Chương 1 MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HỌC VÀ ĐIỆN ẢNH
1.3. Mối quan hệ văn học – điện ảnh
1.3.1. Sự tương đồng, khác biệt giữa văn học và điện ảnh
Văn học và điện ảnh đều là hai loại hình mang tính tổng hợp. Với chất liệu ngôn từ, văn học chiếm ưu thế lớn trong khả năng ôm chứa, dung nhập nhiều yếu tố của các loại hình nghệ thuật khác. Trong văn có nhạc, có họa, có điện ảnh. Bêlinxki từng khẳng định: “Thơ văn chính là toàn bộ nghệ thuật”.
Ra đời sau, điện ảnh càng có ưu thế trong vận dụng thành quả của các ngành nghệ thuật khác. Trong điện ảnh có ngôn từ, có giai điệu, có hình họa, màu sắc, đường nét, hình khối, có vũ đạo… Tất cả các yếu tố này hòa nhuyễn, đem đến cho người xem một tác phẩm đặc biệt, tác động mạnh vào thị giác, thính giác, xúc cảm, gợi hướng cho những đam mê và hành động.
Tuy nhiên, cũng vì chất liệu khác nhau, văn học và điện ảnh đương nhiên có nhiều điểm khác biệt. Nếu văn học là loại hình nghệ thuật tổng hợp gián tiếp thì điện ảnh là loại hình nghệ thuật trực tiếp. Chất liệu ngôn từ khiến văn học có thế mạnh trong việc xây dựng các hình tượng “phi vật thể” nhờ nghệ thuật miêu tả, so sánh, ẩn dụ…là điều mà điện ảnh khó có thể thực hiện được. Văn học “nói” bằng ngôn ngữ hay ngôn từ, theo đúng nghĩa chính xác của từ này. Chất liệu của văn chương có thể nghe đọc, nghe kể, hay nhìn vào trang sách, song đó không phải là nghe, nhìn trực tiếp nhưng không có một hình ảnh, âm thanh trực quan nào hiện lên cả, mà chỉ có những kí hiệu, để rồi từ kí hiệu đó, những hình ảnh, âm thanh mới được liên hệ, tưởng tượng, hiện dần lên trong đầu người đọc, người nghe.
Vận dụng khả năng vô tận của ngôn từ, văn học thâm nhập vào bề sâu, bề xa của thế giới hiện thực, của cửa ngõ tâm hồn con người, vẽ nên cả những
28
ý niệm mơ hồ nhất. Thế mạnh này đồng thời cũng là điểm yếu. Đơn giản vì văn học xây dựng hình tượng nghệ thuật thông qua trí tưởng tượng của con người. Hiệu ứng của hình tượng, sự hoàn thiện của hình tượng còn phụ thuộc vào chính khả năng tưởng tượng, tiếp nhận của độc giả.
Xây dựng bằng chất liệu ngôn từ, hình tượng văn học là một loại hình tượng gián tiếp chỉ có thể được tái tạo, hình dung qua trí tưởng tượng của người đọc. đó là tính chất tinh thần hay tính “ phi vật thể” của hình tượng văn học. Đặc điểm “phi vật thể” ấy dẫn đến đặc thù, độc đáo trong phản ánh, sáng tạo và cảm thụ thế giới của nghệ thuật ngôn từ. Với chất liệu ngôn ngữ đặc biệt văn học là phương tiện vạn năng để chiếm lĩnh thế giới. Tính gián tiếp của hình tượng văn học đã khiến văn học có một sự bao quát toàn diện về hiện thực, về khả năng chiếm lĩnh chiều sâu nội dung. Có thể nói trí lực con người có thể chiếm lĩnh thế giới ở mức nào thì hình tượng văn học có thể đạt tới tầm vóc ấy.
Ở loại hình nghệ thuật điện ảnh, do sử dụng chất liệu “hữu hình” như màu sắc, hình khối, diễn viên, đạo cụ nên hình tượng mang tính trực quan, có khả năng tác động trực tiếp vào thị giác con người, gây những ấn tượng cảm tính xác thực mạnh mẽ. Một bộ phim là cả một thế giới vật thể, bởi vì chất liệu điện ảnh là tất cả những gì máy quay phim có thể thâu lại - cả hình ảnh lẫn âm thanh. Nói rõ hơn, ngôn ngữ điện ảnh bao hàm phương pháp xử lý hình ảnh và âm thanh thông qua các thủ pháp điện ảnh. Điện ảnh đã dựa trên hai loại ký hiệu cơ bản nhất này của xã hội loài người để tạo ra một sức mạnh ghê gớm, quy mọi sự vật và hiện tượng về dưới dạng hình ảnh hoặc âm thanh. Cũng chính từ đặc trưng là “vật thể” ở mức tối đa này, ngôn ngữ điện ảnh trở thành thứ ngôn ngữ thể hiện hình tượng mạnh mẽ nhất, thuận tiện và hấp dẫn người thưởng thức nhất. Tiếp nhận “truyện kể” từ điện ảnh thoải mái và đỡ tốn sức hơn tiếp nhận văn chương, bởi với văn chương, người đọc còn phải
29
tưởng tượng, còn với điện ảnh thì tất cả đã bày ra trước mắt.
Chính những nét “giống” và “khác” nói trên đã giúp văn chương và điện ảnh có mối quan hệ tương tác, tạo nên giá trị tích cực, kích thích cả hai cùng phát triển.