Khái niệm chính trị

Một phần của tài liệu BIỆN CHỨNG CỦA CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ KIẾN TRÚC THƯỢNG TẦNG VỚI TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 27)

Cùng với kinh tế thì chính trị cũng là một trong những lĩnh vực cơ bản và quan trọng của đời sống xã hội có sự phân chia giai cấp. Chính trị xuất hiện và phát triển cùng với sự xuất hiện của các giai cấp và sự hình thành, phát triển của nhà nước. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp và có quan hệ mật thiết tới tất cả các lĩnh vực khác của xã hội loài người trong đó đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Thuật ngữ chính trị đã xuất hiện tương đối sớm trong lịch sử và nó được hiểu theo khá nhiều cách khác nhau.

hay công việc của nhà nước, công việc xã hội. Cũng có một số nhà tư tưởng lớn thời bấy giờ coi chính trị là nghệ thuật cai trị chẳng hạn như Platon. Ông cho rằng, chính trị là sự thống trị của trí tuệ tối cao; chính trị là nghệ thuật cai trị trong đó cai trị bằng sự thuyết phục mới đích thực là chính trị. Cũng có người lại coi chính trị là khoa học lãnh đạo con người, khoa học kiến trúc xã hội chẳng hạn như Arixtốt.

Khác với những quan niệm trên các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng xét về bản chất quan hệ chính trị là do quan hệ kinh tế quyết định. Sự xuất hiện, tồn tại cũng như nhu cầu của các giai cấp quyết định nội dung các lợi ích chính trị. Chính trị là khái niệm phản ánh địa vị, lợi ích kinh tế giữa các giai cấp, các tập đoàn xã hội cũng như phản ánh mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Có thể nói, chính trị là tất cả những gì phản ánh đời sống chính trị của xã hội từ tâm lí, tình cảm, thái độ chính trị thường ngày cho đến hệ tư tưởng chính trị và các thiết chế của nó như nhà nước, đảng phái cùng sự tác động qua lại giữa chúng.

Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin thì chúng ta có định nghĩa đầy đủ và khoa học nhất về chính trị, đó là: “Chính trị là hoạt động trong lĩnh vực quan hệ giữa các nhóm xã hội, trước hết là các giai cấp, cũng như giữa các dân tộc và các nhà nước. Nói đến chính trị là nói đến quyền tác động, chi phối, thống trị của một giai cấp đối với toàn bộ xã hội; việc giành, giữ, thực thi quyền lực nhà nước; quyền quản lý các quá trình kinh tế - xã hội. Cái quan trọng nhất của chính trị là quyền lực chính trị, chính quyền nhà nước, sự tham gia vào công việc nhà nước, việc quy định những hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của Nhà nước” [64, tr.53].

Nói cách khác, tất cả mọi vấn đề mà việc giải quyết chúng đụng chạm tới vấn đề giai cấp, tới nhà nước đều là những vấn đề có tính chất chính trị. Như vậy, chính trị là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự tồn tại của giai cấp, đấu tranh giai cấp và của nhà nước mà trung tâm của nó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước. Xét về mặt lý luận, chính trị được cấu thành bởi: tư tưởng, lý luận, học thuyết; quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách và thể chế chính trị, hệ thống chính trị; các hoạt động; các quan hệ chính trị.

Chính trị là bộ phận quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng, nó được cấu thành bởi những quan điểm chính trị, những hệ tư tưởng chính trị cùng các thiết chế chính trị... Trong chính trị thì quyền lực chính trị đóng một vai trò quan trọng. Quyền

lực chính trị là quyền lực của một giai cấp, liên minh giai cấp, của tập đoàn xã hội hay là của nhân dân và cũng chính vì lẽ đó quyền lực chính trị luôn luôn mang tính giai cấp. Theo Ph.Ăngghen, quyền lực chính trị là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để đàn áp giai cấp khác. Quyền lực của giai cấp thống trị có mục tiêu cơ bản là duy trì, nắm giữ bộ máy nhà nước trong tay từ đó củng cố quyền lực của bản thân giai cấp đó trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với các giai cấp bị trị thì họ tiến hành đấu tranh lật đổ quyền lực của giai cấp thống trị để xác lập quyền lực của chính giai cấp mình đối với toàn xã hội, vì lợi ích của giai cấp cách mạng và của nhân dân lao động nói chung.

Quyền lực chính trị của giai cấp hay tập đoàn là thống nhất trong mối quan hệ với các giai cấp, các tập đoàn khác nhưng trong bản thân giai cấp hay tập đoàn đó thì nó lại có thể là không thống nhất. Vì trong bản thân nó, mối quan hệ giữa các nhóm là không như nhau thậm chí có thể mâu thuẫn và đối kháng nhau. Quyền lực chính trị của giai cấp thống trị được tổ chức thành nhà nước do vậy xét về bản chất quyền lực nhà nước là quyền lực của giai cấp thống trị.

