3.3 Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Tây Phi
3.3.4 Giải pháp về duy trì và mở rộng thị trường
a. Mục tiêu đề xuất giải pháp
Như đã phân tích, nhu cầu nhập khẩu gạo của Tây Phi còn rất lớn, trong khi gạo Việt Nam lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Tây Phi và tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống. Chính vì lý do này mà tác giả đề xuất giải pháp với mục đích duy trì thị trường gạo truyền thống sẵn có. Đồng thời, tác giả cũng mong muốn tìm cơ hội phát triển sâu rộng sang các thị trường gạo tiềm năng khác một cách ổn định và lâu dài. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh hình thức xuất khẩu trực tiếp.
b. Nội dung giải pháp
Doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng vào các thị trường cửa ngõ của khu vực gồm Bờ Biển Ngà, Senegal và Ghana. Đây là những thị trường có chính sách thương mại mở, rất dễ xâm nhập. Trong đó, Bờ Biển Ngà và Senegal là các đầu mối lớn của các quan hệ thương mại ở khu vực Tây Phi. Hai thị trường lớn này cũng là điểm tập kết lý tưởng cho gạo Việt Nam thâm nhập vào các nước thành viên khác của UEMOA. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm nhiều hơn đối với thị trường Ghana vì đây là nơi tiêu thụ khá lớn gạo Việt Nam. Thông qua Ghana, mặt hàng gạo có thể thâm nhập vào một số nước láng giềng. Như vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới xuất khẩu, cần xem ba thị trường này là điểm tựa, bàn đạp để có thể phát triển sang các thị trường cịn lại ở Tây Phi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng khác ở Tây Phi. Trong đó, thị trường Nigeria có nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn và đây cũng là trung tâm của Tây Phi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần kiên trì hơn trong việc làm ăn với các thị trường gạo tiềm năng khác như Guinea, Sierra
Leone, Benin, Guinea Bissau, Togo và có kế hoạch lâu dài để tiến sâu vào các thị trường còn lại trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết lập hệ thống đại lý phân phối gạo thông qua liên kết với các doanh nghiệp hoặc kiều bào nước sở tại nhằm tìm cơ hội đưa mặt hàng gạo tiến sâu vào các nước Tây Phi. Nói cách khác, khi hội tụ đủ điều kiện, doanh nghiệp phải thiết lập ngay các kênh phân phối tại một số thị trường trọng điểm để từ đó tạo dựng cầu nối với các nước Tây Phi khác. Khi đó, các đại lý nước sở tại có nhiệm vụ giữ liên lạc thường xuyên với doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu, đồng thời từng bước tiến hành tạo lập và mở rộng kênh phân phối, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh sự nỗ lực ngoại giao của chính phủ nhằm có nhiều hợp đồng tập trung với các nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động tiếp xúc, tạo dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp được chính phủ nước sở tại chỉ định nhập khẩu gạo. Đây là những doanh nghiệp lớn, thường có mối quan hệ tốt với chính quyền sở tại, có được hợp đồng chính phủ với khối lượng lớn và ổn định hàng năm.
c. Lợi ích dự kiến đạt được và khó khăn khi thực hiện giải pháp
Với giải pháp này, các doanh nghiệp sẽ phát huy được thế mạnh sẵn có của gạo Việt Nam, đồng thời gia tăng được sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường quan trọng cũng như các thị trường còn nhiều hấp dẫn khác ở Tây Phi. Thông qua các mối quan hệ đã tạo dựng được của mình ở thị trường sở tại, các doanh nghiệp có thể nắm bắt được nhu cầu thị trường để có kế hoạch về nguồn cung phù hợp. Ngoài ra, giải pháp này sẽ góp phần hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào kênh trung gian như hiện nay, đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp lâu dài và ổn định.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi thực hiện giải pháp này là khâu nghiên cứu thị trường của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế và chưa được chú trọng đúng mức. Điều này sẽ là trở ngại đáng kể cho việc đánh giá thị trường cũng như tìm kiếm và hợp tác lâu dài với các đối tác, doanh nghiệp ở nước sở tại.