Nguyên nhân của những hạn chế nói trên

Một phần của tài liệu Luận văn tài chính ngân hàng giải pháp quản trị rủi ro thanh khoản tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh biên hòa (Trang 73 - 75)

Các nguyên nhân khách quan:

Hệ thống pháp lý cho hoạt động ngân hàng chưa đầy đủ và chưa đồng bộ.

Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay là khá đồ sộ nhưng khung pháp luật cho hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng còn bị đánh giá là thiếu và yếu, nhiều khi chồng chéo và khó hiểu. Tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định mới, đặc biệt phải kể đến luật các TCTD và luật NHNN được chính phủ phê duyệt năm 2010 và thông tư 13 về các tỷ lệ an toàn tối thiểu mới cho các TCTD hướng tới chuẩn quốc tế Basel II, song thực tế hành làng pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ và chưa chuẩn với các thông lệ quốc tế đã làm tăng tính rủi ro của nền kinh tế và trong hoạt động của các NHTM.

Nguyên nhân từ nền kinh tế bất ổn

Trong nhưng năm gần đây nền kinh tế có nhưng biến động xấu như tăng trưởng tín dụng quá nóng vào năm 2007 dẫn đến căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, bất ổn trong nền kinh tế năm 2008, sự leo thang của chỉ số giá tiêu dùng, lãi suất và giá USD đã ảnh hưởng tới hành vi tiêu dùng và tiết kiệm của dân chúng khiến hoạt động huy động và cho vay gặp nhiều khó khăn, dòng tiền vào cũng như dòng tiền ra bị hạn chế và bất ổn gây khó khăn trong việc theo dõi và dự đoán trạng thái dòng tiền.

Nguyên nhân từ phía các ngân hàng khác

Hiện nay tính liên kết hệ thống giữa các NHTM còn yếu, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, đẩy lãi suất lên cao tạo khe hở cho khách hàng gửi tiền “làm giá, tăng lãi suất” hoặc rút tiền chuyển sang các NHTM khác, làm suy yếu khả năng chống đỡ thiếu hụt thanh khoản của hệ thống. Trong năm qua các NHTM liên tục theo chạy đua tăng lãi suất. Để cạnh tranh được trên thị trường, nhiều ngân hàng bất chấp rủi ro, đưa ra các hình thức khuyến mại, thưởng để huy động với lãi suất cao

hơn, có trường hợp không thèm quan tâm tới đồng thuận lãi suất ở mức 14% mà tăng lên tới 17 - 18% như Techcombank gây náo loạn thị trường. Gần đây, hành vi đảo tiền cũng đã tạo áp lực gây ra căng thẳng về vốn trên thị trường. Có những thời điểm lãi suất thị trường LNH thấp hơn thị trường thị trường huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế, không ít ngân hàng có hạn mức hoạt động trên LNH đã lấy vốn đem về thông qua các công ty con của mình gửi vào các ngân hàng khác để lấy chênh lệch. Nhiều ngân hàng thường cung vốn trên LNH gặp phải tình trạng oái oăm: vốn của mình, bị ngân hàng khác lấy với giá thấp, sau đó gửi ngược vào chính mình với giá cao tạo nên một lượng vốn không an toàn và không hiệu quả.

Nguyên nhân từ phía khách hàng

Trong điều kiện thông tin bất cân xứng, lại chưa minh bạch, với kiến thức tài chính không chuyên sâu, dân cư thường có xu hướng hành động theo phong trào và có những phản ứng thái quá như rút tiền ra khỏi ngân hàng này và chuyển sang ngân hàng khác, rút tiền để mua vàng, mua đô la Mỹ để tích trữ…trước những thông tin xấu làm tăng sự bất ổn của thị trường. Điều này cũng là dễ hiểu, nhưng lại gây ra rủi ro lớn về biến động dòng tiền, gây khó khăn cho các NHTM nói chung và cho Agribank Biên Hòa nói riêng.

Các nguyên nhân chủ quan:

Chưa có sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho quản trị rủi ro thanh khoản.

Tình hình chung hiện nay trong hệ thống ngân hàng là QTRRTK cũng như quản trị rủi ro thị trường và rủi ro hoat động, tuy đã được triển khai nhưng còn chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các nguồn lực mới chỉ chú trọng vào vận hành và phát triển hệ thống quản lý rủi ro tín dụng. Điều này bắt nguồn từ nhận thức của các cấp lãnh đạo, còn đánh giá tầm quan trọng của rủi ro thanh khoản chưa cao và chưa gắn kết được rủi ro này với các rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường…, sau đó là đến văn hóa RRTK trong ngân hàng còn thiếu dẫn đến việc thiếu ý thức và hiểu biết về khái niệm và quy trình QTRRTK trong nhân viên.

Trình độ cán bộ công nhân viên còn chưa tương xứng

RRTK và QTRRTK là những khái niệm tuy không mới nhưng chỉ được quan tâm nghiên cứu chuyên sâu và đổi mới theo tình hình thế giới từ năm 2008, sau khủng hoảng tài chính. Việc tiếp cận các bài nghiên cứu, hướng dẫn và thông lệ mới trên thế giới này còn hạn chế đối với các nhân viên ngân hàng. Hơn nữa, một phần không nhỏ cán bộ công nhân viên của Agribank Biên Hòa có tuổi đời còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tế và kiến thức chuyên sâu để có thể thực hiện quản trị rủi ro với hiệu quả tối đa, nhất là đối với một vấn đề khó như RRTK.

Một phần của tài liệu Luận văn tài chính ngân hàng giải pháp quản trị rủi ro thanh khoản tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh biên hòa (Trang 73 - 75)