1.2.2 .Thi pháp truyện viết cho tuổi mới lớn
3.2. Nhận diện không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong một số tác
3.2.2. Không gian của hiện tại đầy trải nghiệm
Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, đồng hiện với quá khứ là không gian của hiện tại. Đó vẫn là không gian học đường đã xuất hiện trong quá khứ nhưng đã mang một màu sắc mới mẻ hơn, nhịp điệu thời gian cũng vì vậy mà diễn biến nhanh hơn so với những dòng kí ức và hoài niệm. Không gian ấy gắn liền với những trải nghiệm mới mẻ, với những sắc thái tâm lý phong phú, đa dạng và phức
tạp. Trong nhân vật tuổi mới lớn luôn chứa đựng cả dòng lũ cảm xúc; chúng dễ xúc động, dễ bị kích động, vui buồn chuyển hoá nhanh chóng. Vì vậy, không gian học đường chính là không gian để nhân vật tuổi mới lớn thể hiện thế giới cảm xúc phức hợp và cả những tình cảm, rung động đầu đời. Cũng vì vậy nó xuất hiện với tần suất đậm đặc hơn so với trong thời gian hoài niệm.
Bảng 3.2. Bảng thống kê so sánh số lần xuất hiện của không gian học đường trong hoài niệm và trong hiện tại
STT Không gian học đường trong hoài niệm
Không gian học đường trong hiện tại
Tác phẩm Số lần
xuất hiện Tác phẩm
Số lần xuất hiện
1 Cô gái đến từ hôm qua 4 Cô gái đến từ hôm qua 7
2 Mắt biếc 6 Mắt biếc 0
3 Bồ câu không đưa thư 0 Bồ câu không đưa thư 14
4 Ngồi khóc trên cây 0 Ngồi khóc trên cây 0
5 Thằng quỷ nhỏ 0 Thằng quỷ nhỏ 19
Không gian của thời gian hiện tại trong Cô gái đến từhôm qua là lớp học tại trường THPT, trong không gian lớp học diễn ra sự chuyển biến về tâm lý của cậu học trò lém lỉnh Thư về mối tình học trò với cô bạn Việt An đáng yêu. Trong quá khứ, không gian lớp học chỉ xuất hiện 4 lần, còn trong câu chuyện hiện tại của Thư và Việt An, không gian lớp học xuất hiện đến 7 lần (tức 7 chương trên tổng số 10 chương). Ngay từ lần đầu tiên gặp Việt An khi cô bạn chuyển đến, Thư đã biết rằng trái tìm mình từ nay trở đi sẽ không còn được tự do nữa, lúc nào Thư cũng nghĩ đến Việt An và “không chỉ ánh mắt, nụ cười, mái tóc mà ngay cả cái tên Việt An” đối với Thư cũng trở nên gần gũi, thân thiết lạ lùng. Khi Thư và Tiểu Li “trưởng thành” (Tiểu Li chính là Việt An), Nguyễn Nhật Ánh tập trung khắc họa những câu chuyện về mối tình thuở học trò hồn nhiên, ngây thơ trên cái khung nền lớp học, vì thế không gian nghệ thuật lớp học chiếm ưu thế. Trường học là không gian gắn với những mối tình tuổi học trò. Nguyễn Nhật Ánh đã có những trang viết chân thực về mối tình của Việt An và Thư. Sự rung động đầu đời của những cô cậu học trò mới lớn, tâm trạng “yêu đơn phương” của cậu học trò nhỏ, vị quân sư về tình yêu hải “gầy” chưa hề có bất cứ kinh nghiệm yêu đương nào, những bức thư tình “kiểu học trò” hiện lên một cách tự nhiên, sinh động trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Đúng như câu “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, Thư đã nghĩ ra đủ trò
quái lạ, thú vị để làm quen với Việt An. Trong giờ kiểm tra Văn, Thư vẩy mực lên áo Việt An rồi giả bộ quan tâm và “hùng hổ đòi trừng trị cái tên mất dạy nào đó” để bắt chuyện với An. Thư chép hai câu thơ “Nắng mưa là bệnh của trời/Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” lên cuốn Giamilia để bày tỏ tâm ý nhưng lại bị Việt An bắt đi mua đến cuốn sách khác. Thư tình nguyện chép bài cho Việt An trong lúc cô bé bị ốm, rồi tỏ ý không quan tâm đến Việt An (theo kiến nghị của quân sư Hải gầy) để xem Việt An có tình cảm với mình hay không. Thời gian hiện tại còn là những cuộc trò chuyện của Thư và Hải gầy, Thư với Việt An tại lớp học. Thư “lầm lũi” trốn Việt An “như con thú nhỏ tội nghiệp” vì mang theo mặc cảm xấu hổ về bức thư tình bị từ chối. Cuối cùng Việt An đã tìm đến Thư và mối tình tuổi học trò ngây thơ đó đã có một kết thúc có hậu. Như vậy, gắn liền với không gian lớp học là thời gian hiện tại đầy trải nghiệm đã cho thấy những trạng thái tâm lý khác nhau của học trò khi đối mặt với những rung động đầu đời.
