1.2.2 .Thi pháp truyện viết cho tuổi mới lớn
2.1. Thi pháp nhân vật truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh
2.1.2. Đến thế giới nhân vật tuổi mới lớn trong văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh
Từ việc nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con người trên, tác giả khóa luận đã khảo sát 05 truyện Nguyễn Nhật Ánh và nhận diện được một hệ thống nhân vật tuổi mới lớn với những đặc điểm riêng. Có thể thấy trong truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh nổi lên ba kiểu nhân vật chính: Nhân vật tuổi mới lớn mộng mơ, đa cảm; nhân vật tuổi mới lớn tinh nghịch, hồn nhiên và nhân vật tuổi mới lớn với quá trình tự hoàn thiện nhân cách. Xây dựng thế giới nhân vật ở lứa tuổi phức tạp này, tác giả đã góp phần phác họa nên bức tranh tương đối toàn diện, sinh động về đời sống học tập, vui chơi cũng như tâm lý đặc trưng của lứa tuổi. Từ đây, người đọc ở mọi lứa tuổi có thể đón nhận tác phẩm không chỉ đơn thuần để giải trí mà còn như để giải mã sâu sắc hơn về những thay đổi của lứa tuổi mới lớn và để rồi hướng các em đến một lối sống lành mạnh, tốt đẹp, nhân văn hơn.
Bảng 2.1. Thống kê các kiểu nhân vật trong truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh
STT Kiểu nhân vật Tên truyện Tên nhân vật
1
Nhân vật tuổi mới lớn mộng mơ, đa cảm
Mắt biếc Hà Lan
Ngồi khóc trên cây Rùa
Thằng quỷ nhỏ Quỳnh
Bồ câu không đưa thư Thục, Xuyến, Cúc Hương
Cô gái đến từ hôm qua Thư
2
Nhân vật tuổi mới lớn tinh nghịch, hồn nhiên
Mắt biếc Hà Lan, Trà Long
Ngồi khóc trên cây Rùa, Thục, Loan
Thằng quỷ nhỏ Luận
Bồ câu không đưa thư Xuyến, Thục, Cúc Hương,
Phán
Cô gái đến từ hôm qua Thư, Việt An, Hải, Hồng
Hoa, Chiêu Minh
3
Nhân vật tuổi mới lớn với quá trình tự hoàn thiện nhân cách
Mắt biếc Ngạn
Ngồi khóc trên cây Đông
Thằng quỷ nhỏ Nga, Quỳnh, Khải, Luận
Bồ câu không đưa thư Thục, Phán
Nhân vật tuổi mới lớn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong truyện Nguyễn Nhật Ánh. Qua hệ thống nhân vật tuổi mới lớn, nhà văn đã đem đến một thế giới sinh động, chân thực về thanh niên tuổi mới lớn thời hiện đại và quan niệm của tác giả về thế giới đó.
2.1.2.1. Nhân vật tuổi mới lớn mộng mơ, đa cảm
Tuổi mới lớn với những biến chuyển về tâm lí rất phức tạp. Đứng trước ngưỡng cửa “tấp tểnh” trở thành người lớn, các em có biết bao trăn trở, suy tư về tình bạn, tình yêu, về bản thân và về tương lai: khi đa cảm, khi nhớ nhung, khi hờn giận, hi vọng và thất vọng; khi hồn nhiên, tinh nghịch,… Bằng trải nghiệm tuổi thơ, bằng trái tim mến trẻ và yêu nghề Nguyễn Nhật Ánh đã đưa bạn đọc đến với những thiên truyện đong đầy những phức hợp cảm xúc đầu đời của tuổi mới lớn.
Với tuổi mới lớn, cảm mến được xem như là cung bậc cảm xúc đầu tiên của tình yêu đầu đời. Từ cảm mến rồi xốn xang, lúng túng, bối rối trước một người bạn khác giới. Ấn tượng đầu tiên có thể là một màu áo, một mái tóc dài, một nụ cười và nhất là một ánh mắt của người con gái duyên dáng bao giờ cũng có sức hấp dẫn kì diệu, đem lại rung động đầu đời thường làm cho nhân vật có những cảm xúc mới lạ, rất đặc trưng của tuổi dậy thì.
