1.2.2 .Thi pháp truyện viết cho tuổi mới lớn
4.2. Ngôn ngữ trong sáng, giản dị
4.2.1. Ngôn ngữ đối thoại gần gũi, dễ hiểu
Gia tăng lời thoại, giảm thiểu kể, tả, bình luận (hay lời thoại đã bao hàm luôn chức năng kể, tả, bình luận) là một trong những điểm nổi bật ở nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Ở nhiều truyện, đối thoại chiếm tỉ lệ lớn, lời người kể chuyện chỉ mang tính chất dẫn chuyện. Nhân vật vừa kể chuyện vừa tham gia vào hội thoại. Từ hội thoại là những từ được dùng đặc biệt trong lời nói miệng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong đối thoại. Khi thống kê, chúng tôi xem những từ cổ, từ địa phương cũng thuộc từ hội thoại. Trong các tác phẩm viết cho tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh sử dụng rất nhiều các đoạn hội thoại với tần số dày đặc. Các từ ngữ xuất hiện trong các đoạn hội thoại thường rất gần gũi với cách nói sinh hoạt hàng ngày, thậm chí mang đậm màu sắc địa phương. Có thể kể đến một số từ có tần số xuất hiện cao như: nhưn, con nít, sướng rêm, cà chớn, tréo ngoe, mần, mó tay, ngồi xổm, è cổ, gọn lỏn, rác rến, hổng lẽ,…
Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Nhật Ánh dùng ngôn ngữ hội thoại theo các kiểu cấu tạo khác nhau, mỗi kiểu mang một màu sắc tu từ thể hiện sắc thái biểu cảm và cảm xúc riêng. Từ ngữ hội thoại được cấu tạo theo kiểu dùng một yếu tố đa phong cách kết hợp với một yếu tố, khi đứng riêng thì không có nghĩa như: cũ xì, sướng rêm, mừng rơn, tréo ngoe, mốc thếch, gọn lỏn, trắng nhởn,… Những từ này mang tính miêu tả cụ thể và sắc thái đánh giá mức độ cao.
Những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh là những dòng hồi tưởng lại năm tháng tuổi thơ, tuổi học trò hồn nhiên, tinh nghịch với những cảm xúc buồn vui xen lẫn. Có trường hợp, Nguyễn Nhật Ánh dùng kiểu kết hợp một yếu tố đa phong cách với một yếu tố có nghĩa nhưng chỉ sử dụng trong giao tiếp khẩu ngữ để miêu tả cụ thể và dụng ý nhấn mạnh. Các kết hợp như rùn người, gãy cẳng, mỏi giò,
ngoác miệng, mó tay, è cổ, trố mắt,… xuất hiện hết sức tự nhiên trong các truyện dài của ông. Bên cạnh đó, ông sử dụng rất nhiều từ ngữ hội thoại giàu màu sắc biểu cảm, cảm xúc như: (ngồi) chồm hổm, (dòm) hau háu, đỏ lơ đỏ lưỡng, (tiếc) hùi hụi, (sai) bét bè be, ba cọc ba đồng, dẻo miệng,… Những từ ngữ đó, khi đi vào câu văn Nguyễn Nhật Ánh không hề nhàm chán, đơn điệu mà rất tinh tế, gần gũi.
Bên cạnh đó, tuổi mới lớn là lứa tuổi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự phát triển của văn hóa nhân loại nói chung và dân tộc nói riêng. Vì vậy trong truyện của mình, tác giả Nguyễn Nhật Ánh thường sử dụng từ thuần Việt. Đây là vốn từ được coi là cốt lõi, cái gốc của từ vựng tiếng Việt. Lớp từ thuần Việt làm chỗ dựa, là nơi bắt đầu và có vai trò điều khiển, chi phối sự hoạt động của mọi lớp từ khác liên quan đến tiếng Việt. Từ thuần việt mà tác giả Nguyễn Nhật Ánh hay sử dụng chính là vốn từ ngữ địa phương Nam bộ để thể hiện cách nói, cách nghĩ mang màu sắc địa phương.
Các từ ngữ địa phương Nam bộ có các dạng thức như: dạng thức cổ của tiếng Việt như: mần (làm), dòm (nhìn), nhưn (nhân), phỏng (bỏng), trợt (trượt),…; dạng thức đặc hữu Nam bộ như: ăn nhín (ăn rất ít), thơm (dứa), củ nén (một loại hành), tét bánh (cắt bánh), quê kiểng (quê cảnh), gà mên (cặp lồng), rác rến (rác rưởi), hổng lẽ (không lẽ), nháy nhổm (nhấp nhổm), mậy (mày), lận (tròn vẹn), hổng dè (nào ngờ),…; dạng thức rút gọn kiểu Nam bộ như: bển (bên ấy), ổng (ông ấy), ảnh (anh ấy),… Những dạng thức từ ngữ này được người Nam bộ sử dụng hết sức tự nhiên trong giao tiếp hàng ngày. Nhiều từ ngữ địa phương Nam bộ có tác dụng làm tinh tế hóa ý nghĩa, làm giàu thêm cho tiếng nói dân tộc. Do đó, trong tác phẩm, Nguyễn Nhật Ánh rất có ý thức sử dụng những từ ngữ giàu hơi thở đời sống để diễn đạt những khái niệm, vấn đề, sự việc phức tạp thành giản dị, dễ hiểu, đồng thời, bày tỏ thái độ, tình cảm chân thành, sâu sắc.
