Chương 1 MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HỌC VÀ ĐIỆN ẢNH
1.2. Bản chất của điện ảnh
1.2.2. Đặc trưng của ngôn ngữ điện ảnh
Đặc trưng tổng hợp của điện ảnh là khá rõ. Tuy nhiên, cái cốt lõi, đặc trưng, linh hồn của điện ảnh lại chính là hình ảnh. Vì vậy, ở một phương diện nào đó, ngôn ngữ điện ảnh gần hơn với ngôn ngữ nhiếp ảnh, ngôn ngữ hội họa.
Điện ảnh được biết đến là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, cho nên ngôn ngữ của nó cũngmang tính tổng hợp; đó là sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ thị giác, ngôn ngữ thính giác và kỹ thuật dựng phim.
Nếu tác phẩm văn chương chỉ là cái viết duy nhất của duy nhất tác giả thì tác phẩm điện ảnh là kết quả của một cộng đồng sáng tạo bao gồm số đông, và mang tính liên hoàn giữa các công đoạn mà không thể lược bớt đi bất cứ một công đoạn nào, ở đó văn chương mới là công đọan thứ nhất mang tính khởi đầu. Bộ phim khi đã được khởi hành từ tác phẩm văn chương tức là đã bỏ qua cái viết, cái đọc, là hai thao tác quan trọng của nhà văn và người đọc, để đi đến cái diễn của đạo diễn, của diễn viên và cuối cùng nhằm phục vụ cho cái nghe nhìn của người xem, như một thưởng thức
21
đặc trưng đối với loại nghệ thuật đặc thù này.
1.2.2.1 Ngôn ngữ thị giác
“Phim, đó là chữ viết của các các hình ảnh thị giác” (GiangCocto). Đúng vậy, tri giác bằng mắt của chúng ta về thế giới là cơ sở của ngôn ngữ điện ảnh. Nhưng ngay thị giác của chúng ta chứa đựng sự phân biệt giữa mô hình thế giới mà chúng ta có được bằng những phương tiện của các nghệ thuật tượng hình cố định và bởi những phương tiện của điện ảnh. Khi một vật biến thành một hình ảnh thị giác mà được cố định hóa bởi một vật liệu nào đó, hình ảnh này trở thành một ký hiệu thì tri giác của chúng ta đòi hỏi có sự đối chiếu hình ảnh thị giác với hiện tượng hay vật thể tương ứng với nó ở ngoài đời.
Hình ảnh là chất liệu cơ bản, nguyên liệu đầu tiên của nghệ thuật điện ảnh. Khẳng đính sự quan trọng của nó, có một nhà nghiên cứu đã từng nhấn mạnh: ba yếu tố quan trọng nhất của điện ảnh là: hình ảnh, hình ảnh và hình ảnh. Mỗi hình ảnh trên màn ảnh là một ký hiệu, nghĩa là nó mang một ý nghĩa, mang một thông tin. Tuy nhiên, ý nghĩa đó có thể có tính chất kép. Một mặt, những hình ảnh của màn ảnh thể hiện những đối tượng của thế giới thực. Giữa những đối tượng và những hình ảnh này của màn ảnh, kiến lập nên một mối quan hệ ngữ nghĩa. Những đối tượng trở thành những ý nghĩa của hình ảnh được thể hiện trên màn ảnh. Mặt khác, những hình ảnh có thể chất đầy những ý nghĩa phụ, đôi lúc hoàn toàn không ngờ. Sự chiếu sáng, sắp xếp các cảnh…có thể đem đến cho đối tượng những ý nghĩa phụ: tượng trưng, ẩn dụ, hoán dụ,….
Một bộ phim được cấu thành từ một loạt ảnh “hoạt động” chụp nối tiếp nhau. Những hình ảnh nếu tách rời riêng rẽ khỏi bộ phim thì nhiều khi sẽ trở nên vô nghĩa. Truyền đạt sự chuyển động là đặc tính chủ yếu, bản chất của điện ảnh. Đập vào giác quan, điện ảnh đòi hỏi khắt khe tính chân thực của hành
22
động. Các nhà làm phim thông qua dàn cảnh để diễn đạt cảm xúc và suy nghĩ, Cảnh có thể chính là những bối cảnh thiên nhiên hoặc cảnh nhân tạo do đạo diễn bài trí, sắp xếp.
