3.2.1.Nhóm chính sách và giải pháp chung:

Một phần của tài liệu phát triển các tổ chức xã hội dân sự góp phần phát triển nông thôn tỉnh nghệ an (Trang 95)

Các tổ chức XHDS ở Nghệ An có cấu trúc xã hội rộng nhưng không sâu, môi trường pháp lý để các tổ chức này phát triển đã được xác lập nhưng những yếu tố khích lệ, phát huy sự tham gia của xã hội còn yếu. Tuy nhiên, những giá trị mà các tổ chức XHDS mang lại là khá lớn, như vận động chính sách cho người nghèo, tham gia vào công cuộc xóa đói giảm ngèo…Điểm mạnh của các tổ chức XHDS hiện nay là có đội ngũ nhân viên nhiệt tình và kinh nghiệm đa lĩnh vực, phương pháp làm việc có sự tham gia, tiềm năng đóng góp còn lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó các tổ chức XHDS còn gặp phải nhiều thách thức, đó là thiếu khuôn khổ pháp lý toàn diện, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính, trong khi đó bản thân hoạt động của hầu hết các tổ chức

XHDS chưa có bản sắc, vai trò rõ rệt, tầm nhìn, chiến lược tham gia và định hướng tương lai của các tổ chức còn mô hồ. Để hạn chế những vấn đề nêu trên, tác giả đề xuất một số vấn đề liên quan đến việc tăng cường năng lực cho các tổ chức XHDS ở Nghệ An như sau:

3.2.1.1- Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để tăng cường tổ chức XHDS:

Về phía Nhà nước, bên cạnh việc sớm bổ sung hoàn chỉnh khung pháp lý thì việc tạo ra cơ chế hỗ trợ tài chính bền vững, thông qua việc phân bổ cơ cấu nguồn vốn của chính phủ để giao một số dịch vụ công, các đề tài dự án cho các tổ chức XHDS một cách bình đẳng với các cơ quan của Nhà nước là hết sức quan trọng.

Cần nhanh chóng ban hành “Luật về hội”. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc định hình XHDS. Cùng với ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền hội họp, quyền biểu tình, thì quyền lập hội là những quyền cơ bản của con người. Những quyền này, suy cho cùng là để đảm bảo vai trò của mỗi cá nhân trong xã hội. Mỗi cá nhân đều có quyền thể hiện những điều mình nghĩ, có quyền liên kết tự do và độc lập giữa người dân với nhau quanh từng vấn đề xã hội, tôn giáo, chính trị, văn hóa. Tuy nhiên, mỗi cá nhân, nếu chỉ là những cá nhân đơn độc, bị xé lẻ, bị cô lập thì sự ảnh hưởng, tác động của họ đối với nhà nước khó có thể có hiệu quả và họ cũng không thể tự làm chủ xã hội, nếu chỉ bằng sự nỗ lực đơn lẻ của từng cá nhân. Thông qua quyền lập hội, các tổ chức xã hội được thành lập và đó là tiếng nói của những người dân được tập hợp lại với nhau để tạo thành sức mạnh, cùng Nhà nước thực hiện những mục tiêu của hệ thống chính trị, để kiểm soát nhà nước, để bảo vệ mình, để chống lại những tiêu cực trong xã hội như tham nhũng, nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; để tự mình giải quyết những công việc mà không cần thông qua nhà nước.

Nhà nước nên hình thành hàng loạt các chính sách quản lý mang tầm chiến lược ổn định, trước mắt tập trung vào xây dựng và hoàn thiện chính sách chuyển giao một số dịch vụ xã hội cho CSO thực hiện; Chính sách tạo cơ hội cho CSO tham gia có hiệu quả vào các công việc của đất nước, như: Tư vấn, thực hiện các dự án; Chính sách

về những hoạt động của CSO, các chính sách tài trợ của Nhà nước và các chính sách về nghĩa vụ của CSO.

Đổi mới cách thức và quy trình soạn thảo, ban hành các chính sách quản lý. Cần thường xuyên khảo sát, tổng kết, đánh giá hiệu lực và hiệu quả các chính sách đã có, từ đó xem xét tổng thể tác dụng của chính sách với việc thúc đẩy sự nghiệp phát triển của khu vực nông thôn. Cần huy động sự tham gia của bản thân CSO, các chuyên gia hoạt động xã hội, đặc biệt là những người nghiên cứu sâu về hội, các cấp chính quyền.

Song song với việc đổi mới hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, cần chú trọng đổi mới hơn nữa việc nâng cao chất lượng kiểm tra việc thực hiện các chính sách đó. Có cơ chế và chính sách đúng, nhưng không chú trọng công tác kiểm tra việc thực hiện các chính sách đó, thì dù chính sách có đúng, có khoa học chăng nữa, nhưng khi thực hiện rất có thể lại không được tốt.

Coi trọng việc kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu về công tác của CSO. Cần xây dựng nguyên tác cơ bản cho công tác quản lý CSO, hoàn thiện bộ máy quản lý từ trung ương đến cơ sở, có sự phân công rành mạch, đồng thời cũng phải có cơ chế phối hợp nhịp nhàng.

