HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2006 –
2.1.1. Điều kiện tự nhiên
Nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Hồng, Thăng Long - Hà Nội được xem là vùng đất “địa linh - nhân kiệt”, nơi hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển thành trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của cả nước. Tọa độ 105°44’-106°02’ kinh độ đông ; 20°53’-21°23’ vĩ độ Bắc. Diện tích 3.328,89 km2, dân số khoảng 6,688 triệu người, mật độ dân số khoảng 2.009, người/km2. Hiện nay toàn thành phố có 29 quận, huyện với 555 phường, xã và 22 thị trấn. Hà Nội tiếp giáp với 6 tỉnh: Thái Nguyên ở phía bắc ; Bắc Ninh, Hưng Yên ở phía đông ; Vĩnh Phúc ở phía Tây ; Hà Nam, Hòa Bình ở phía nam. [9]
Nhìn chung, địa hình Hà Nội khá đa dạng với núi thấp, đồi và đồng bằng, trong đó phần lớn diện tích của thành phố là vùng đồng bằng, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Hà Nội có nhiều hồ, đầm thuận lợi cho phát triển Thủy sản và du lịch, nhưng do thấp trũng nên khó khăn trong việc tiêu thoát nước
nhanh, gây úng ngập cục bộ thường xuyên vào mùa mưa. Vùng đồi núi thấp và trung bình ở phía Bắc Hà Nội thuận lợi cho xây dựng, phát triển công nghiệp, lâm nghiệp và tổ chức nhiều loại hình du lịch.
Khí hậu ở Hà Nội được hình thành và tồn tại nhờ cơ chế nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh ít mưa, mùa hè nóng, ẩm và mưa nhiều. Hà Nội có mùa đông lạnh rõ rệt so với các địa phương khác ở phía Nam.
Một trong những nét đặc trưng của địa hình Hà Nội là có nhiều hồ, đầm tự nhiên. Tuy nhiên, do yêu cầu đô thị hóa và cũng do thiếu quy hoạch, quản lý kém nên nhiều ao hồ đã bị san lấp để lấy đất xây dựng. Diện tích ao, hồ, đầm của Hà Nội hiện còn lại vào khoảng 3.600 ha. Có thể nói, hiếm có một Thành phố nào trên thế giới có nhiều hồ, đầm như ở Hà Nội. Hồ, đầm của Hà Nội đã tạo nên nhiều cảnh quan sinh thái đẹp cho Thành phố, điều hòa tiểu khí hậu khu vực, rất có giá trị đối với du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng.
Hà Nội không phải là vùng dồi dào nước mặt, nhưng có lượng nước chảy qua khổng lồ của sông Hồng, sông Cầu, sông Cà Lồ có thể khai thác sử dụng.
Xét trên góc độ yêu cầu sử dụng đất thì Hà Nội có 2 nhóm đất có ý nghĩa lớn nhất đối với phát triển kinh tế - xã hội, đó là đất nông lâm nghiệp và đất xây dựng. Phần lớn diện tích đất đai ở nội thành Hà Nội được đánh giá là không thuận lợi cho xây dựng do có hiện tượng tích nước ngầm, nước mặt, sụt lún, nứt đất, sạt lở, trôi trượt dọc sông, cấu tạo nền đất yếu.
Hà Nội có một số kiểu hệ sinh thái đặc trưng như hệ sinh thái vùng gò đồi ở Sóc Sơn và hệ sinh thái hồ, điển hình là hồ Tây, hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái đô thị,… Trong đó, các kiểu hệ sinh thái rừng vùng gò đồi và hồ có tính đa dạng sinh học cao hơn cả.
Hiện tại Hà Nội có 48 công viên, vườn hoa, vườn dạo ở 7 quận nội thành với tổng diện tích là 138 ha và 377 ha thảm cỏ. Ngoài vườn hoa, công
viên, Hà Nội còn có hàng vạn cây bóng mát thuộc 67 loại thực vật khác nhau trồng trên các đường phố.
Từ Hà Nội đi các thành phố, thị xã của vùng Bắc bộ và cả nước rất thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không. Đến năm 2011, tất cả các tuyến giao thông quan trọng nối liền Hà Nội với các tỉnh trong cả nước đều được mở rộng, cải tạo và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.