Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Thi pháp truyện viết cho tuổi mới lớn của nhà văn nguyễn nhật ánh (Trang 53 - 55)

1.2.2 .Thi pháp truyện viết cho tuổi mới lớn

3.1. Giới thuyết về không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật

3.1.2. Thời gian nghệ thuật

Trong triết học, thời gian được xem là hình thức (phương thức) tồn tại của vật chất, vật chất nào cũng phải tồn tại trong thời gian và mọi dạng thức tồn tại của vật chất đều có thời gian của mình. Thời gian chỉ có duy nhất một chiều là từ quá khứ đến tương lai. Sự tồn tại của thời gian là liên tục. Nghệ thuật là một dạng tồn tại đặc thù, có thời gian riêng. Tác phẩm nghệ thuật cũng tồn tại trong thời gian vật chất. Tuy nhiên, thời gian khách quan chưa phải là thời gian nghệ thuật. Vì thời gian nghệ thuật “là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều thời gian là hiện tại, quá khứ hay tương lai” [30; 62]. Theo Trần Đình Sử, thời gian là “một trong các hình thức tồn tại cơ bản của thế giới, của sinh thành, trưởng thành, trôi chảy và hủy diệt tất cả các hiện tượng của thực tại” [31; 165].

Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, là hình thức tự do trong sáng tác của mỗi tác giả, mang tính quan niệm và cá nhân rõ rệt. Tác giả sáng tạo nên thời gian nghệ thuật bằng các phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người thưởng thức cảm nhân được mọi cảm xúc. Mỗi tác giả đều có cách cảm và cách nghĩ riêng, từ đó thế giới nghệ thuật cũng được xây dựng theo ý đồ nghệ thuật của riêng tác giả. Tuy nhiên, thời gian nghệ thuật không phải là một hiện thượng của tâm lý cá nhân, thiếu sự thụ cảm, tưởng tượng của người đọc thì thời gian nghệ thuật không xuất hiện. Chính vì lẽ đó mà thời gian nghệ thuật có các đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, thời gian nghệ thuật có tính liên tục của sự kiện trong cuộc đời nhân vật ở tác phẩm. Theo chân nhân vật, thời gian đi từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Tùy theo từng nhân vật, có thể chỉ một chi tiết nhỏ cũng được nhà văn ưu ái dành cho vài trang giấy, nhưng vài năm cũng có thể được tóm gọn lại bằng một câu. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một ví dụ điển hình. Mở đầu truyện, Nguyễn Du dành 8 dòng thơ để giới thiệu về Kiều và gia đình. Còn 3254 câu thơ lục bát còn lại là hàng loạt các sự kiện tạo bước ngoặt lớn trong cuộc đời Kiều: gặp gỡ Kim Trọng, gia đình bị vu oan, và sau đó là mười lăm năm lưu lạc “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”.

Thứ hai, thời gian nghệ thuật mang tính chủ quan, ước lệ. Cũng bởi mang tính cá nhân rõ rệt, thời gian nghệ thuật trong tác phẩm do tác giả sáng tạo nên nên tác giả có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực tế. Trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, thời gian người chinh phụ tiễn đưa chinh phu ra trận được kéo dài hơn so với thực tế: chia tay bên nhau, chia tay trong hàng

quân và chia tay trong tâm tưởng. Tác giả đã dùng nhiều hệ thống tính (tính ngày, tính buổi, tính mùa, tính năm) để người đọc có thể hình dung ra thời gian trông ngóng dài dằng dặc của người phụ nữ phải xa chồng.

Thứ ba, thời gian nghệ thuật là phương tiện để nhà văn thể hiện quan niệm về con người, về cuộc đời và xã hội.

Như vậy, thời gian nghệ thuật có thể coi là một trong những phạm trù quan trong nhất của thi pháp học, bởi nó thể hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Văn học là nghệ thuật thời gian, bên cạnh đó con người muốn cảm nhận toàn bộ thế giới qua thời gian và trong thời gian, vì vậy thời gian nghệ thuật là “phạm trù đặc trưng của văn học” [30; 63] và là một phạm trù thi pháp càng ngày càng có tầm quan trọng, được coi là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để tổ chức nội dung nghệ thuật.

Cấu trúc của thời gian nghệ thuật trong văn học gồm: thời gian được trần thuật và thời gian trần thuật. Ngoài ra, thời gian đồng hiện cũng được điểm qua đó là những khoảng thời gian xa cách nhau được các tác giả tái hiện đồng thời với nhau, đan cài vào nhau. Đấy là tại một thời điểm cả ba sự kiện đều xảy ra. Loại thời gian nghệ thuật này góp phần tạo nên tính phức điệu của tác phẩm. Thời gian trong văn chương khác với thời gian khách quan vì nó được chi phối bởi chủ quan của tác giả cho nên nó có thể được ép mỏng hay kéo căng thời gian ra tuỳ theo dụng ý nghệ thuật theo chủ quan của tác giả. Và những điều đó mang lại một ý nghĩa thẩm mĩ, tạo cho độc giả một cảm giác như đang sống trong thời gian nghệ thuật đó.

Tóm lại, không gian và thời gian nghệ thuật là hai yếu tố rất quan trọng khi nghiên cứu thế giới nghệ thuật của một nhà văn. Đúng như tác giả Nguyễn Xuân Kính đã nói: “Thời gian và không gian là những mặt của hiện thực khách quan được phản ánh trong tác phẩm tạo thành thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật một mặt thuộc phương diện đề tài, mặt khác thể hiện nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức tác phẩm của từng tác giả, từng thể loại, từng hệ thống nghệ thuật” [17; 287]. Cũng cần khẳng định không gian và thời gian nghệ thuật có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau mà theo Bakhtin thì các dấu hiệu không gian và thời gian hợp nhất thành một chỉnh thể ý nghĩa cụ thể. Chính vì vậy, khi nhận diện không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong một số tác phẩm viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh, người viết đề tài đã khảo sát và xác lập trục không – thời gian song hành nhau.

Một phần của tài liệu Thi pháp truyện viết cho tuổi mới lớn của nhà văn nguyễn nhật ánh (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)