Sự tương tác, hiệu ứng cộng sinh giữa văn học điện ảnh

Một phần của tài liệu Giao thoa giữa văn học và điện ảnh trong vợ chồng a phủ (Trang 34 - 38)

Chương 1 MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HỌC VÀ ĐIỆN ẢNH

1.3. Mối quan hệ văn học – điện ảnh

1.3.2. Sự tương tác, hiệu ứng cộng sinh giữa văn học điện ảnh

Nói văn học là nguồn chất liệu điện ảnh không sai, khi thực tế chứng minh nhiều tác phẩm điện ảnh được khơi nguồn và rất thành công sau khi chuyển thể.

Điện ảnh tiếp thu không chỉ các vấn đề thuộc về nội dung tác phẩm văn học, các yếu tố ngôn ngữ như lời thoại, hay cách thức thể hiện thời gian, tạo dựng không gian… cũng được học hỏi triệt để. Các lời thoại, tựa đề, lời dẫn … trong phim đa số được chuyển thể hoặc tiếp nhận từ cốt truyện. Trước đây, khi loại hình nghệ thuật điện ảnh ra mắt, các bộ phim thuần túy là sự lắp ghép các hình ảnh thể hiện hành động, rất thiếu yếu tố chuyển động nội tâm (một chuyến tàu về sân ga, một đôi trai gái nắm tay nhau hay những gì tương tự như thế…). Nhưng chẳng lâu sau, điện ảnh đã thể hiện khả năng khai thác dòng suy nghĩ bên trong. Những diễn biến tinh tế của tâm hồn nhân vật đã được điện ảnh khai thác khá nhuyễn, đó là minh chứng sự học hỏi của điện ảnh từ văn học. Tương tự như vậy với phương thức thể hiện dòng chảy thời gian trong tác phẩm điện ảnh (sự hồi cố quá khứ - những diễn biến hiện tại, suy tưởng đến tương lai) hay hình ảnh không gian với sự chuyển đổi linh hoạt đều là do văn học gợi hướng cho điện ảnh.

Với đặc trưng riêng, điện ảnh cũng tác động trở lại khá mạnh mẽ. Kỹ thuật lắp ghép (montage) giúp hình thành cách viết mới đối với văn chương. Chúng ta đã từng không ngạc nhiên khi từ nửa sau thế kỉ XX, văn học Pháp xuất hiện loại hình “Tiểu thuyết điện ảnh”, đỉnh cao là Marguerite Duras (1914 -1996) - nhà văn, đồng thời cũng là người viết kịch bản điện ảnh nổi

30

tiếng. “Người đàn bà lai” là tên gọi dành cho Duras khi nhà văn này sử dụng lối viết vừa mang tính văn chương lại vừa lồng ghép rất nhiều kĩ thuật điện ảnh. Tiểu thuyết “Người tình” in đậm dấu ấn của lối viết kịch bản. Ở đó, bà không dùng cốt truyện, cũng không nặng nghệ thuật trần thuật, ngược lại, bà chú ý đến cái nhìn. Các nhà tiểu thuyết mới sau này của Pháp đã tiếp nhận lối viết này như một cách thức thể hiện cá tính của giới trẻ nặng động, khoáng đạt và hấp dẫn.

Kĩ thuật “montage” (cắt - dán) của điện ảnh ảnh hưởng khá lớn đến văn chương. Chúng ta thấy rõ điều này trong cốt truyện hiện đại. Kiểu sử dụng, thiết lập các “mảnh ghép” nhằm xáo trộn biến cố sự kiện (không theo trình tự tuyến tính của thời gian) dù có thể tạo ra khó khăn trong theo dõi cốt truyện nhưng lại tạo ra sự bất ngờ, tránh lối đi cũ mòn, dễ nhàm trong văn học truyền thống. Đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật cũng là một học hỏi thành công của văn học từ điện ảnh. Với các góc nhìn khác nhau, tính chất khách quan, đa chiều của sự vật hiện tượng được phản ánh vượt xa biên độ thông thường, giúp mềm hóa các mô thức truyền thống.

Lịch sử điện ảnh trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đã ghi nhận tính phổ biến của phim truyện khi được tái sinh từ văn học. Dĩ nhiên, chuyển thể là một cuộc thai nghén lâu dài với đầy đủ những khó khăn vất vả và cũng không thể thiếu sự sáng tạo. Bởi lẽ, không phải tác phẩm văn học nào cũng hội tụ đầy đủ các yếu tố để tạo nên hình hài một kiệt tác điện ảnh.

Chúng ta đã từng được chứng kiến và chiêm nghiệm thành công của các nhà làm phim trên toàn thế giới khi các sản phẩm điện ảnh sáng giá ra mắt công chúng. Người xem một lần nữa được nhìn thấy sự xuất hiện của những tác phẩm văn học kinh điển ở một hình thức nghệ thuật khác. Các tiểu thuyết dài đi cùng năm tháng như Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Những người khốn khổ, Cuốn theo chiều gió, Tây du kí, Thủy hử, Tam quốc

31

diễn nghĩa, Hồng Lâu Mộng…tạo được không ít hiệu ứng từ khán giả. Có nhà

nghiên cứu đã tỉ mỉ thống kê và thông báo kết quả đáng kinh ngạc về con số tác phẩm điện ảnh bắt nguồn từ văn học, rằng hơn 100 năm qua, 50% bộ phim ở Pháp được bắt nguồn từ văn học. Và cũng gần 60 năm nay, nền điện ảnh Việt Nam có phân nửa số phim được sản xuất trên cơ sở các truyện ngắn, tiểu thuyết. Ví dụ: Lục Vân Tiên (Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu), Chị Dậu