Cần tập trung nhiều hơn cho việc nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò, vị trí, đặc điểm của CSO trong xã hội nông thôn và vai trò quản lý nhà nước với CSO. Thông báo, tuyên truyền rõ các quan điểm cơ bản, cơ chế và chính sách của nhà nước trong việc quản lý các hội.

Bên cạnh đó, về phía các tổ chức XHDS, bản thân các tổ chức phải bắt đầu và thường xuyên xem xét, rà soát lại mô hình của mình thông qua việc phân tích và đánh giá lại các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tổ chức, cũng như các yếu tố bên trong. Chỉ như vậy, mới đưa ra được những cải thiện phù hợp nhằm duy trì và phát triển tổ chức trong một môi trường năng động và có sức cạnh tranh.

Các tổ chức XHDS không thể hoạt động một cách độc lập “mạnh ai nấy làm” như hiện nay. Thay vào đó, các tổ chức cần chủ động và tích cực tham gia kết nối xây dựng mạng lưới trong từng lĩnh vực và mục tiêu chung nhằm trao đổi kinh nghiệm và bổ sung cho kho tàng kinh nghiệm về phát triển tổ chức cũng như triển khai các dự án phát triển nông thôn ngày càng phong phú và hiệu quả sử dụng nguồn lực cao.

3.2.2.2- Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở:

Quy chế dân chủ cơ sở với mục tiêu nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy nhân tố con người trong quá trình phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Tiếp tục coi trọng việc nâng cao chất lượng chế độ dân chủ đại diện, đồng thời mở rộng cơ chế và các hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân một cách thiết thực trong việc tham gia quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

Trong nhiều năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đã được triển khai sâu rộng đến mọi cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội và đến tận các làng, bản, thôn xóm. Mỗi địa phương đều xây dựng nội quy, quy chế và được công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện. Các đoàn thê như mặt trận, công đoàn, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng được kiện toàn và đề cao vai trò, vị trí, trách nhiệm trong sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, địa phương. Các kiến nghị, khiếu nại của công dân được cơ quan đảng, chính quyền quan tâm đúng mực thông qua việc tiếp dân theo định kỳ hàng tuần, tháng và các hoạt động khác. Thông qua đó, những nội dung phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đơn vị mình đều được giải quyết, nhưng nội dung không thuộc thẩm quyền được cán bộ hướng dẫn cụ thể để người dân đến đúng cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Quy chế dân chủ. Đó là, nhận thức của một bộ phận cán bộ về thực hiện quy chế dân chủ chưa thực sự đầy đủ và sâu sắc nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, thủ trưởng đơn vị, giám đốc các doanh nghiệp chưa thường xuyên, công tác kiểm tra còn hạn chế. Việc tuyên

truyền, quán triệt thực hiện Quy chế dân chủ nhiều nơi còn hình thức, hiệu quả thấp. Việc duy trì chế độ họp của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp chưa được thường xuyên, thông tin, trực báo không kịp thời. Bên cạnh đó, quy định của các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng đã lâu nên quá trình thực hiện có nhiều điểm không còn phù hợp, song việc rà soát, bổ sung, sửa đổi thực hiện còn chậm, hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, tình trạng khiếu kiện của công dân tuy đã được giải quyết nhưng vẫn còn xảy ra tồn đọng, vượt cấp và kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một số vấn đề cần nhận thức tốt về quy chế dân chủ cơ sở như sau:

Ở đâu thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thì ở đó kinh tế xã hội phát triển, quốc phòng an ninh đảm bảo, bởi lẽ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tốt tạo không khí, tin tưởng trong nhân dân, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, vì mục tiêu của thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chính là làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tạo sự đồng thuận xã hội ngày càng cao.

Luôn gắn chặt thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tốt cáo của công dân, vì làm tốt những việc này chính là làm tốt công tác công khai, minh bạch, tạo được niền tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền.

Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết, không để khó khăn, yếu kém tồn đọng, có những khó khăn bản thân cơ sở không tự giải quyết mà cần cấp có thẩm quyền giải quyết.

Để thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, cần thực hiện một số vấn đề như sau: Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một cách toàn diện, trong đó tập trung những khâu khó, việc khó, những vấn đề mới đặt ra

ở cơ sở để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn nông thôn.

Hai là, quan tâm, tạo điều kiện cho ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, các tổ chức cộng đồng hoạt động gắn với nâng cao năng lực giám sát, phát hiện vấn đề của các tổ chức đó.

Ba là, gắn chặt thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, công tác phòng chống tham nhũng, làm tốt việc công khai minh bạch, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bốn là, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp và cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, vì Ban chỉ đạo hoạt động có chất lượng thì mới tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện quy chế dân chủ có hiệu quả.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mỗi năm tiến hành theo quý, 6 tháng và cuối năm. Qua kiểm tra phải giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, khắc phục những hạn chế yếu kém.

3.2.2.3- Giải pháp tăng cường kết nối giữa các tổ chức XHDS.

Một phần của tài liệu phát triển các tổ chức xã hội dân sự góp phần phát triển nông thôn tỉnh nghệ an (Trang 95)