CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ DU LỊCH
2.1. Tiềm năng du lịch huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
2.1.3. Tài nguyên du lịch văn hóa
2.1.3.1. Các di tích lịch sử, văn hóa của huyện Đồng Văn a. Khu di tích nhà Vương
Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức ở Đồng Văn, Hà Giang là một công trình với kiến trúc đặc sắc bậc nhất của tỉnh Hà Giang, được nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi bước chân tới Hà Giang.
Dinh thự nằm giữa thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, trên một khối đất nổi cao như hình mai rùa, tượng trưng cho thần Kim Quy, bao quanh bởi một dải núi hình vòng cung, tạo nên địa thế phòng thủ rất tuyệt vời. Đường đến khu di tích bây giờ tương đối thuận tiện, có thể di bằng ô từ thị xã Hà Giang vượt 125 km qua 2 huyện Quản Bạ và Yên Minh với cảnh trí thiên nhiên núi non trùng điệp, hùng vĩ còn nhiều vẻ hoang sơ bên dọc đường.
Bước vào khu dinh thự, ấn tượng đầu tiên là những hàng cây sa mộc cao vút, thẳng tắp hàng trăm năm tuổi. Chiếc cổng đá của dinh hiện lên bề thế được chạm trổ tinh tế. Cổng nhà cong, uốn lượn với những cánh dơi - biểu tượng cho chữ “phúc”. Mái cổng bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, với nhiều kiểu hoa văn.
Kiến trúc dinh thự mô phỏng kiến trúc thành quách của nhà Thanh Trung Hoa, kết hợp với các hoa văn của người Mông và chọn lọc với kiến trúc Pháp
như các lò sưởi, lô cốt… Dinh có 3 cung tiền, trung và hậu, với 64 phòng lớn nhỏ, có sức chứa khoảng 100 người. Giữa các dãy nhà gỗ 2 tầng khép kín là một khoảng sân rộng đầy ánh sáng.
Nét đặc sắc của khu dinh thự nằm ở cấu trúc và cách bố trí các phòng. Dinh thự như một pháo đài kiên cố, các bức tường dày, được xây bằng đá xanh, ngói đất nung và đồ gỗ trong các dãy nhà là gỗ thông đá. Dinh có 2 lô cốt để phòng thủ, có kho cất giữ tài sản, kho vũ khí, kho thuốc phiện, cách bố trí các phòng tựa như một thành quách thu nhỏ. Điểm nhấn nữa của dinh là nghệ thuật điêu khắc trong các phần của dãy nhà. Nhiều chi tiết bằng đá của tòa nhà được chạm khắc cầu kì, khéo léo mang các biểu tượng cho sự phú quý, hưng thịnh. Trải qua bao biến động của thời gian và chiến tranh, một số vật liệu trong khu dinh thự đã bị thay thế, nhưng vẫn giữ được nguyên nét kiến trúc độc đáo.
b. Cột cờ Lũng Cú
Lũng Cú là mảnh đất địa đầu Tổ Quốc, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang khoảng 200km. Xã Lũng Cú có tổng diện tích tự nhiên là 3460 ha với 9 thôn, bản; có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa hơn 16km. Bà con dân tộc ở Lũng Cú chủ yếu là làm nương rẫy và làm ruộng bậc thang. Riêng đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống với các công đoạn làm sợi lanh, dệt vải.
Đỉnh Lũng Cú là một vùng đất với 3/4 là đá, nổi bật lên là cột cờ Tổ quốc có hình dáng giống cột cờ Hà Nội; xung quanh phong cảnh là núi rừng hùng vĩ, trùng điệp.
Cột cờ được dựng trên núi Rồng (Long Sơn). Dưới chân Cột cờ khắc phù điệu mang rõ nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn, lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trong gió và in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc. Ngoài ra, giữa lưng chừng núi Rồng có một cái hang khá rộng và đẹp, đồng bào ở đây gọi là hang Sỉ Mần Khan.
