Chương 1 MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HỌC VÀ ĐIỆN ẢNH
2.2. Vợ chồn gA Phủ mối giao thoa với điện ảnh
2.2.3. Nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Vợ chồn gA Phủ
chàng trai phóng khoáng, thường sống với lí lẽ tự do. Từ lời phán như sấm truyền của Pá Tra, anh vĩnh viễn trở thành nô lệ: “Cả tiền phạt, tiền thuốc, tiền lợn, mày phải chịu một trăm bạc trắng. Mày không có trăm bạc thì tao cho mày vay để mày trả nợ. Bao giờ có tiền giả thì tao cho mày về, chưa có tiền giả thì tao bắt mày ở làm con trâu, con ngựa cho nhà tao. Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”[1; 142]. Ám ảnh hơn là trong nỗi đau bị đánh, A Phủ “tập tễnh” đi thịt lợn hầu kẻ vừa phạt vạ mình.
Quả thực là với cách thức dựng cảnh vừa chi tiết vừa trúng vừa độc như trên, Tô Hoài đã thực hiện trọn vẹn bước đầu tiên (cái viết) để các nhà làm phim tiếp nối bước tiếp theo (cái diễn).
2.2.3. Nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong “Vợ chồng A Phủ” A Phủ”
Văn học phản ánh hiện thực đời sống thông qua những phương tiện nhất định. Nhân vật có vị trí quan trọng, là nơi tác giả gửi gắm chủ đề, tư tưởng, quan niệm nghệ thuật về con người trong một giai thời nhất định.. Thông qua nhân vật, tác giả phản ánh quy luật của đời sống, thị hiếu thẩm mỹ, lí tưởng, khát vọng về đời sống, con người, xã hội.
Tác giả của Vợ chồng A Phủ thực sự thành công trong lĩnh vực này. Mị và A Phủ điển hình cho số phận người dân vùng cao. Thống lý Pá Tra, A Sử là điển hình đội ngũ quan lang ác bá – cường hào nơi thôn bản. Hệ thống nhân vật phụ cũng không kém phần ấn tượng, ví như nhân vật chị dâu – một phần bóng hình của Mị; nhân vật người cha chỉ biết nhìn con mà khóc – đại diện cho sự bế tắc, bất lực không lối thoát với món nợ truyền kiếp; những cái bóng của Pá Tra – đội chức việc, xéo phải – ăn không ngồi rồi, sa hoa, ác bá; những
50
thanh niên nô lệ - công cụ đánh thuê cho chủ - vô cảm như robot…
Mị vốn là một cô gái trẻ, đẹp, có tài, hồn nhiên và giàu sức sống. Mị xứng đáng có một cuộc sống hạnh phúc với người mình yêu. Nhưng số tiền nợ lãi từ đám cưới cha mẹ đã biến Mị trở thành vật nợ. Rồi kiếp số tôi đòi dần dà làm tê liệt ý thức phản kháng của một cô gái vốn mạnh mẽ và mẫn cảm. Nhưng rồi khả năng phản kháng lại bùng lên mãnh liệt, giống như nó đã được nuôi dưỡng nhiều ngày âm ỉ trong tâm hồn của cô gái trẻ. Mị vốn giàu khát vọng sống và tự do. Tiếng sáo là thứ âm thanh đặc biệt thức nhận những khao khát ấy. Để rồi sức sống nội tâm ấy lại một lần nữa bùng cháy, giúp Mị cởi trói cho A Phủ và giải thoát cho chính mình.
A Phủ - một chàng thanh niên mồ côi nghèo, suốt đời đi làm thuê nhưng lại khảng khái, khoáng hoạt, ham chuộng tự do và vô cùng gan góc. Những vất vả, thiếu thốn, nhọc nhằn của một tuổi thơ cùng cực đã tạo nên chàng trai này với những tài năng lao động và cả sự “lì lợm” hiếm có. A Phủ thích lao động nặng nhọc, thích thử thách minh trong nguy hiểm: “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc…, săn bò tót rất bạo”; “đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình bôn ba, rong ruổi ngoài gò ngoài rừng”. A Phủ đúng là đứa con của tự do. Nhưng rồi chàng trai ấy cũng phải quỳ gối nhận một cái tội lẽ ra không thuộc về mình. Trở thành nô lệ, rồi bị trói đứng vào cọc chờ chết. Sự tuyệt vọng chỉ chấm dứt khi anh được người con gái lầm lỳ đêm đêm trở dậy hơ lửa cứu thoát. Trang mới ở Phiềng Sa của A Phủ xứng đáng với con người anh, xứng đáng với phẩm chất mà anh có.
