6. Đóng góp mới của đề tài
1.2.1. Tổ chức Hải quan và đặc điểm nhân lực Hải quan:
1.2.1.1. Tổ chức của Hải quan Việt Nam:
Hải quan là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và phục vụ chính sách đối ngoại của đất nước.
Địa bàn hoạt động của hải quan bao gồm các khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài của khẩu, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, bưu điện quốc tế, các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam, trụ sở doanh nghiệp khi tiến hành kiểm tra sau thông quan và các địa bàn hoạt động của hải quan khác theo quy định của pháp luật. Trong địa bàn hoạt động của hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải.
Tổng cục Hải quan Việt Nam có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ tài chính thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực hải quan. Như vậy, về mặt tổ chức thì tổ chức hải quan là một đơn vị trực thuộc Bộ tài chính. Do đó, mọi hoạt động, giám sát về Hải quan toàn bộ đều do Bộ tài chính quy định.
Nói chung, Hải quan Việt nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hoạt động của Hải quan Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Hải quan với các nhiệm vụ cơ bản như sau:
Một là, tổ chức thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh tại các cửa khẩu, các địa điểm kiểm tra tập trung và các địa điểm kiểm tra khác theo quy định của pháp luật.
Đây là nhiệm vụ cơ bản nhất, nhiệm vụ này bao trùm hầu như toàn bộ về các hoạt động, nghiệp vụ của ngành Hải quan. Nhiệm vụ này cũng thể hiện tính đặc thù của ngành Hải quan so với các ngành khác, các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác.
Hai là, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phòng, chống ma túy trong phạm vi địa bàn hoạt động. Phối hợp thực hiện các biện pháp ngoài địa bàn hoạt động của Cục Hải quan theo quy định của pháp luật.
Ba là, tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Đây là nhiệm vụ quan trọng của Hải quan, nhiệm vụ này được quy định tại chương V của luật Hải quan hiện hành. Nhiệm vụ này làm cho các sắc thuế, luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá được thực hiện một cách nghiêm minh.
Bốn là, thống kê nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc phạm vi quản lý của Cục Hải quan theo quy định của pháp luật.
Năm là, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về Hải quan theo quy định của pháp luật.
Đây là nhiệm vụ không thể thiếu được không chỉ đối với cơ quan Hải quan mà còn đối với nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khác.
Sáu là, xử lý vi phạm hành chính hoặc khởi tố đối với các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định của pháp luật, giải quyết khiếu nại đối với các quyết định hành chính của các đơn vị trực thuộc và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bảy là, kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Nhà nước về Hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.