Với Mắt biếc, cảm xúc ám ảnh, day dứt khôn nguôi của Ngạn khi nhớ về đôi mắt Hà Lan là“Nhưng sức mạnh chủ yếu của Hà Lan nằm ở đôi mắt. Đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác (…). Lớn lên, đôi mắt của Hà Lan lại gợi tôi nhớ đến bầu trời và dòng sông, đến những giấc mơ dịu dàng của tình yêu và khi đó tôi không còn đủ can đảm để nhìn lâu vào đôi mắt nó như ngày xưa thơ dại” [2; 30]. Hình ảnh đôi mắt Hà Lan lặp đi, lặp lại nhiều lần trong thiên truyện như một minh chứng cho tình yêu sâu sắc, chân thành của Ngạn dành cho Hà Lan hay cũng là minh chứng cho những thăng trầm của cuộc đời một người con gái đẹp nhưng nhẹ dạ trong tình yêu. Đôi mắt Hà Lan khi còn trẻ thơ là đôi mắt “long lanh to”; “mi dài, mở to, hồn nhiên ngơ ngác”. Đến khi trở thành một thiếu nữ thì đó là “đôi mắt ngẩn ngơ say đắm”; “đôi mắt đẹp xốn xang”. Giông bão cuộc đời ập đến, bị Dũng phụ bạc trong tình yêu, trở thành một người mẹ đơn thân khi còn quá trẻ ở tuổi 17, đôi mắt Hà Lan lại nói lên bao điều “đôi mắt nhói đau”; “sự đau khổ ánh lên trong mắt nó”; “ánh mắt thăm thẳm” và “đôi mắt u buồn vương vấn”. Suốt cuộc đời, Ngạn đã dõi theo đôi mắt Hà Lan và vui, buồn, đau khổ, hờn ghen, xót thương cùng đôi mắt đó.
Giống với Ngạn, Đông trong Ngồi khóc trên cây cũng có ấn tượng đặc biệt về đôi mắt của người con gái. Chàng sinh viên đã không ngờ rằng lần về quê định mệnh ấy đã đưa chàng đến với Rùa. Cảm xúc lần đầu nhìn thấy người con gái có số phận đáng thương vẫn ám ảnh Đông: “Rùa có một gương mặt rất dễ coi, đặc biệt đôi mắt nó sáng ngời và long lanh như hai giọt nước(…) Còn ngay vào lúc tôi và nó ngồi trên thành giếng trò chuyện với nhau dưới bóng mát của cành huỳnh anh không ngừng đong đưa trên đầu, trong mắt tôi nó vẫn là đứa con gái dịu hiền và tôi không giấu lòng rằng càng gần gũi với con Rùa, tôi càng thích nó” [3; 48].
Không dừng lại ở cảm xúc cảm mến, dấu hiệu của tuổi mới lớn còn được Nguyễn Nhật Ánh khám phá, miêu tả ở cung bậc thứ hai: thương nhớ và tỏ tình. Nhà văn đã chỉ ra một nét tâm lý đặc trưng của tuổi mới lớn bằng các câu chuyện sinh động về các chiêu tán tỉnh, làm quen. Bạn đọc dường như được trẻ lại trước mỗi trang văn của ông khi viết về những cách tỏ tình vừa pha chút hồn nhiên của trẻ con, lại vừa xen lẫn những cảm xúc của người lớn.