Ánh sáng có vai trò rất quan trọng trong tạo dựng hình ảnh, góp phần biểu lộ tư tưởng, chủ đề của phim, đồng thời cũng là yếu tố nhấn mạnh cảm xúc, chiều sâu, phong cách của nhân vật. Ánh sáng được đặc thù hóa như một phương thức biểu hiện. Việc xử lý “sự sáng”, “sự tối” trong điện ảnh luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu nghệ thuật. Nhờ sự đa dạng trong xử lý sáng tối, các nhà làm phim sẽ phát huy khả năng biểu hiện các hiện tượng đời sống.
Hai yếu tố kết hợp cùng ánh sáng góp phần tạo ra hình ảnh còn là màu sắc và trang phục. Màu sắc thực sự là một phương tiện biểu hiện – ngôn ngữ thị giác của điện ảnh. Các tông màu (kể cả đen – trắng) đều được sử dụng nhằm gợi tạo liên tưởng và thông qua đó, vươn tới những biểu tượng. Trang phục luôn được đề cao trong tính điển hình và chân thực của nhân vật (so với sân khấu thì phục trang không được cách điệu). Đây là điều để người xem dễ dàng nhận ra các nhân vật. Tuy không phải là một thành phần nghệ thuật riêng biệt nhưng phục trang là một bộ phận cấu thành phong cách dàn dựng hình ảnh nhất định của một bộ phim. Trang phục thường được xuất hiện trong những bối cảnh khác nhau, nhấn mạnh động tác, tư thế, biểu hiện tính cách của nhân vật. Đôi khi, phục trang đóng vai trò thuần túy biểu trưng cho một ý tưởng nào đó. Ví như những bộ phục trang cũ nát trong phim Vợ chồng A Phủ
tự nó đã biểu đạt đời sống khốn khó của dân tộc vùng cao trước cách mạng. Bên cạnh sự quan trọng của ánh sáng, trang phục, màu sắc… diễn xuất của diễn viên còn có vai trò lớn hơn trong tạo dựng hình tượng nhân vật. Thành công của vai diễn chính là thành công của một tác phẩm điện ảnh. “Dù không sử dụng cảnh dựng sẵn, nhờ diễn xuất của các diễn viên, điện ảnh vẫn cứ là
23
một nghệ thuật”, “điện ảnh vẫn không thể thực sự phát triển thành một ngành phong phú và vĩ đại nếu không có sự tham gia cả các diễn viên”[21; 175]. Hình tượng nhân vật trôi qua hoặc đọng lại trong lòng khán giả phụ thuộc rất nhiều vào diễn xuất của diễn viên, họ chính là linh hồn của điện ảnh. Trong điện ảnh, tính cách của nhân vật được thể hiện thông qua diễn xuất (từ ánh mắt tới nét mặt, cử chỉ, lời thoại…). Đó chính là các yếu tố tác động trực tiếp tới thị giác và thính giác của khán giả. Diễn viên được coi là linh hồn của bộ phim. Vì vậy việc lựa chọn được những diễn viên phù hợp với từng nhân vật là điều vô cùng cần thiết.
Khung cảnh, trang phục, ánh sáng, diễn xuất... kết hợp tạo nên cấu trúc của hình ảnh điện ảnh. Ngoài ra, tạo hình sẽ quyết định chất lượng nghệ thuật của cảnh phim. Nghệ thuật tạo hình khiến hình ảnh trên màn ảnh không chỉ là hình thức và vẻ thẩm mỹ bên ngoài mà nó còn biểu đạt nội dung của bản thân hình tượng. Công tác tạo hình thể hiện đầu tiên ở nghệ thuật dựng khuôn hình cho hình ảnh. Các cỡ cảnh khác nhau (trung cảnh, viễn cảnh, cận cảnh) phụ thuộc vào cự ly của khuôn hình và các góc độ quay (góc quay thẳng, góc quay cao, góc quay thấp). Sự đa dạng trong việc tạo các cỡ cảnh và bố trí khuôn hình thể hiện rõ hơn một hiện thực được chọn lựa, gọt rũa, xây dựng.