Quyền lực nhà nước khác với các quyền lực chính trị ngoài nhà nước là ở chỗ nó có khả năng sử dụng các công cụ, các phương tiện thuộc về nhà nước để buộc các giai cấp, các tầng lớp khác phải phục tùng ý chí của giai cấp thống trị, trong đó bạo lực có tổ chức là phương tiện cơ bản. Là bộ phận quan trọng nhất của quyền lực chính trị, cho nên khi chính quyền nhà nước được chuyển từ tay giai cấp này sang tay giai cấp khác sẽ trực tiếp dẫn tới thay đổi căn bản tính chất của quyền lực chính trị, phương thức cầm quyền và chế độ chính trị.

Mọi quyền lực nhà nước đều mang tính chính trị nhưng không phải mọi quyền lực chính trị đều là quyền lực nhà nước. So với quyền lực nhà nước thì quyền lực chính trị rộng hơn, đa dạng hơn về phương pháp thực hiện cũng như hình thức thể hiện có nhiều cấp độ hơn về cơ cấu của chủ thể hiện thực hóa yêu cầu quyền lực. Quyền lực nhà nước bao giờ cũng chỉ là công cụ chuyên chính của một giai cấp, bảo đảm sự thống trị về chính trị của giai cấp cầm quyền đối với các giai cấp và tầng lớp khác trong xã hội.

Quyền lực nhà nước bảo vệ và duy trì sự thống trị về kinh tế của giai cấp cầm quyền, bảo đảm xác lập hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền, xác lập vị trí chi

phối của quan điểm chính trị thuộc giai cấp cầm quyền trong văn hoá, nếp sống và tất cả mọi lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội, chống lại mọi lực lượng thù địch từ bên trong, bên ngoài để giữ vững quyền lực chính trị trong tay giai cấp cầm quyền. Quyền lực chính trị được thể hiện ra ở quyền lực của nhà nước và nó luôn luôn là mục tiêu quan trọng mà các giai cấp, các nhóm xã hội hướng tới nhằm giành và giữ lấy.

Sở dĩ như vậy là vì cái quan trọng nhất trong chính trị chính là thiết chế chính quyền nhà nước, là sự tham gia vào công việc nhà nước, là việc quy định các hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước. Nhà nước là công cụ giải quyết các quan hệ về lợi ích giữa các giai cấp, các nhóm xã hội. Do vậy giai cấp, nhóm xã hội nào nắm giữ được nhà nước thì sẽ nắm giữ được công cụ giải quyết mối quan hệ đó theo hướng có lợi cho giai cấp, nhóm mình. C.Mác, Ph.Ăngghen đã từng khẳng định: “Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác” [14, tr.290-291]. Như vậy, nhà nước chính là bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với các giai cấp khác, là cơ quan quyền lực của giai cấp thống trị đó đối với toàn xã hội.

Nhà nước là công cụ chuyên chính của một giai cấp, do vậy, không bao giờ có nhà nước đứng trên các giai cấp hay nhà nước chung cho mọi giai cấp. Giai cấp nào nắm giữ nhà nước thì giai cấp đó sẽ trở thành giai cấp thống trị và như vậy giai cấp đó có thể trấn áp các giai cấp khác và bảo vệ cho lợi ích của mình. Tất cả những hoạt động như chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục, nghệ thuật...do nhà nước tiến hành về cơ bản đều xuất phát từ mục đích phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị. Do vậy xét về bản chất nhà nước không phải là lực lượng điều hòa sự xung đột giai cấp hay phục vụ cho tất cả các giai cấp mà nó là công cụ duy trì và bảo vệ lợi ích của một giai cấp - giai cấp thống trị.

Cùng với quyền lực chính trị thì hệ tư tưởng chính trị cũng là một yếu tố đóng vai trò quan trọng cấu thành nên chính trị. Trong xã hội có giai cấp thì hệ tư tưởng chính trị thể hiện mục đích, cùng những biện pháp, phương hướng hoạt động chính trị của một giai cấp nhất định. Hệ tư tưởng chính trị là hệ thống trong đó bao gồm những quan niệm và quan điểm phản ánh lợi ích căn bản của một giai cấp nhất định. Quan điểm chính trị của các giai cấp luôn luôn được quy định bởi địa vị kinh

tế, địa vị xã hội của bản thân các giai cấp đó. Giai cấp nào chiếm địa vị thống trị về kinh tế thì giai cấp đó cùng với hệ tư tưởng của mình sẽ thống trị trong đời sống chính trị của xã hội.

Chúng ta có thể thấy rằng chính trị là một lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, nó là hoạt động trong lĩnh vực quan hệ giữa các nhóm xã hội mà trước hết là các giai cấp cũng như giữa các dân tộc và các nhà nước với nhau. Chính trị là sự tác động, chi phối cũng như sự thống trị của một giai cấp đối với toàn bộ xã hội cùng với việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước. V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Chính trị là sự tham gia vào những công việc của nhà nước, là việc vạch hướng đi cho nhà nước, việc xác định những hình thức, nhiệm vụ, nội dung, hoạt động của nhà nước” [42, tr.404]. Chính trị là bộ phận quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng trong đó nhà nước giữ vai trò trung tâm và chủ yếu.

Một phần của tài liệu BIỆN CHỨNG CỦA CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ KIẾN TRÚC THƯỢNG TẦNG VỚI TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 27)