Trước hết, để tỏ tình với người bạn gái mà mình thương nhớ, các chàng trai, cô gái chọn cách viết thư tình. Bồ câu không đưa thư chính là câu chuyện xoay quanh lá thư tình dấu trong ngăn bàn của Thục. Thục – giống như cái tên của cô bé, tính tình nhút nhát, hiền thục, dễ thương đã trở thành tâm điểm chú ý của rất nhiều chàng trai trong lớp. Tình cờ Thục nhận được là thư làm quen của một kẻ kí tên Phong Khê dấu trong ngăn bàn: “Cho mình làm quen với. Mình ở lớp buổi sáng, ngồi cùng chỗ với bạn đấy. Nếu không nỡ từ chối, bạn viết cho mình vài chữ. Thành thật cảm tạ. Rất mong hồi âm” [4; 5]. Bức thư đó ngay lập tức được Cúc Hương, Xuyến hai cô bạn thân tinh nghịch đem ra mổ xẻ, phân tích và cuộc điều tra về chàng Phong Khê bắt đầu. Liên tiếp những bức thư trao đổi qua lại gửi trong ngăn bàn của chàng Phong Khê dấu mặt với ba cô gái. Chiến dịch điều tra tìm ra anh chàng Phong Khê là ai của ba cô gái đã tạo sự hấp dẫn tò mò với bạn đọc. Thật bất ngờ với ba cô gái cũng như bạn đọc khi bức màn bí mật về anh chàng Phong Khê được hé mở. Phong Khê không ai khác chính là Phán củi – anh chàng mà ba cô gái đã tin tưởng chọn làm quân sư đối đáp thơ với chàng Phong Khê dấu mặt. Phán củi có cảm tình với Thục nhưng không dám trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình đành mượn những lá thư dấu trong ngăn bàn kí tên Phong Khê nói hộ lòng mình. Tình yêu tuổi mới lớn e ấp, dụt dè, ngại ngùng vì thế bao giờ cũng lãng mạn, bao giờ cũng muốn dấu kín.
Đến với Cô gái đến từ hôm qua, nhân vật Thư tìm cách mượn sách Việt An rồi chép vào sách đấy câu thơ Nguyễn Bính “Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Sau hành động đó là tâm trạng hồi hộp, phấp phỏng của Thư “Suốt ngày hôm đó, tôi sống trong tâm trạng thấp thỏm của cậu học trò đi thi chờ kết quả. Nghĩ đến hành động đó tôi vừa mừng vừa lo” [5; 23] Nhân vật tuổi mới lớn trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần lớn là các chàng trai rung động trước những cô bạn gái xinh xắn, duyên dáng. Bằng cách này hay cách khác để khiến người đẹp có cảm tình với mình, các chàng trai không ngần ngại thực hiện các “chiêu” chinh phục.
Gửi thơ tình, sáng tác nhạc, vẽ tranh tặng cũng là cách các chàng trai mới lớn trong truyện Nguyễn Nhật Ánh lựa chọn để tỏ tình với bạn gái. Ngạn trong
Mắt biếc đã từng xúc động vô cùng khi được Hà Lan khen ngợi về tài sáng tác của mình “Ngạn làm nhạc hay ghê” (…). Trước lời khen ngợi của Hà Lan. Ngạn cảm thấy: “Tôi sững sờ, và cảm thấy sung sướng đến lịm người. Tôi không chờ đợi điều đó. Tôi chỉ mơ ước đến một ngày nào Hà Lan hiểu ra những bản nhạc tôi hát chính là những bản nhạc tôi đã thức trắng đêm để viết ra, cho nó và vì nó” [1; 107].
Mua quà tặng cũng là một trong những chiêu làm quen, tỏ tình không kém phần thú vị của các chàng trai mới lớn. Dường như những cậu học trò khi rung động bạn khác giới bao giờ cũng có một cách tỏ tình rất quen thuộc như vậy. Để mua kẹo cho Việt An mỗi ngày Thư trong Cô gái đến từ hôm qua còn phải vay tiền thằng bạn Hải gầy. Còn ở Thằng quỷ nhỏ, để Nga nhận những băng nhạc và cuốn sách do mình tặng mà không ngại ngần về tiền mua, Quỳnh phải nói dối có làm thêm nghề đóng sách. Anh chàng lớp phó Khải tuy không thích nhạc nhẹ nhàng nhưng cũng chịu chi mua đĩa nhạc Nga thích tặng cô bé và chị Ngàn trong quyết tâm cưa đổ bằng được cô bạn mới chuyển tới.