Như vậy, nhờ có phương tiện biểu hiện mạnh mẽ của mình, dựa trên cơ sở chọn lựa và sử dụng các yếu tố vật chất như ánh sáng, màu sắc, phục trang, diễn xuất, kết hợp với nghệ thuật bố cục tạo hình, điện ảnh đã xây dựng và giới thiệu với người xem những thực tế mà nó tìm được. Ngôn ngữ thị giác đã trở thành một thuộc tính đặc trưng của màn ảnh.
1.2.2.2. Ngôn ngữ thính giác
Giai đoạn đầu khi xuất hiện, điện ảnh là những thước phim câm không lời. Điện ảnh bắt đầu có âm thanh từ năm 1926 khi một hãng phim của Mỹ đã
24
mạo hiểm bất chấp có thể lỗ vốn hoặc phá sản quyết định đưa âm thanh vào phim, đi ngược lại quan điểm tuyệt đối tôn trọng “cái đẹp vĩ đại của sự im lặng”. Không ngờ, sự mạo hiểm này được đánh đổi bằng những nhiệt liệt hoan nghênh của công chúng. Âm thanh đã hỗ trợ khai thác khả năng vô tận của thị giác, dẫn người xem đi qua hình ảnh, chỉ cho họ những thứ cần xem, gợi cho họ những gì nhân vật nghĩ cũng như những biến động trong tâm hồn nhân vật.Tình trạng “câm” của điện ảnh thực sự không phải là ưu thế mà nó là bất lực của kĩ thuật. Bởi vậy, như một lẽ tự nhiên, ngôn ngữ thính giác trở thành đặc trưng không thể thiếu của điện ảnh.
Âm thanh điện ảnh gồm lời thoại, âm nhạc và tiếng động (hiệu quả âm thanh). Lời thoại gồm độc thoại và đối thoại, thêm nữa là lời dẫn chuyện (giới thiệu, dẫn dắt, bình luận sự việc). Qua lời thoại thấy rõ được lai lịch, cương vị, tính cách, ý nghĩ... của từng nhân vật mối quan hệ xã hội và nội dung mâu thuẫn giữa họ với nhau. Lời thoại còn lý thú ở chỗ mang ý nghĩa bóng gió, tính triết lí sâu sắc thường được gửi gắm trong lời thoại. Không chỉ thế cách chơi chữ của thoại cũng tạo cho người xem nhiều hứng thú. Lời thoại hướng tới nhận thức của người xem, dẫn dắt họ đi sâu vào tư duy thẩm mĩ, bộc lộ tính cách, ý nghĩa triết lí của hình tượng nghệ thuật.
Âm nhạc là thành tố quan trọng của các kí hiệu âm thanh. Nó tạo nên những hiệu quả cảm xúc bất ngờ và bổ sung ý tứ cho tác phẩm. “Bằng việc sắp xếp lại trật tự và thay đổi motif âm nhạc, nhà làm phim có thể so sánh tinh tế các cảnh, truy tìm các mẫu hình phát triển và khơi gợi những ý nghĩa ẩn tàng” [4; 513]. Sáng tác nhạc phim bao giờ cũng dựa vào yêu cầu của kịch bản. Vì vậy, nó chính là sự hỗ trợ cho hình ảnh, nhấn mạnh hoặc lí giải các biểu tượng xuất hiện trên màn ảnh.
Tiếng động (của thiên nhiên hay do con người tạo ra) cũng được xử lí trong phim như một yếu tố ngôn ngữ. Đó là âm thanh của cuộc sống được đưa
25
vào phim, tạo dựng hiện thực giúp người xem dễ dàng thâm nhập tác phẩm. Bên cạnh đó, tiếng động đôi khi còn được xử lý như một sự ẩn dụ, tượng trưng ước lệ cho ý tưởng. Với sự phát triển của kĩ thuật hiện nay, tiếng động ngày càng được thể hiện với sự chính xác tối ưu, phong phú, đa dạng, tạo nên sự hoàn chỉnh cho tác phẩm điện ảnh.
Ngôn ngữ thính giác mang lại cho người đọc sức sống cùng với khả năng hoàn thiện tuyệt vời. Các bộ phim đạt được thành công cũng nhờ vào ngôn ngữ thính giác.
