1.2.2 .Thi pháp truyện viết cho tuổi mới lớn
4.3. Ngôn ngữ giàu chất thơ
4.3.1. Ngôn ngữ biểu cảm
Cảm giác rung động đầu đời là đặc điểm nổi bật của tâm lý lứa tuổi đầu thanh niên. Khảo sát các trang truyện của Nguyễn Nhật Ánh, ta thấy xuất hiện một số lượng lớn ngôn ngữ gọi tên các cung bậc, cảm xúc của nhân vật mới lớn. Khi có cảm tình, và muốn làm quen thì: đỏ mặt, xấu hổ, nóng ran mặt, tim đập thình thịch, lúng túng, ngượng ngùng, ngỡ ngàng, bối rối, xốn xang, bồi hồi, thấp thỏm, bồn chồn, bứt dứt, băn khoăn, rụt rè, ngượng nghịu, nóng lòng, xao xuyến khôn tả, tần ngần nửa muốn nửa không,… Khi đã thầm yêu trộm nhớ là các từ ngữ như: mơ màng, vẩn vơ, âu sầu, thở dài, nén lòng, nhớ nhung, mơ mộng, thơ thẩn, khắc khoải, hoang mang, lòng bồng bềnh, nôn nao khó tả, lòng tràn ngập yêu thương, ngẩn ngơ như người mất hồn, như người mộng du, thả hồn theo mây gió, miên man nghĩ ngợi đâu đâu,… Khi nhân vật phải rời xa người mình yêu thương thì đó là các cảm xúc: buồn hiu hắt, nôn nao, thao thức, rối như tơ vò, lồng ngực đột nhiên tức nghẹn, lòng trĩu nặng, mất mát, đau đớn, xót xa, vỡ vụn và tan chảy, nhòe nước mắt, nhớ da diết, đau như dao cứa, nhớ cồn cào, trái tim vỡ ra từng mảnh, nỗi đau xay thành bột,... Quả thực với hệ thống các động từ, tính từ gọi tên cảm xúc tác giả đã cho thấy một nét đặc điểm tâm lý nổi bật của tuổi mới lớn. Trước người bạn khác giới các em đã có những biến chuyển tâm lí đặc biệt. Từ cung bậc đầu tiên còn bồi hồi, e ấp, run rẩy cho đến lúc bước vào tình yêu hạnh phúc cũng có song buồn đau cũng thật nhiều. Nguyễn Nhật Ánh đã đưa đến những cung bậc cảm xúc tình đầu thiêng liêng ấy bằng vốn từ ngữ điêu luyện và phong phú.
Nguyễn Nhật Ánh sinh sống và làm việc chủ yếu ở miền Nam nên ngôn ngữ của các nhân vật mới lớn trong các tác phẩm của ông cũng mang đậm màu sắc
Nam Bộ. Trong nhiều truyện, độc giả bắt gặp rất nhiều những từ đặc trưng của đồng bào miền Nam như: giỡn, nói dóc, mắc toi, tếch về, tét đầu, thí mồ, rảnh, ký lủng sọ, lỡ, kỳ lắm, lẹ lên, nói xạo, méc, đụng xe, đui, hổng lẽ, chọc, mai mốt, xức dầu, hoài, vô, tụi, đút, xực, bịnh, xỉu, … Ngoài ra cũng xuất hiện dày đặc các hệ thống từ mang sắc thái biểu cảm của người nói đặt cuối câu cảm thán hay câu nghi vấn như: ghen, nghe, hen, chớ bộ, hén, quá trời, chớ bộ, nè, chi, coi, dữ vậy, …
Với cách sử dụng từ ngữ này thế giới nhân vật mới lớn hiện lên thêm chân thực, gần gũi, hồn nhiên, sinh động như chính cách các em đang sống, đang chơi, đang học tập và trải nghiệm.