Tìm hiểu về sự thay đổi của tài nguyên, môi trường đầm phá qua các năm thì hầu hết các hộ đều nhận xét là môi trường ngày nay xấu lắm, dịch bệnh ngày càng nhiều, nuôi chết hết. Nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm, nước sinh hoạt chảy ra đầm phá, nước thải từ trên các cao nuôi cao triều của các thôn khác đổ xuống mang mầm bệnh, nguồn giống không đảm bảo, có sẵn mầm bệnh cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh gia tăng. Một lý do khiến dịch bệnh lây lan nhanh và dễ dàng là do đặc thù nuôi trồng thủy sản của thôn Thủy Diện là nuôi vây chắn trên đầm phá, không có hệ thống xử lý nước thải và giữa các ao nuôi lưu thông với nhau, người dân ở đây lại có quan niệm con chết làm thức ăn cho con sống nên khi có con nào bị chết họ không vớt lên hay xử lý gì cả mà để mặc nó cho các con khác ăn nên khi có dịch bệnh rất khó để kiểm soát và xử lý.
Qua kết quả khảo sát 100% các hộ đều cho biết từ trước tới giờ chất lượng tài nguyên không có thay đổi nào tích cực cả, không có loài mới, sản lượng, kích thước tôm, cua, cá cũng không tăng lên, thậm chí sản lượng có phần giảm sút so với trước; đặc biệt là tôm sú, do dịch bệnh nhiều nên sản lượng tôm sú giảm nhiều. Không có thay đổi nào theo chiều hướng tích cực
mà tiêu cực nhiều hơn, môi trường nuôi ngày càng xấu, dịch bệnh nhiều hơn, sản lượng các loài nuôi giảm xuống. Không có loài mới xuất hiện mà hầu hết các hộ đều nói rằng rong cỏ ngày càng ít dần, rong cỏ là nơi ẩn nấp cũng là thức ăn của các loài tôm, tép, cua, rong cỏ mất dần báo hiệu rằng nguồn lợi thủy sản trên đầm phá cũng đang dần suy giảm. Nhiều hộ cũng nhận xét là tôm, cá tự nhiên ít dần, do người khai thác nhiều quá nên giờ phải tăng số lượng ngư cụ lên thì mới thu được như trước để có thể đảm bảo cuộc sống.
Hộp 5: Đánh giá về chất lượng tài nguyên, môi trường
Hộ Hà Văn Nghiêm, một hộ KTTS lâu năm ở thôn Thủy Diện nhận xét rằng“... Tôm ít hơn, những năm trước có ngày thu được 2 kg, hơn 2kg, nay thì ngày chỉ được 1-1,5kg thôi, mà đó là đã mua thêm ngư cụ để khai thác rồi...”
Nguồn: Phỏng vấn hộ thôn Thủy Diện, 2011