1.2.2.3. Kỹ thuật dựng phim (montage)
Dựng phim là một công việc phức tạp đòi hỏi tính kĩ thuật cao, là một phương tiện thể hiện, đồng thời cũng là một thành tố cấu thành ngôn ngữ điện ảnh. Một bộ phim không phải là sự lắp ghép đơn thuần các hình ảnh. Sự sắp xếp hình ảnh, cảnh quay được thực hiện nghiêm ngặt gắn với ý tưởng của đạo diễn giúp câu chuyện được diễn tiến vừa logic, vừa hấp dẫn và cũng không đánh đố người tiếp nhận.
Kỹ thuật dựng phim hiểu một cách đơn nhất thì là công việc ráp nối các cảnh theo thứ tự kịch bản. Theo bản chất, điện ảnh cũng là một câu chuyện kể tường thuật lại một hiện thực nào đó bằng những kí hiệu và những quy định riêng về sự truyền đạt. Bởi vậy, “sự kể” này đòi hỏi người dựng phải rất chi li, thành thạo kĩ thuật cũng như các quy tắc dựng cảnh. Với kỹ thuật cao, các khung hình được nối khớp với nhau nhuyễn ngọt và kết dính như những viên gạch với xi măng, vôi và nước. Thủ pháp dựng cảnh và sự di động của máy quay đã liên kết những thông điệp bằng hình ảnh, lời thoại, âm nhạc tạo một “văn bản thị giác” với đa tầng ý nghĩa. Hiệu quả của “văn bản” này đến đâu cũng một phần nhờ vào montage. Sự phát triển của tình huống đời sống cũng như những diễn biến phức tạp của cốt truyện với những ý nghĩa của riêng nó một phần lớn nhờ vào montage.
26
Trong văn học người ta cũng dùng kĩ thuật lắp ghép để tạo cốt truyện kiểu ghép mảnh (cốt truyện những mảnh ghép). Đặc trưng của loại cốt truyện này là sự lắp ghép nhiều mảnh vỡ với nhau, thoạt nhìn thì tưởng là đứt nối logic nhưng thực chất các mảnh vỡ được kết dính từ đề tài, tư tưởng chủ đề, của truyện. Kiểu cốt truyện này có nhiều điểm tương đồng với một bộ phim, khi các kĩ thuật viên phải thực hiện thao tác ghép nhiều cảnh quay lại với nhau, chỉnh sửa để cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh.
Nghệ thuật sắp xếp hình ảnh, âm thanh nhằm tạo dựng nội dung cụ thể trong phim phụ thuộc vào ý đồ cũng như sự sáng tạo của đạo diễn. Đó chính là yếu tố tạo nên sức mạnh, dấu ấn phong cách cũng như nguyên nhân của sự trường tồn một cách khách quan của việc dựng phim. Nếu sự sắp xếp các chuỗi hình ảnh đơn thuần chỉ là diễn đạt xuôi chiều câu chuyện theo một trật tự nào đó, hẳn là bộ phim sẽ thiếu tính sáng tạo, khó khai thác được sức mạnh của liên kết và sự sắp xếp các khuôn hình trong điện ảnh. Bằng những lối dựng khác nhau, đạo diễn sẽ khơi dậy những ý nghĩa đặc biệt từ ghép cảnh, hình thành biểu tượng, khái niệm, đánh thức mĩ cảm người tiếp nhận.
Dựng phim cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi tư duy của một cộng đồng, một dân tộc. Các nền điện ảnh khác nhau luôn có những biểu hiện khác nhau mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Montage cũng được chú ý, không phải bởi mục đích tường thuật lại câu chuyện mà là sự nảy sinh ý thơ, ý văn do nó đem lại. Montage cũng tạo ra tiết tấu, đem đến sự sống động cho tác phẩm, biểu hiện mạnh sức truyền thụ của phim.Tốc độ dựng phim cũng được lưu ý bởi nó hàm chứa kịch tính hoặc biểu cảm một tiểu chủ đề nào đó. Đây là điều mà các đạo diễn luôn lưu ý với mục đích nhấn mạnh tình tiết, tô đậm tâm trạng nhân vật hay tạo dựng một bầu không gian đặc biệt nào đó.
27
thuật dựng phim đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên một tác phẩm điện ảnh. Đây cũng chính là những đặc trưng riêng biệt khiến nghệ thuật điện ảnh thực sự khác biệt với các anh em trong ngôi nhà nghệ thuật.