Viết cho tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh luôn tâm niệm phải gần gũi, dễ hiểu. Vì vậy, ngôn ngữ hội thoại được nhà văn sử dụng trong các tác phẩm của mình như một công cụ lợi hại nhất để miêu tả, tái tạo hiện thực đời sống, tính cách nhân vật, đặc điểm tâm lý lứa tuổi,… cũng như nhu cầu bộc lộ tình cảm, cảm xúc, thái độ của người viết.
4.2.2. Ngôn ngữ ảnh hưởng của văn hóa dân gian
Khả năng tiềm tàng của thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân gian nói như Aimatốp, là dưỡng chất nuôi dưỡng nền văn hóa hiện đại. Với tư cách là “văn hoá
gốc”, “văn hoá mẹ”, nguồn mạch dân gian không chỉ là nơi tích tụ những kinh nghiệm sống đã chìm lắng và bị dồn nén xuống tầng bên dưới mà nó còn là nguồn cội của những khả năng sống mới cho tương lai, là trầm tích nuôi dưỡng các sáng tạo vật chất lẫn tinh thần của nhân loại. Vì vậy, nó đã trở thành nơi cung cấp những chất liệu cho văn học hiện đại. Mạch dân gian ấy cũng chảy trong truyện Nguyễn Nhật Ánh với việc xuất hiện khá nhiều thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ.
Theo Từ điển tiếng Việt, thành ngữlà một tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích đơn giản bằng nghĩa của các từ cấu tạo nên nó. Thành ngữ được sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói cũng như sáng tác thơ ca văn học tiếng Việt. Thành ngữ ngắn gọn, hàm xúc, có tính hình tượng, tính biểu cảm cao. Còn tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền đạt, thường gieo vần lưng.
Một trong những yếu tố khiến sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh trở nên gần gũi với bạn đọc chính bởi tác giả còn vận dụng khá nhiều thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ để câu nói thêm đưa đẩy, ý nhị và sâu sắc hơn. Nhà văn sử dụng thành ngữ rất đa dạng, có thành ngữ ngắn, thành ngữ dài; có thành ngữ thuần Việt, nhưng cũng có những thành ngữ Hán Việt. Với việc vận dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ dân gian đã làm cho mỗi câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh viết cho tuổi mới lớn càng trở nên giản dị, gần với đời sống, câu văn sinh động, hàm súc và hơn nữa còn cho thấy vốn từ ngữ dân gian của tác giả vô cùng phong phú.
Bảng 4.3. Bảng thống kê các thành ngữ, tục ngữ xuất hiện trong 05 truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh
Tên truyện Các thành ngữ, tục ngữ Số lần xuất hiện Số trang trong văn bản Mắt biếc
Chân ướt chân ráo 1 26
Len lén như rắn mồng năm 1 29
ở hiền gặp lành 1 113
Nhũn như con chi chi 1 134
Khuya lắc khuya lơ 1 153
Tên truyện Các thành ngữ, tục ngữ Số lần xuất hiện Số trang trong văn bản
Ngồi khóc trên cây Con không cha như nhà không nóc 1 158
Dựng vợ gả chồng 1 247
Thằng quỷ nhỏ
Hiền như cục bột 1 17
Yêu nhau lắm, cắn nhau đau 1 45
Ném đá giấu tay 1 49
Tấn thối lưỡng nan 1 54
Gieo gió gặt bão 1 115
Bồ câu không đưa thư
Có tật giật mình 1 10
Trẻ người non dạ 1 14
Trời yên bể lặng 1 16
Tai qua nạn khỏi 1 17
Điếc không sợ súng 1 19
Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ 1 19
Giả ngây giả điếc 1 20
Khuất mặt khuất mày 1 20
Vu oan giá họa 1 21
Nặng như búa bổ 1 68
Ngồi núi này trong núi nọ 1 85
Mèo khen mèo dài đuôi 1 127
Ngồi mát ăn bát vàng 1 137
Cẩn tắc vô ưu 1 137
Ăn tươi nuốt sống 1 140
Ăn cây nào rào cây ấy 1 147
Cô gái đến từ hôm qua
Ba chân bốn cẳng 1 16
Bán tín bán nghi 1 16
Gậy ông đập lưng ông 1 83
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên 1 85
Dục tốc bất đạt 1 130
Không cầu kỳ, chau chuốt quá nhiều về ngôn ngữ, khi viết cho tuổi mới lớn Nguyễn Nhật Ánh đã tạo dựng một hệ thống ngôn ngữ dung dị, thứ ngôn ngữ mà tuổi học trò vẫn thường hay nói với nhau. Theo ông, những thủ pháp nghệ thuật được vận dụng thành công trong các tác phẩm viết cho người lớn không phải bao giờ cũng thích hợp trong các tác phẩm viết truyện cho trẻ em bởi nó vốn đòi hỏi một bút pháp giản dị và trong trẻo. Không lên giọng cao đạo, giáo huấn mà đặt mình trong quan hệ bình đẳng với các em. Nhà văn viết bằng ngôn ngữ giản dị nhưng không kém phần hàm súc, biểu cảm, chính xác,… phù hợp với nội dung hiện thực đời thường, phù hợp với thị hiếu tiếp nhận văn chương của tuổi mới lớn.