Bên cạnh chiêu tỏ tình viết thư, làm thơ, sáng tác nhạc, vẽ tranh, tặng quà, nhân vật tuổi mới lớn còn tìm đến các “quân sư” tư vấn tình yêu cho mình. Và “quân sư” cho các cô cậu không ai khác là những người bạn thân cùng lớp. Bởi lẽ, tuổi mới lớn luôn có nhu cầu chia sẻ, tâm sự và khi đó người mà các em muốn trút bầu tâm sự chính là những người bạn. Đến với Bồ câu không đưa thư, để đối đáp lại với những bức thư đến từ chàng Phong Khê ba cô nàng Thục, Cúc Hương, Xuyến phải nhờ đến quân sư tư vấn là chàng thi sĩ của lớp có biệt hiệu là Phán củi. Và Phán củi đã giúp ba cô nàng những vần thơ tinh nghịch: “Hỏi tên thì hỏi chẳng ra/ Mắc chi huyền bí như ma làm trò/ Ổi kia đâu có nhằm nhò/ Phải xoài ba trái
mới no tụi này” [4; 46]. Rồi chàng Phong Khê cũng đáp lại “Khi chưa biết thì kêu huyền bí/ Lúc hay ra, giản dị lắm thay/ Xoài ngon ba trái trao tay/ Mong rằng gặp gỡ sau này có khi” [4; 49]. Một lần nữa nhân vật quân sư tình yêu trong truyện Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện trong Cô gái đến từ hôm qua. Hải gầy vô tình phát hiện ra “bí mật động trời” của Thư và đã rất “nhiệt tình” giúp anh bạn của mình lên kế hoạch cưa đổ cô nàng Việt An xinh xắn nhưng lạnh lùng. Hải gầy còn tuyên bố sẽ “nghiên cứu” tình cảm của cô bạn Việt An và “nắm bắt những tín hiệu” để “tham mưu” kịp thời cho Thư. Sự nhiệt tình của Hải vừa thể hiện sự đáng yêu của tuổi học trò, vừa đóng vai trò lớn trong diễn biến tình cảm của Thư.
Nguyễn Nhật Ánh không chỉ để nhân vật mới lớn của mình dừng lại ở cảm xúc cảm mến, rung động ban đầu hay những cách tỏ tình làm quen mà hơn hết nhà văn còn đưa bạn đọc đến với thế giới tâm trạng hết sức đa dạng, phong phú, phức hợp nhiều cảm xúc của các chàng trai, cô gái mới lớn khi trải qua mối tình đầu đong đầy kỉ niệm.
