháng với ciprofloxacin (xét nghiệm tại nồng độ 2µg/ml, theo phương pháp thành phần trên môi trường thạch đặc) là 1,8%(33/1852). Trong các chủng kháng ciprofloxacin đó có tới 75,8% (25/33) chủng là MDR-TB (13).
Tại Đài Loan, FQ ngày càng được sử dụng nhiều trong điều trị lao đa kháng thuốc nên việc xác định tần suất kháng FQ tại đây là cần thiết. 141 chủng vi khuẩn lao được chọn dựa vào kết quả kháng sinh đồ trên thuốc kháng lao hàng thứ nhất từ 3497 chủng lâm sàng thu trong giai đoạn 1995-2003. Các chủng này bao gồm: 62 chủng nhạy với các thuốc H, R, S, E; 33 chủng MDR-TB và 46 chủng kháng thuốc khác đa kháng. Sau đó, các chủng lao trên được tiến hành xác định MIC cho 3 loại FQ là
ciprofloxacin, ofloxacin và levofloxacin. Kết quả cho thấy có sự kháng chéo trong 3 loại FQ sử dụng và tỷ lệ kháng tương đối thấp trong các chủng nhạy thuốc (1,6-3,2%) và các chủng kháng khác MDR-TB (2,2-4,3%). Trong các chủng MDR-TB, tỷ lệ kháng FQ khá cao, dao động từ 7,7% (1995-1997) đến 22,2% (1998-2000) rồi giảm xuống 18,2% (2001-2003). (64)
Tại Thượng Hải, Trung Quốc, đột biến trên gene gyrA tìm thấy trong 1,9% (5/257) các chủng nhạy với các thuốc kháng lao hàng thứ nhất (H, R, S, E) và 25,1% (44/175) chủng MDR-TB (52).
Trong khi đó, một trung tâm y tế tư chuyên về lao – phổi tại Mumbai, Ấn Độ, báo cáo sự gia tăng của tính kháng FQ tại đây từ 3% năm 1996 lên đến 35% năm 2004 (21).
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát tính kháng FQ toàn quốc tại Rwanda lại cho thấy chỉ khoảng 0,6% (4/701) chủng nghiên cứu là kháng với ofloxacin (2µg/ml, theo phương pháp thành phần) (3). Trong 4 chủng kháng đó, có đến 3 chủng là lao đa kháng và 1 chủng nhạy hoàn toàn với 4 thuốc kháng lao chính yếu. Cả 4 chủng đều mang đột biến điểm trên gene gyrA: 3 chủng mang đột biến làm thay đổi threonine tại vị trí 80 thành alanine (T80A) và 1 chủng mang đột biến tại codon 94, làm thay aspartic acid thành alanine (D94A).
Tóm lại, tính kháng FQ trên các chủng lao nhạy thuốc còn hạn chế. Tuy nhiên, tính kháng FQ trên các chủng MDR-TB lại rất cao và là một mối đe dọa cho việc sử dụng FQ trong điều trị MDR-TB.