Cũng giống như Cô gái đến từ hôm qua, câu chuyện của Bồ câu không đưa thư cũng được kể trên nền của một lớp học cấp ba. Không gian lớp học được xuyên suốt tác phẩm cùng với thời gian của truyện vận động tuyến tính, bắt đầu từ khi Thục nhận được bức thư làm quen của anh chàng Phong Khê đến kết thúc là buổi liên hoan cuối năm. Không gian lớp học trong truyện rất đặc biệt: là phòng học của lớp 11A3 vào buổi sáng nhưng đến buổi chiều là phòng học lớp 12 của bộ ba Xuyến, Thục, Cúc Hương. Tại đây, lá thư chân tình đã thu hút sự tò mò của bộ ba, và họ bị cuốn hút vào trò chơi với người giấu mặt, dần hồi kéo theo Phán củi, anh chàng xấu xí vụng về của lớp làm quân sư và giúp xướng họa thơ. Cùng tô điểm góp phần cho câu chuyện bên cạnh không gian lớp học là các không gian khác như sân trường, rạp chiếu phim, quán nước. Cuộc truy tìm tại các không gian này dẫn mọi người đến nhiều hiểu lầm tai hại với anh chàng lớp trưởng Hoàng Hòa và cả những bất ngờ thú vị. Tuy nhiên, câu chuyện kết thúc với cảm xúc man mác buồn cùng những lo toan về con đường tương lai phía trước. Không gian của hiện tại dường như ẩn chứa bao nhiêu xúc cảm, bao nhiêu cái nhìn của tuổi mới lớn về cái THÍCH đầu đời - dũng cảm, ngây thơ và nhiều hối tiếc. Tình cảm vốn là vậy, chẳng phải bao giờ cũng đến từ hai phía, không phải hai đầu sợi dây nào cũng được nối với nhau theo như mong muốn.
Với Thằng quỷ nhỏ, bởi truyện được viết theo thời gian tuyến tính (thời điểm hiện tại), dưới điểm nhìn của không chỉ nhân vật Nga mà cả các nhân vật khác, do đó không gian hiện tại không chỉ có lớp học mà còn có cả không gian tại
nhà của nhân vật Nga và nhân vật Quỳnh. Không gian lớp học được Nguyễn Nhật Ánh “ưu ái” cho xuất hiện trong 11/21 chương truyện, gắn với những cảm xúc, những ấn tượng đầu tiên khi gặp nhau của Nga, Quỳnh, Khải và cả Luận. Không gian này được xuất hiện ngay đầu tác phẩm trong ngày đầu tiên Nga đến trường mới. Những ấn tượng ngày đầu quen biết, những hiểu lầm tai hại về “thằng quỷ nhỏ” của Nga, sự nhiệt tình của cô bạn lớp trưởng Hạnh, những trò trêu đùa nghịch ngợm của Luận và đám bạn cùng lớp với Nga – Quỳnh, sự nghiêm khắc của Khải,… Những sự kiện cứ nối tiếp nhau trong không gian lớp học, vẽ nên một bức tranh về thời áo trắng ngây ngô, nghịch ngợm, mộng mơ và đa sầu đa cảm.
Không gian hiện tại tiếp theo là không gian phòng khách tại nhà riêng của nhân vật Nga. Không gian này chỉ xuất hiện 4 nhân vật là Nga, Khải, chị Ngàn và Ngoạn. Phòng khách nhà Nga là nơi cậu bạn Khải coi là “chiến trường” của riêng mình để “cưa đổ” Nga. Tại không gian này, chúng ta có lẽ đã phì cười với anh chàng Khải ngây thơ thích Nga mà không biết đường bày tỏ, sau đó lại bị nhắc đến như là “bạn của chị Ngàn”, chị của Nga. Khải mến Nga, mến cô bạn dịu dàng hiền lành mới chuyển tới. Nhưng tình cảm ấy thật xa xôi khi mà Nga chẳng hề cảm kích trước những cuốn sách, băng nhạc, vé xem ca nhạc Khải mang tới.