Trong Mắt biếc, mối tình đầu đã trở thành kỉ niệm ám ảnh suốt cuộc đời Ngạn. Hà Lan và Ngạn có một tuổi thơ gắn bó với nhau. Hà Lan cũng chính là cô bạn gái đã đem lại những rung động đầu đời cho Ngạn. Để rồi khi biết mình đã lớn, khi biết mình đã yêu, Ngạn đã không dấu nổi cảm xúc của mình “Tự dưng tôi xốn xang quá thể” và “Tôi mơ mộng. Và tôi trở nên kỳ quái. Tôi hay trò chuyện một mình. Tôi không biết đến thời gian” (…). Và tôi bỗng thấy nhớ Hà Lan vô cùng” [2; 85]. Mơ mộng và nhớ nhung, đó là tâm trạng của kẻ đang yêu. Nhưng tình yêu của Ngạn lại là tình yêu đơn phương. Ngạn càng yêu Hà Lan sâu sắc bao nhiêu thì Hà Lan lại vô tình bây nhiêu. Từ khi biết yêu, cũng là lúc Ngạn bước vào những ngày tháng nhớ thương, sầu muộn và buồn chán. Nhưng có lẽ, càng buồn bao nhiêu Ngạn càng nhận ra tình yêu âm thầm của mình dành cho Hà Lan là không thể đổi thay “Tình yêu của tôi với Hà Lan hẳn đã hình thành từ những ngày thơ ấu và gắn bó với bao nhiêu kỉ niệm ngọt ngào, những kỉ niệm đã không ngừng vượt qua không gian và thời gian để lúc nào cũng cháy rực trong tôi như những ngọn nến hồng” [2; 156]. Hà Lan và Ngạn đã tạm biệt làng Đo Đo, tạm biệt những kỉ niệm tuổi thơ để ra thành phố học. Khi tấm lòng của Ngạn luôn hướng về Hà Lan về làng, thì Hà Lan không cưỡng lại được cám dỗ của cuộc sống sa hoa nơi đô thị và ngã vào vòng tay của Dũng. Hà Lan mang thai, song bị Dũng ruồng bỏ. Đi bên cuộc đời Hà Lan với tình yêu thầm lặng, chứng kiến Hà Lan đau khổ. Hà Lan đau đớn thì Ngạn cũng xót xa. Ngạn căm thù kẻ đã phản bội tình yêu của Hà Lan
“Tiếng đẩy cửa của Dũng khiến người tôi như run lên. Trong một thoáng, tôi thấy đầu mình nóng ran. Lần đầu tiên, tôi chìm vào mọt tâm trạng khó tả trong đó trộn lẫn lòng ghen tức, sự phẫn nộ và nỗi xót xa tê dại. Tôi không biết tôi sẽ làm gì. Tôi như một hỏa diệm sơn vừa bị đánh thức, đang nghĩ xem nên phun lửa ra đốt tan tành thế giới hay giữ ngọn lửa lại trong lòng để riêng đốt tình tôi” [3; 153]. Những ngày sau đó, là những ngày Ngạn sống trong tâm trạng dằng xé, vừa giận Hà Lan nhẹ dạ đổi thay, vừa xót xa cho người mình yêu phải chịu khổ đau “Nỗi khổ đau khiến tôi ngớ ngẩn. Nỗi khổ đau tuôn trào như thác, ngập lụt cả lòng tôi”
[2; 161]. Tình yêu chân thành đã vượt lên trên hờn ghen, thù hận, uất ức, để chuyển hóa thành tình thương, giữa lúc Hà Lan đau khổ nhất, không biết trông cậy vào ai, Ngạn đã bao dung che chở cho Hà Lan “Xét cho cùng, chỉ còn có mình tôi, người bạn thuở thiếu thời. Chỉ còn có mình tôi, người con trai quê mùa, yêu và chẳng được yêu, đau hoài hoài một nỗi đau thầm lặng. Tìm đến tôi, tìm đến mối tình ngày nào nó đã quay lưng, hẳn Hà Lan dằn vặt vô cùng, hẳn lòng nó rối bời đến mức không thể không một phút giãi bày. Tội nghiệp Hà Lan. Tôi yêu em. Tôi yêu em vô vàn” [2; 170]. Hà Lan sinh con gái đặt tên Trà Long gửi về quê cho mẹ nuôi. Bằng tình yêu của mình dành cho Hà Lan, Ngạn hết lòng thương yêu chăm sóc cho Trà Long. Trà Long lớn lên trở thành cô giáo trường làng và vô cùng yêu quý Ngạn. Tưởng rằng Trà Long sẽ thay Hà Lan nối tiếp và bù đắp cho Ngạn, thì Ngạn quyết định ra đi vì anh nhận ra Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan mà thôi
“Tôi cứ ngỡ tình tôi xưa đã tắt, chiều hôm qua tôi bỗng thảng thốt nhận ra nó vẫn cháy trong lòng. Tôi đã tê tái hiểu ra mối tình tôi với Trà Long chẳng qua chỉ là sự