Bên cạnh đó, Lũng Cú vẫn còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu từ thời Hùng Vương. Theo sử sách ghi lại, vào thời kỳ Tây Sơn, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn.
Là vùng đất của Chè Shan, rượu mật ong, rượu ngô, đào phai, hoa lê, tuyết trắng, và món thắng cố trong buổi chợ phiên… cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc như: Mông, Lô Lô,… Lũng Cú thật sự mang nhiều nét đẹp hấp dẫn du khách. Nếu có dịp đến đây vào mùa xuân, khách du lịch vừa được tận hưởng bầu không khí trong lành, vừa được nghe tiếng đàn mối tình gọi bạn, tiếng khèn của người Mông say mê, quyến rũ và tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa bập bùng.
c. Phố cổ Đồng Văn
Thị trấn Đồng Văn nằm trên cao nguyên đá ở độ cao trung bình từ 1000- 1600m so với mặt nước biển, cách thành phố Hà Giang 160 km. Ở đây có một khu phố và chợ cổ có lối kiến trúc hàng trăm năm tuổi mà vẻ đẹp cổ kính, thâm trầm đã làm du khách như trút hết mệt mỏi sau khi vượt những chặng đường dài để đến với Đồng Văn.
Phố cổ nằm ở trung tâm của thị trấn Đồng Văn nhỏ bé (xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang). Khi mới hình thành đầu thế kỉ 20, khu phố cổ này chỉ gồm vài gia đình người Mông, Tày, Hoa sinh sống. Khi vào đây chiếm đóng, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc, đặc biệt là chợ Đồng Văn, xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Phố cổ và chợ cổ Đồng văn mang đậm nét đặc trưng với tường nhà rất dày bằng đá, hàng cột lớn, nhà xây một hoặc hai tầng mái lợp ngói trên những kết cấu vì kèo bằng gỗ chắc chắn. Đặc trưng nữa ở đây là trước cửa nhà có đèn lồng treo cao để thắp lên khi đêm xuống, xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của cao nguyên đá. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức "Đêm phố cổ" vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng. Trong "Đêm phố cổ" các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ; đồng thời tổ chức một số hoạt động mang đậm bản sắc khác như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bày bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch giống như cách người Hội An đã làm.
Khu chợ Đồng Văn không rộng, chỉ gồm 3 dãy nhà xây một tầng thấp được xếp hình chữ U. Chợ phiên Đồng văn họp vào các Chủ Nhật hàng tuần. Vì vậy, cứ các tối thứ 7 trước phiên chợ, từng đôi trai gái người Mông, Dao, Giấy... lại đưa nhau về đây dạo chơi, thổi khèn uống rượu và hát múa; vào mùa đông khí hậu khắc nghiệt, từng nhóm thanh niên đốt lửa và quây quần bến đống lửa. Vào những phiên chợ chính, khu vực Phố cổ Đồng Văn trở nên đông vui tấp nập. Các hoạt động văn hóa tại đây được diễn ra rất độc đáo, tạo thêm một điểm nhấn cho khu Phố cổ Đồng Văn. Năm 2009, Phố cổ Đồng Văn được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Hiện trạng khu phố cổ đã cũ nát, xuống cấp, nhiều nhà mới với lối kiến trúc nhà ống mọc lên phá vỡ nghiêm trọng lối kiến trúc cổ. Du lịch tại thị trấn Đồng Văn vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, chưa bị thương mại hóa. Vấn đề đặt ra trước mắt cho chính quyền địa phương là phải bảo tồn khu phố cổ vốn rất dễ bị tổn thương, trên cơ sở phát huy các hoạt động mang bản sắc truyền thống.