Hai nhân vật chính, hai tính cách nhưng lại chung một số phận tôi đòi. Họ đều là nô lệ gạt nợ. Đều giàu khát vọng và rồi để khát vọng chết dần trong tăm tối. Tô Hoài chủ ý xây dựng hai hình ảnh riêng biệt, hai tính cách riêng biệt (đúng với giới tính, đúng với phẩm chất, đúng với những gì thuộc về
51
logic phát triển của một con người) thông qua những thủ pháp riêng biệt. Mị ít nói. Từ đầu đến cuối hầu như chẳng thấy Mị bao giờ (trừ lần nói với cha qua lời dẫn của tác giả và một lần nói với A Phủ - sau khi cắt dây trói). Thế giới bên ngoài, khát khao của Mị đều được thể hiện qua một nội tâm mạnh mẽ, tới thời điểm thì cuộn trào bằng hành động. Hành động của Mị cũng được mô tả lặp đi lặp lại. Các đặc sắc chân dung của Mị cũng được nhắc nhiều lần qua trạng thái xúc cảm (cúi mặt, rười rượi, lùi lũi…). Với Mị, Tô Hoài tập trung khai thác nội tâm và những diễn biến tâm lý. Kỹ thuật “dòng chảy ý thức” cho phép Tô Hoài cắt ghép, xáo trộn các mảng không gian, thời gian. Mị ở nhà thống lý, nhưng trong đêm tình mùa xuân, tâm hồn Mỵ đã trôi tới một không gian khác, một thời gian khác. Hiện tại và quá khứ chồng chéo, đan cài, ngay cả khi bị A Sử trói, đầu Mị vẫn dập dìu tiếng sáo. Đây chính là đặc điểm Mị thật khác biệt so với A Phủ. A Phủ là một chàng trai Mông mộc mạc, trung thực, bộc trực và thẳng thắn. Thật dễ hiểu khi tác giả dụng công đàu tư mô tả hành động cho nhân vật này. A Phủ không nói nhiều, nhưng câu nói nào của A Phủ cũng ngắn gọn, quyết liệt. Cá tính thẳng thắn, gan lỳ, quyết liệt được thể hiện chính qua hành động của anh. Cái cách đối đầu cùng A Sử thể hiện sự tinh tế của ngòi bút Tô Hoài. Hiên ngang và áp đảo bằng trận đòn giáng xuống A Sử, A Phủ khiến người đọc hả hê. Hàng loạt động từ với nhịp văn nhanh, dồn dập tái hiện A Phủ trong sức vóc và sự mạnh mẽ của bò tót: “chạy vụt ra”; “vung tay ném”; “xộc tới”; “kéo dập đầu”; “xé vai áo”; “đánh tới tấp”… Kể cả sau này khi trở thành kẻ trả nợ, A Phủ vẫn mạnh mẽ và sẵn sàng nhận trách nhiệm của mình.
Rõ ràng, nếu Mị là nhân vật thiên về cuộc sống nội tâm bên trong thì A Phủ lại thiên về hành động. Nếu Mị thâu tóm thần thái vẻ đẹp của người phụ nữ: nhan sắc, tài hoa thì ở A Phủ không khó gì người đọc nhận ra những phẩm chất của chàng trai lí tưởng - những chàng trai mồ côi nghèo khổ vẫn
52
thường hay gặp trong truyện cổ dân gian: can đảm, khỏe mạnh, gan góc, chuộng nghĩa khí. A Phủ là mong ước của nhiều cô gái: “đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy lúc mà giàu”[1; 143]. Mặc dù vậy, A Phủ vẫn không lấy được vợ vì anh không có tiền để xin cưới. Cái nghèo không vượt qua được “phép rượu”, “phép làng”. A Phủ thành không người thân thích. Mô tả nhân vật gắn với phẩm hạnh đáng trân trọng nhưng lại bị đẩy vào đường cùng không lối thoát, đó cũng là một trong những thủ pháp của văn học trường phái hiện thực.
