Kiến nghị với Chính phủ và các Bộ liên quan

Một phần của tài liệu phát triển hoạt động môi giới chứng khoán tại công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng đầu tư và phát triển việt nam (Trang 81 - 83)

Nguyên nhân khách quan chủ yếu, bao trùm tác động tiêu cực tới sự phát triển của công ty chứng khoán nói chung và hoạt động môi giới nói riêng chính là sự kém phát triển của thị trường chứng khoán nước ta.

Để khắc phục tình trạng này Chính phủ và các bộ liên quan cần đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

3.3.2.1. Cải thiện chất lượng và đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường

Hiện nay, một số cổ phiếu của các doanh nghiệp như của các ngân hàng TMCP,… chưa thực sự niêm yết nhưng cũng đã có giao dịch trên thị trường tự do khá nhiều. Có thể thấy một vấn đề là các doanh nghiệp tuy đủ điều kiện niêm yết nhưng không muốn niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán. Điều này có thể do:

- Ban lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp nhìn nhận lợi ích từ việc niêm yết là không rõ ràng mà họ chỉ thấy sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ phía cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý thị trường.

- Doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù có nhận thấy niêm yết, phát hành chứng khoán là một kênh huy động vốn nhưng họ vẫn chưa thoát khỏi kênh huy động truyền thống là vay vốn ngân hàng. Mặt khác, các doanh nghiệp luôn kêu thiếu vốn nhưng lại không có kế hoạch đầu tư dài hạn trong tương lai, thói quen chủ yếu là kinh doanh ngắn hạn đến đâu hay đến đó với nguồn vốn hiện có.

- Phương pháp hạch toán kế toán của nước ta mà các doanh nghiệp áp dụng là chưa đồng bộ.

- Các doanh nghiệp rất ngại công bố thông tin công khai…

Cho nên, Chính phủ và Bộ tài chính cần có các quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà chưa niêm yết, quản lý cho vay đối với các ngân hàng…

Chính phủ và Bộ tài chính tạo nguồn hàng hóa cho thị trường bằng cách đưa ra các biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp cổ phần hoá, hạn chế số lượng cổ phần mà nhà nước nắm giữ, kiểm soát tỷ lệ tham gia của người nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia niêm yết bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ như: ưu đãi thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp sau khi tham gia niêm yết hoặc các chính sách ưu đãi về phí niêm yết, khấu hao thiết bị hay những ưu đãi trong quan hệ tín dụng với các tổ chức ngân hàng…

Vấn đề về lao động dôi dư khi doanh nghiệp cổ phần hóa cũng nên được Chính phủ và các bộ liên quan lưu ý. Cần có những chính sách ưu đãi hỗ trợ họ trong thời gian tìm việc khác, tránh tình trạng người lao động không muốn cho doanh nghiệp cổ phần hoá, giảm lượng khách hàng đến với các Công ty chứng khoán.

Các Bộ ban ngành có liên quan nên phối hợp với Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ mình đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá, thành lập ban chỉ đạo cổ phần hoá, nhanh chóng đưa các công ty cổ phần lên niêm yết.

3.3.2.2. Ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho hoạt động chứng khoán

Ưu đãi thuế cho thị trường chứng khoán là một chính sách quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của các công ty chứng khoán. Theo Thông tư 129/2008/TT –BTC ngày 26/12/2008 hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 thì kinh doanh chứng khoán, hoạt động chuyển nhượng chứng khoán và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Cũng theo quy định trên, các hoạt động cung cấp dịch vụ như tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư,... thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Hoạt động kinh doanh chứng khoán được xếp vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng, nghĩa là không được khấu trừ thuế đầu vào đối với các chi phí bỏ ra trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. Cho nên, các công ty chứng khoán nên được áp dụng thuế suất giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán là 0%. Với thuế suất này các công ty chứng khoán sẽ

được hoàn thuế đầu vào đối với các chi phí bỏ ra và đây chính là điều mà các công ty chứng khoán mong đợi.

3.3.2.3. Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của công ty chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng

Hoạt động của mỗi công ty chứng khoán như BSC đều chịu sự điều chỉnh trực tiếp bởi hệ thống các văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ ngành và các cơ quan chức năng liên quan. Việc ban hành hoặc thay đổi chính sách, quy định mới v.v… liên quan đến hoạt động của ngành có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và quản trị của Công ty. Mặc dù trong những năm qua, Việt Nam đã cố gắng xây dựng và đã hình thành nên một môi trường pháp lý được xem là khá cởi mở, nhưng hành lang pháp lý của nước ta chưa thật sự nhất quán và ổn định, các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được đầy đủ, thiếu tính cập nhật, chồng chéo. Việc áp dụng các văn bản pháp luật vào thực tế còn nhiều bất cập, do đó ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả kinh doanh của công ty.

Do vậy, cần xem xét sửa đổi bổ sung các luật, pháp lệnh và các văn bản ở các ngành, lĩnh vực liên quan khác nhằm tạo nên sự thống nhất cao và ổn định trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự vận hành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xây dựng và ban hành các quy định đối với từng ngành, lĩnh vực nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của các công ty chứng khoán, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý điều chỉnh riêng rẽ, cụ thể hoạt động của công ty đi vào ổn định từ đó góp phần xây dựng ổn định chung của toàn thị trường.

Bổ sung các chế tài xử lý nghiêm minh về dân sự, hình sự để phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thị trường chứng khoán.

Một phần của tài liệu phát triển hoạt động môi giới chứng khoán tại công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng đầu tư và phát triển việt nam (Trang 81 - 83)