2.1.3.2. Lễ hội
a. Lễ hội hoa tam giác mạch
Ở vùng đất địa đầu Tổ quốc này, khoảng tháng 10 hàng năm, từ các thung lũng, các triền núi chênh vênh tới những bản làng, những vạt hoa tam giác mạch bung nở những cánh hoa trắng li ti phơn phớt hồng chuyển tím. Tam giác mạch mỗi khi khoe sắc lại có một vẻ đẹp khiến du khách say mê, xao xuyến. Thông thường hoa sẽ nở rộ trong vòng một tháng, mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm.
Lễ hội hoa tam giác mạch được tổ chức giữa tháng 10 hàng năm ở tỉnh Hà Giang, trong đó Đồng Văn là huyện có nhiều địa điểm ngắm hoa tam giác mạch thu hút một lượng lớn khách du lịch như: Làng văn hóa Lũng Cẩm (Thung lũng Sủng Là - Đồng Văn, chân đèo Mã Pì Lèng, Cánh đồng dưới chân cột cờ Lũng Cú.
b. Lễ hội Cầu mưa của người Lô Lô
Lễ hội Cầu mưa của người Lô Lô mang tính tín ngưỡng phồn thực khá phổ biến của các cư dân nông nghiệp. Vào dịp tổ chức lễ hội, hầu như mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Đồng bào thành tâm cầu khấn với niềm tin sâu sắc trời sẽ ban cho những hạt mưa tưới đẫm các cánh đồng để no ấm, thịnh vượng luôn ngự trị trên các bản làng của người Lô Lô.
Nơi hành lễ là khu sân rộng giữa bản. Đồ tế lễ trong lễ Cầu mưa phải có rượu ngô - một loại đặc sản của người dân vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, chó, gà và một thanh kiếm (bằng sắt hoặc gỗ), một bát nước, 4 chén rượu, 4 ống hương bằng tre tượng trưng cho bốn phương trời. Một vật nữa không thể thiếu trong tất cả các cuộc tế lễ của đồng bào Lô Lô, đó là trống đồng - một báu vật linh thiêng của cha ông để lại. Đồ tế được bày trong một cái mẹt, sau đó thầy mo bắt đầu hành lễ.
Nghi lễ cúng kết thúc, chuyển sang phần hội, dân bản tập trung quây quần uống rượu, múa hát xung quanh bàn lễ. Những làn điệu dân ca độc đáo của người Lô Lô như Tế Phua, Tế La, Hồ La Tế, Ta Sì Phua…
c. Lễ hội Gầu Tào
Lễ hội Gầu Tào hay còn gọi là Lễ hội chơi núi mùa xuân, được bắt nguồn từ việc mong ước có con của mỗi gia đình người dân tộc Mông. Khi đạt được mong ước đó, người ta sẽ tổ chức hội Gầu Tào tạ ơn trời đất, thần linh… và mời bà con, dân bản cùng vui xuân. Lễ hội thường được tổ chức vào những ngày đầu năm mới của người Mông.
Trong một lễ hội, chỉ có một gia đình được chọn đại diện đứng ra thay mặt bà con dân bản thỉnh cầu trời đất, thần linh sông núi ban cho một năm mới với nhiều điều tốt lành. Sau phần lễ là phần hội được diễn ra với nhiều hoạt động thể thao dân tộc và trò chơi dân gian khác như: Đánh yến, múa khèn, hát đối đáp, hát ống, leo cột, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ…
Hội Gầu Tào nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật; cầu cho con cháu đông đàn. Hội có thể kéo dài 3 ngày nếu 1 năm tổ chức một lần hoặc 9 ngày nếu 3 năm tổ chức một lần. Đây là lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm và nó thể hiện rõ nhất những đặc trưng văn hoá Mông trong ngày Tết. Trong lễ hội này, sau phần lễ là hát giao duyên và các trò chơi yêu thích của người Mông cũng được tổ chức rất sôi động.
d. Lễ hội khèn Mông
Lễ hội diễn ra vào dịp tết ở trung tâm phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn đã thu hút đông đảo du khách đến từ mọi miền đất nước. Hàng trăm nghệ nhân tiêu biểu đến từ các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Đồng Văn có dịp tranh tài, trình diễn những bài khèn truyền thống đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu của đồng bào Mông. Cây khèn Mông là nhạc khí không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Mông, là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của dân tộc...