(Tắt đèn – Ngô Tất Tố), Chị Tư Hậu (Một chuyện chép ở bệnh viện – Bùi Đức

Ái), Hòn Đất (Hòn đất – Anh Đức), Thời xa vắng (Thời xa vắng – Lê Lựu),

Mùa len trâu (Hương rừng Cà Mau – Sơn Nam), Quyên (Quyên – Nguyễn Văn

Thọ), Chuyện của Pao (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá – Đỗ Bích Thúy), Đất

phương Nam (Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi), Ma làng (Mảnh đất lắm

người nhiều ma – Nguyễn Khắc Trường), Dưới cờ đại nghĩa, Kính vạn hoa,

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Tiểu thuyết cùng tên - Nguyễn Nhật Ánh);

Nước (Nước như nước mắt – Nguyễn Ngọc Tư), Hương Ga (Phiên bản –

Nguyễn Đình Tú)…

Rõ ràng, các nhà làm phim truyền hình luôn quan tâm đặc biệt đến các tác phẩm văn học xuất sắc có nhiều tiền tố cho sự chuyển thể của điện ảnh.. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng từng chia sẻ: “Dù không phải tác phẩm nào cũng có thể khai thác thành phim ảnh nhưng chúng ta có một nguồn đề tài vô cùng phong phú từ văn học và nên phát triển việc khai thác kịch bản phim từ văn học thành một xu hướng”[29]. Đây cũng là một cách thức tận dụng, khai thác nguồn tài nguyên sẵn có. Kết hợp với sự sáng tạo, nhà biên kịch thiết kế ngôi nhà nghệ thuật mới cho tác phẩm văn học. Sự tinh tế, đồng cảm trong tiếng nói chung giữa nhà văn với các nhà làm phim là điều hết sức cần thiết trong hoạt động sáng tạo này, đảm bảo cho tác phẩm chuyển thể không sai lệch về nội dung, chủ đề, đồng thời khắc phục được điẻm yếu, phát huy thế mạnh chính từ tác phẩm văn học. Như vậy, việc sử dụng tài nguyên văn học

32

không đơn thuần chỉ là sao chép. Các nhà điện ảnh cần học hỏi, sáng tạo từ chính các thủ pháp, phương tiện biểu hiện của văn học. Áp lực dành cho quá trình tái sinh này vì vậy khá đáng kể. Làm thế nào để không đánh mất vẻ đẹp của tài nguyên, làm thế nào để nó sáng rộng hơn trong một thể loại mới, tác động mạnh vào nhận thức của người tiếp nhận và góp phần phát triển, quảng bá lẫn nhau của cả hai thể loại, đó là mục tiêu sống còn của các tác phẩm điện ảnh. Sự khắt khe của công chúng, sự thấm sâu tác phẩm nguyên gốc khiến cả công chúng và người phê bình vừa háo hức vừa thận trọng với sự ra đời của phim. Chúng ta không phủ nhận hiện tượng tác phẩm văn học nổi tiếng sẽ tạo sức hút cho điện ảnh và ngược lại, tác phẩm văn học được biết đến từ hiệu ứng phim. Sự lan tỏa trong công chúng đã chứng minh yếu tố cộng sinh giữa hai ngành nghệ thuật này, dù đó là sản phẩm của hai quá trình sáng tạo khác biệt.

* * *

Ở chương này chúng tôi tập trung vào phân tích các đặc trưng cơ bản của văn học và điện ảnh cũng như mối quan hệ đặc biệt giữa chúng. Văn học được coi là loại hình nghệ thuật tiền đề giúp điện ảnh phát triển. Sử dụng chất liệu sẵn có, kết hợp tài năng của đạo diễn, tác phẩm điện ảnh có thể “thoát xác”, “bay lên” với những đặc trưng riêng của nó. Sự tương tác giữa hai thể loại khiến tác phẩm văn học cũng như tác phẩm điện ảnh có sức lan tỏa mãnh liệt hơn mà minh chứng thiết thực nhất là số lượng sách phát hành cũng như số lượt người xem sau mỗi lần phim được công chiếu.

33

Chương 2

TRUYỆN NGẮN VỢ CHỒNG A PHỦ -

ĐIỆN ẢNH TRONG VĂN HỌC

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ hấp dẫn không chỉ vì đây là tác phẩm đặc sắc viết về đề tài miền núi gắn với chủ đề tư tưởng về hành trình đến với cách mạng của dân tộc vùng cao. Cái độc đáo của tác phẩm còn ở nghệ thuật dựng truyện sắc sảo, ở cách kiến tạo, lắp ráp những bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, cách thể hiện không gian văn hóa Tây Bắc, cách phân tích, phát triển logic của tâm hồn... Đây chính là những thuận lợi lớn giúp tác phẩm điện ảnh có thể “cất cánh” từ chất liệu ngôn từ. Trong chương này chúng tôi đi sâu vào phân tích cái độc đáo này của tác phẩm để làm rõ những tiền tố đích thực, cái “chất” điện ảnh trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

Một phần của tài liệu Giao thoa giữa văn học và điện ảnh trong vợ chồng a phủ (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)