Hứa – xét theo góc độ của lịch sự

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp so sánh lời hứa trong ngôn ngữ việt - thái (Trang 33 - 35)

7. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI

2.2.3.Hứa – xét theo góc độ của lịch sự

Lịch sự là một trong những phương tiện hữu hiệu để đạt được hiệu quả trong giao tiếp xã hội. Hiểu và dùng ngôn ngữ một cách lịch sự sẽ giúp con người thành công trong giao tiếp, đạt được hiệu quả giao tiếp mong muốn. Ngược lại, không ý thức rõ ràng về lịch sự và sử dụng ngôn ngữ không tính đến yếu tố lịch sự sẽ có thể đưa đến những thất bại trong giao tiếp hoặc có thể không thành công trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội. Lịch sự vừa có tính phổ quát, lại vừa có tính đặc thù của mỗi cộng đồng, nó được quy định bởi văn hóa riêng của từng cộng đồng.

Như đã trình bày ở mục 2.2.2, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng đều có phông văn hóa riêng của mình. Chính phông văn hóa riêng biệt đó giải thích tại sao

cách nói trung hòa về tính lịch sự ở dân tộc này lại có vẻ như thô thiển đối với dân tộc khác; hay cách nói đầy tính trang nhã, lịch sự của cộng đồng này lại có vẻ kiểu cách, cầu kỳ, thiếu chân thật từ góc nhìn của cộng đồng kia.

Lịch sự là một bước phát triển cao của văn hóa giao tiếp. Tìm hiểu tính lịch sự trong giao tiếp mà không gắn với những đặc trưng hay bản sắc văn hóa của dân tộc sẽ là một thiếu sót lớn. Đỗ Hữu Châu (2001) khẳng định: “ Lịch sự trước hết là vấn đề văn hóa, là mang tính đặc thù của từng nền văn hóa. Xã hội nào cũng phải lịch sự, đến một mức độ nào là lịch sự, biểu hiện thế nào là lịch sự lại bị quy định bởi từng nền văn hóa một…” [3]

Có thể nói trong bất kì cộng đồng nào, hành vi hứa luôn tồn tại trong văn hóa giao tiếp của họ. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với lịch sự, hành vi hứa ảnh hưởng trực tiếp đến thể diện dương tính và thể diện âm tính của người thực hiện nó. Nó tác động đến thể diện âm tính và thể diện dương tính theo hai hướng. Bởi thể diện âm tính là mong muốn được người khác tôn trọng quyền tự do cá nhân, quyền tự chủ, quyền tự do hành động và từ chối. Trong khi đó hành vi hứa lại là một hành vi thuộc nhóm hành vi ngôn ngữ cam kết, nó đòi hỏi người nói phải chịu trách nhiệm thực hiện việc mình đã nói. Bởi vậy khi một người thực hiện hành vi hứa có nghĩa là người nói bị ràng buộc, mất quyền tự do hành động và từ chối và như vậy hành vi hứa đe dọa thể diện âm tính của người nói. Hay nói cách khác, thực hiện hành vi hứa sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thể diện âm tính của người nói. Bên cạnh đó, hứa còn liên quan đến thể diện dương tính trong mối quan hệ giữa hành vi này và lịch sự. Thể diện dương tính có thể được hiểu một cách chung nhất là mong muốn cái tôi của mình được người khác xác nhận, ủng hộ, bênh vực hay nhu cầu được biết rằng mong muốn của mình được người khác chia sẻ. Trong khi đó, hành vi hứa là hành vi mà khi thực hiện người nói tự ràng buộc mình vào trách nhiệm đối với người nghe, có nghĩa là người nói đồng thời tạo dựng niềm tin đối với người nghe, xây dựng hình ảnh cá nhân của mình trong con mắt của người nghe. Theo cách tiếp nhận lời hứa một cách thông thường thì cái tôi của người nói được người nghe xác nhận, ủng hộ. Từ đó thể diện dương tính được bảo toàn. Nhưng ngược lại, nếu như người nghe tiếp nhận hành động này theo xu hướng tiêu cực như nghi ngờ… thì cái tôi cá nhân mong được người khác ủng hộ bị đe dọa, dẫn đến thể diện dương tính của người nói bị đe dọa. Bởi vậy, tùy vào mong muốn của người thực hiện hành vi hứa dưới góc nhìn lịch sự mà người nói lựa chọn cách thức thực hiện hành vi này một cách thích hợp nhất.

Do đó, trong mối quan hệ với lịch sự, chúng ta cần phải nhìn hành vi hứa một cách toàn diện, và qua đây có thể thấy hành vi hứa không chỉ chịu tác động của yếu tố văn hóa ứng xử mà còn có sự liên quan mật thiết với yếu tố lịch sự.

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp so sánh lời hứa trong ngôn ngữ việt - thái (Trang 33 - 35)