1.2.2 .Thi pháp truyện viết cho tuổi mới lớn
2.1. Thi pháp nhân vật truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh
2.1.1. Từ quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Nhật Ánh
Nhìn vào cuộc đời của Nguyễn Nhật Ánh thông qua các môi trường nghề nghiệp mà tác giả đã từng trải nghiệm: là sinh viên, là Thanh niên xung phong, là nhà giáo, nhà văn, nhà báo, cán bộ đoàn TNCS, chuyên gia gỡ rối tơ lòng,... chúng ta biết được lý do tại sao ông lại hiểu rõ được tâm lý, đời sống tinh thần của thế hệ thanh thiếu niên đến vậy.
Bởi vì tuổi mới lớn là lứa tuổi đang dần hoàn thiện nhân cách để bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, là lứa tuổi rất cần đến sự uốn nắn, định hướng nhân cách. Bên cạnh đó, lứa tuổi này lại có sự biến chuyển phức tạp về tâm lý, vì vậy giáo dục các em qua những tác phẩm văn học làm sao được hiệu quả mà không cứng nhắc, giáo điều, khó hiểu là vấn đề đặt ra cho những người cầm bút. Hiểu rõ được vấn đề này, Nguyễn Nhật Ánh đặc biệt quan tâm đến tính giáo dục và tính chân thực trong các sáng tác của mình dành cho tuổi mới lớn.
Nguyễn Nhật Ánh từng quan niệm nhà văn phải là trụ đỡ tinh thần cho trẻ em, không nên viết quá nặng nề bởi tâm hồn của trẻ em còn rất mỏng manh, phải giúp các em yên tâm vui sống. Với quan niệm này, các sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh luôn đem đến những nội dung hết sức trong sáng, giàu giá trị nhận thức và giá trị giáo dục mà cũng không kém phầm hấp dẫn, lôi cuốn.
Đối tượng thiếu nhi và tuổi mới lớn là những bạn đọc chưa tự cảm nhận và chọn lọc được những tác phẩm văn học tốt cho bản thân. Vì thế, vai trò nhà giáo dục trong nhà văn là rất quan trọng. Nhà văn khi viết phải điều chỉnh, chọn lọc những tình tiết phù hợp với lứa tuổi, nhằm đạt đến hiệu quả cuối cùng là sự hướng thiện. Có thể nói, những nhà văn viết cho tuổi mới lớn chân chính bao giờ cũng có trong mình là một nhà giáo dục, nhà sư phạm. Chính điều này đã lí giải vì sao tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ các em nhỏ mà ngay cả các vị phụ huynh cũng yêu thích. Bởi khi đọc tác phẩm, chúng ta không chỉ thấy tính giải trí mà còn thấy cả tính giáo dục.
Nguyễn Nhật Ánh dành cuộc đời mình viết cho bạn đọc tuổi nhỏ. Trên hành trình sáng tạo văn chương, nhà văn đã chứng tỏ một cách tuyệt vời sự kết hợp khéo léo vai trò người nghệ sĩ và nhà giáo dục. Chính vì thế, Nguyễn Nhật Ánh đã liên tục đạt được nhiều thành công trong sáng tạo nghệ thuật. Ông đã mang đến cho người đọc những bức tranh hiện thực về thế giới tuổi thơ, nhất là về lớp người đang ở độ tuổi mới lớn. Ông cho thấy lứa tuổi này không chỉ có mộng mơ, bao bọc; các em còn phải vất vả mưu sinh, gặp không ít sai lầm khi chưa thực sự là một người lớn. Từ những câu chuyện nói trên, bạn đọc sẽ rút ra được nhiều bài học nhận thức sâu sắc cho lứa tuổi của mình. Chính cảm quan hiện thực giàu tính nhân văn đó đã làm nên chất men say cho những tác phẩm của ông, khiến cho bạn đọc khó có thể thờ ơ trước mỗi trang viết của nhà văn.