Việc tổ chức lễ hội khèn Mông thường niên không chỉ mang lại niềm vui cho đồng bào dân tộc Mông mà còn nhằm mục đích bảo tồn và duy trì một nét văn hóa độc đáo, có tính nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của người dân trên vùng cao núi đá Hà Giang.
e. Lễ hội cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo
Lễ hội cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo ở huyện Đồng Văn có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với nhiều thế hệ người Pu Péo, là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian gắn với đời sống triết lí đa thần của cư dân nông nghiệp như: thần suối, thần sông, thần núi, thần rừng... đã tạo ra sắc thái văn hóa riêng trong đời sống cộng đồng. Lễ hội không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên.
Với người Pu Péo lễ cúng thần rừng có một ý nghĩa rất đặc biệt, tín ngưỡng thờ giữ rừng cũng chính là thờ cúng tổ tiên. Những khu rừng được chọn làm rừng thiêng người dân phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt, không được chặt cây, đốt nương làm rẫy... Hàng năm cứ vào ngày 6/6 âm lịch được tổ chức lễ cúng thần rừng vì họ cho rằng ngày này là ngày sạch sẽ nhất, trời đất linh thiêng. Mục đích của lễ cúng thần rừng là cầu sự an lạc cho vạn vật, sự an lành cho con người, súc vật, cây cỏ. Lễ cúng thần rừng không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên. Từ yếu tố tâm linh đến cuộc sống sinh hoạt, đây là một hoạt động bảo vệ rừng có tính cộng đồng chặt chẽ và hiệu quả thiết thực ở vùng cao núi đá.
2.1.3.3. Các làng văn hóa du lịch
a. Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên thuộc xã Sủng Là nằm trên tuyến quốc lộ 4C, nối những thị trấn trên mảnh đất Hà Giang cách huyện lỵ Đồng Văn hơn 20km. Nơi đây là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá Đồng Văn. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chắc với mái đã phai màu thời gian. Người Mông ở
Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi rất cao, trồng ngô, lúa ở những vùng đất bằng phẳng ở thung lũng.
Mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất của mảnh đất này khi những hạt hoa nở khắp vùng cao nguyên đá. Và những con người mộc mạc với những nét văn hóa, phong tục sản xuất, sinh hoạt nơi đây cũng góp phần tô điểm cho Sủng Là trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của huyện Đồng Văn. Người Hà Giang còn gọi Sủng Là Là ốc đảo, bởi nơi đây vốn là thung lũng nằm gọn trong cao nguyên đá Đồng Văn.
Đến với làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, khách du lịch có những cảm nhận đặc biệt về vẻ đẹp nhân văn, những nét đặc sắc trong văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn được bảo tồn lưu giữ gần như nguyên vẹn ở nơi đây. Ngôi làng được hiện hữu giữa thung lung thơ mộng, với 61 hộ dân sống trong những ngôi nhà trình tường cổ, có những ngôi nhà được làm cách đây gần 100 năm. Cùng sinh sống, an cư ở đây, có 3 dân tộc đó là dân tộc Lô Lô, dân tộc Mông và dân tộc Hán. Trong đó dân tộc Mông chiếm 85% dân số trong làng và có nhiều nghệ nhân còn lưu giữ rất nhiều bài hát của dân tộc mình với những bài dân ca, dân vũ, nhạc cụ đặc trưng của dân tộc. Các làn điệu dân ca, dân vũ được truyền qua nhiều đời mang nhiều ý nghĩa nhân văn và tâm linh trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Những căn nhà mang đậm bản sắc của dân tộc Mông có vẻ cổ kính, với