Không gian nhà của nhân vật Quỳnh chỉ được bắt đầu nhắc đến ở chương 16, tức là tác phẩm đã đi được hơn 2/3 chặng đường nhưng lại chứa đựng nhiều chi tiết “mở nút” cho câu chuyện. Ngôi nhà của mẹ con Quỳnh rất nhỏ, vách được dựng bằng ván và mái lợp tôn “ở cuối một con hẻm rải đá, sau nhà là một con lạch nhỏ, rau muống bò kín mặt nước” [1; 171]. Bên chiếc bàn dài của nhà Quỳnh, Nga cảm thông cho một Quỳnh lớn lên trong nghèo khó nhưng nhân hậu, giỏi giang, là người bạn đặc biệt của trẻ con, người anh lớn của lũ trẻ trong xóm, khác hẳn với “thằng quỷ nhỏ” lầm lì, ít nói ở lớp. Tại đây, Nga cũng “vô tình” đọc được những dòng tâm trạng của Quỳnh, phát hiện ra tình cảm của Quỳnh đối với mình và ngay cả bản thân Nga cũng cảm thấy rối bời. Trên cái nền của những không gian ấy, những đoạn tình cảm của tuổi mới lớn trong “Thằng quỷ nhỏ” sao mà cứ nhẹ nhàng, đơn sơ và dễ thương đến kì lạ.
Ngồi khóc trên cây cũng là câu chuyện bắt đầu từ thời điểm hiện tại, tức là khi Đông đã là một chàng sinh viên 18 tuổi. Trong Ngồi khóc trên cây, không ít lần ta bắt gặp những dòng miêu tả không gian căn nhà, vào buổi trưa hè, lúc đêm vắng và buổi trưa hè. Căn nhà là nơi Đông đọc sách, là nơi Rùa lén nhìn Đông, là nơi Đông ngồi lặng để ngắm khung cảnh thiên nhiên bên ngoài, là nơi Đông ngồi
lặng yên nghĩ lại những cảm xúc nhẹ nhàng của mối tình đầu: “Bên kia cửa sổ là một khoảngsân vắng ngập tràn gió và nắng. Chỉ có hai con chích chòe đang líu lo trên cây me trước ngõ”; “Ngồi trong nhà nhìn ra, thấy mưa dày như vải mùng. Những hạt nước to rơi xuống sân bắn ngược trở lên tung tóe, tưởng như ông trời đang vãi thóc” [3; 20]. Có thể nói rằng cánh cửa trong ngôi nhà của Đông giống như một lăng kính nhiều màu sắc. Qua lăng kính đó Đông cảm nhận khung cảnh làng quê yên bình, nơi mà cậu không hề có được trong những tháng ngày sống trên thành phố.
Không gian khu vườn sau hè nhà Rùa là nơi chứng kiến toàn bộ mối tình của Đông và cô bé Rùa. Không gian khu vườn này được nhắc lại 6 lần trong toàn bộ thiên truyện. Khu vườn nhà Rùa là địa điểm hẹn hò của Đông và Rùa. khu vườn này còn chứng kiến những tâm trạng ảo não, đau khổ của Đông khi biết mình đang mang trong mình một cuộc tình vô vọng vì hiểu lầm rằng Rùa chính là em gái họ của mình. Lần cuối cùng hình ảnh khu vườn xuất hiện là khi mọi hiểu nhầm được xóa bỏ, Đông từ chỗ muốn quên đi mọi việc, mọi cảnh liên quan đến Rùa lại muốn thu vào tầm mắt tất cả những gì có liên quan đến Rùa - người con gái mà cậu yêu nhất trong cuộc đời. Trong 10 lần nhắc đến không gian khu vườn nhà Rùa thì có 9 lần không gian này hiện lên gắn với cuộc hẹn hò của nhân vật “tôi” (Đông) và Rùa, duy chỉ có một lần không gian này có sự xuất hiện của một nhân vật khác là ông Bảy Thành. Không gian khu vườn nhà Rùa là không gian thấm đẫm kỉ niệm ngọt ngào của Đông và Rùa.