CHỨNG TỪ TẠI NHNT-CHI NHÁNH THĂNG LONG
3.3.2 Kiến nghị với Chính Phủ
Hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại cơ hội phát triển cho mỗi quốc gia. Theo đó, hoạt động ngoại thương giữa các nước sẽ càng dễ dàng và là một xu thế trên thế giới. Hoạt động thanh toán quốc tế nói chung và thanh toán tín dụng chứng từ nói riêng rất cần những chính sách phù hợp để ngày càng hoàn thiện, mở rộng và phát triển. Đồng thời, có thể tránh được rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Để được vậy,sự nỗ lực từ phía bản thân ngân hàng còn chưa đủ, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải có những chiến lược cụ thể tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán quốc tế phát triển.
Một là, Chính phủ cần ổn định môi trường kinh tế và các chính sách vĩ mô. Hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng như hoạt động thanh toán tín dụng chứng từ của ngân hàng sẽ an toàn và hiệu quả hơn trên một môi trường kinh tế ổn định. Sự thiếu ổn định kinh tế gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp. Chỉ khi nền kinh tế phát triển, lạm phát được kiềm chế, giảm phát được khắc phục, giá trị đồng nội tệ ổn định thì các doanh nghiệp mới an tâm, tin tưởng và tham gia đầu tư vào lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Hai là chính phủ cần hoàn thiện môi trường pháp lý đầy đủ,đồng bộ đảm bảo cho hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn và ổn định. Hoạt động thanh toán quốc tế cần có sự tham gia của nhiều ban ngành chức năng như Bộ Thương Mại, Tổng cục hải quan, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam…Nên cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm tạo ra sự nhất quán cho việc ban hành cũng như thực thi các văn bản này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế quản lý ngoại hối theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện để thị trường ngoại hối trong nước phát triển với đầy đủ các nghiệp vụ phái sinh nhằm hỗ trợ cho hoạt động thanh toán tín dụng chứng từ phát triển.
Ba là Chính phủ nên góp gần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thanh toán quốc tế là công cụ tổng hợp và quan trọng để đánh giá và phân tích mối quan hệ kinh tế đối ngoại thể hiện các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ,hoạt động đầu tư, vay nợ và viện trợ nước ngoài . Tình trạng cán cân thanh toán quốc tế có liên quan đến khả năng thanh toán và dự trữ ngoại hối của một quốc gia. Vì vậy việc cải thiện cán cân thanh toán quốc tế có vai trò hết sức quan trọng. Để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế cần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu để cải thiện cán cân thương mại quốc tế và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, quản lý chặt chẽ vay nợ nước ngoài.