Đưa nhân vật vào tình huống bất ngờ cũng là một thủ pháp nghệ thuật cần kể đến ở Tô Hoài. Xây dựng tình huống kịch tính, đẩy nhân vật vào đó, để nhân vật thể hiện mình là cách Tô Hoài lựa chọn. Mị quyết định chết vì thấy cuộc sống vô nghĩa tại nhà thống lý. Nhưng Mị cũng vứt nắm lá ngón để quay về nơi cô biết mình sống mà như chết. Sẽ không có một cô Mị bùng cháy khát vọng nếu không có đêm tình mùa xuân với những bát rượu lá “ừng ực”. Cũng sẽ khó chấm dứt cuộc sống nô lệ ở Hồng Ngài của Mị nếu không có những đêm hơ lửa và đặc biệt tác động của dòng nước mắt khiến cô nhói đau cho thân phận của mình và của người. Cũng sẽ khó nhìn thấy một A Phủ bộc trực, can đảm và nghĩa khí nếu không cho A Sử đến phá đám. Tô Hoài đã khéo léo thể hiện cuộc đối đầu giai cấp ngay trong cuộc chơi đầu xuân này. Tô Hoài cũng để A Phủ ném con quay vào mặt A Sử, nắm lấy cái vòng bạc – biểu tượng con quan để trừng trị. Hành động này chẳng phải gì khác ngoài một tinh thần phản kháng trước sự bất công do bọn thống trị gây ra và biểu hiện của A Phủ là chàng trai chuộng nghĩa khí và công bằng. Và cũng không gì đau đớn hơn, khi tác giả phản ánh cái tập tục và cường quyền đè nặng cuộc sống người dân nơi đây thông qua việc mô tả A Phủ và Mị bị dập vùi, bị tước đoạt khát vọng, trở thành người ở không công cho nhà thống lý. Qua tình huống này, Tô Hoài muốn khẳng định cuộc sống đầy rẫy những bất công, tàn
53
bạo sẽ đẩy con người đến ý thức cam phận tôi đòi, đồng thời cũng lên án giai cấp thống trị đã tước đoạt ý niệm tự phản kháng của họ. Tuy nhiên, ông vẫn nhen lên tia hi vọng vào phẩm chất mãnh liệt trước kia của cả hai con người. A Phủ bị trói đứng, đau, rét và đói, nhưng mỗi khi ánh lửa trong bếp bừng sáng, Mị lại thấy ánh mắt trừng trừng của anh. Anh đang khát sống. Anh dường như không cam chịu chết. Tô Hoài muốn khẳng định hai con người trong A Phủ: một con người cường tráng bất khuất, một A Phủ cam phận tôi tớ. A Phủ này là biểu trưng cho sức mạnh con người, A Phủ kia biểu trưng cho sự nhục mạ chính con người ấy. Tuy nhiên A Phủ gan góc, bất khuất luôn nổi trội. Khi được Mị cởi dây trói anh đã dùng sức mạnh của lòng yêu tự do mà bật dậy và vùng chạy. A Phủ đã chạy đến Phiềng Sa, giác ngộ và tham gia cách mạng, điều đó là sự phát triển logic tất yếu mà ta nhận thấy từ chính những hành động quả cảm trước đó của anh.
Không thể phủ nhận rằng, hệ thống nhân vật trong Vợ chồng A Phủ
mang tới thành công cho thiên truyện này. Các thủ pháp xây dựng nhân vật (miêu tả hình dáng, tâm lí, hành động, xây dựng tình huống…) chính là những gợi dẫn lí thú, hữu ích cho điện ảnh.
* * *
Vợ chồng A Phủ thực sự xứng đáng là thiên truyện xuất sắc về đề tài
miền núi của Tô Hoài. Nhà văn đã phản ánh những phẩm chất tốt đẹp và sức sống tiềm tàng của con người vùng cao cũng như quá trình trưởng thành, con đường đến với cách mạng của họ.
Cốt truyện đặc sắc có kịch tính kết hợp nghệ thuật dựng truyện tài hoa, bút pháp miêu tả tinh tế, khả năng tạo hình sống động, thủ pháp xây dựng nhân vật độc đáo, Vợ chồng A Phủ thực sự có giá trị trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
54
Xét ở góc độ là một tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật tổng hợp, thiên truyện này còn thành công xuất sắc trong lĩnh vực phối kết hợp các thủ pháp của nghệ thuật hội họa, âm nhạc và đặc biệt là điện ảnh. Ẩn sau lối kể chuyện “hiền lành”, gợi hướng cổ tích, Tô Hoài đã sử dụng một số thủ thuật cắt – dán, lắp – ghép các biến cố, sự kiện, xáo trộn không gian, thời gian. Kể kết hợp tả nhuần nhuyễn, nhà văn dựng được nhiều bức tranh ấn tượng, độc về Tây Bắc (con người, thiên nhiên, phong tục). Cách thức trần thuật khách quan cũng đã được kết hợp điểm nhìn bên trong – chủ quan - của ngôi thứ nhất. Sự linh hoạt điểm nhìn – dù chưa phải là nhiều trong tác phẩm song cũng là bước đầu tạo cái vang lên của một thanh âm khác trong thể hiện chủ đề. Kĩ thuật dòng ý thức khi xây dựng nhân vật bước đầu được thể nghiệm bằng sự khởi phát của tâm thức nhân vật khi hồi cố quá khứ dù sống trong hiện tại… Đó chính là những yếu tố khiến giới nghiên cứu không ngần ngại mà nhấn mạnh: đã có nhiều thủ pháp, kĩ thuật được vận dụng từ nghệ thuật điện ảnh trong tác phẩm này.
55
Chương 3
PHIM “ VỢ CHỒNG A PHỦ” – VĂN HỌC TRONG ĐIỆN ẢNH
Với đặc điểm chung là tính tổng hợp, văn chương và điện ảnh đều có khả năng tiếp thu, kế thừa thành tựu của nhiều ngành nghệ thuật khác. Đặc biệt, giữa chúng luôn có ảnh hưởng, học hỏi, thâm nhập lẫn nhau. Phim Vợ chồng
A Phủ có những dấu ấn gì của truyện? Ở chương cuối này, chúng tôi sẽ tập
trung làm rõ: yếu tố giao thoa giữa văn học và điện ảnh được thể hiện trong một bộ phim cụ thể, nói khác đi, là những yếu tố văn học nằm trong tác phẩm điện ảnh, trường hợp Vợ chồng A Phủ.