Bảng 2.1 : Phân bố dân cư theo huyện ở Hòa Bình năm 2018
2.4. Đặc điểm thủy văn của tỉnh Hòa Bình
2.4.1. Hệ thống sông Đà
Sông Đà là nhánh lớn của sông Hồng, bắt nguồn từ núi Ngụy Sơn của tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, có cao độ đầu nguồn là 1.500m. Diện tích lưu
vực sông đến đầu mối thủy điện Hòa Bình là 51.700 km², chiếm 31% lưu vực sông Hồng, nhưng về tổng lượng nước thì lại chiếm 49% tổng lượng nước của sông Hồng. Độ rộng trung bình lưu vực là 76 km, nơi lưu vực có độ rộng lớn nhất là 165 km thuộc tỉnh Lai Châu. Độ cao trung bình của toàn lưu vực là 1.130 m. Tính riêng phần lãnh thổ Việt Nam, độ cao trung bình của lưu vực là 965 m. Sông có bề rộng trung bình là 427m.
Tổng lượng nước bình quân nhiều năm là 57,2 tỷ mét khối, trong đó tổng lượng nước lũ từ tháng 6 đến tháng 10 chiếm 73 – 78 %. Tổng lượng nước trong mùa kiệt từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau chỉ chiếm 22 – 27%. Môđun dòng chảy là 33,51 l/s/km².
Tại trạm Hòa Bình, mực nước sông Đà lên xuống phụ thuộc vào sự điều tiết của đập thủy điện Hòa Bình. Nguồn nước cung cấp cho sông Đà là một hệ thống các suối nằm trong lưu vực, nhất là khu vực phía tây dãy Hoàng Liên Sơn. Đặc điểm thủy văn của vùng lưu vực sông Đà có liên quan chặt chẽ đến sự phân hóa phức tạp của địa hình, khí hậu. Lượng mưa hàng năm ở khu vực này khá lớn và thay đổi theo mùa rõ rệt. Mùa lũ ở lưu vực sông Đà từ tháng 5 đến tháng 10, mực nước trên sông đạt mức cao nhất, lưu lượng dòng chảy lớn. Mùa kiệt từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với mực nước thấp, lưu lượng dòng chảy nhỏ và ổn định. Tuy nhiên, do sự tác động của con người (xây dựng hồ thủy điện Hòa Bình), đã làm cho chế độ dòng chảy của sông cả khu vực phía trên hồ và dưới hồ đều có những thay đổi đáng kể.
Lượng dòng chảy, mực nước của sông Đà hay vùng hồ chứa Hòa Bình bị ảnh hưởng từ lưu vực sông Đà. Những biến đổi về thời tiết, khí hậu và hệ sinh thái ở khu vực này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ thủy văn của sông. Do vậy, tốc độ dòng chảy trong phạm vi hồ chứa bị giảm.
Do diện tích rừng thượng nguồn bị giảm nghiêm trọng, mặt đệm bị thay đổi nghèo đi, nên khi có mưa lớn, lượng nước dâng rất nhanh ở các con suối và sông chính tạo ra lũ lớn, gây thiệt hại về người và của cho nhân dân.
2.4.2. Hệ thống sông Bôi
Sông Bôi là nhánh chính của sông Đáy, khởi nguồn từ xã Hùng Tiến, huyện Kim Bôi, nhập vào sông Đáy ở xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, với chiều dài trên 100 km (thuộc tỉnh Hòa Bình là 66 km), diện tích toàn bộ lưu vực là 664 km². Lưu vực sông Bôi phần lớn thuộc vào địa phận tỉnh Hòa Bình, trong đó phần diện tích nằm trong khu vực núi đá chiếm 77,9 km². Độ cao bình quân của lưu vực là 265 m, độ dốc bình quân của lưu vực là 20,5%, chiều rộng bình quân của lưu vực là 11,1 km, mật độ lưới sông trong lưu vực là 1,07 km/km², hệ số không đối xứng là 0,26, hệ số uốn khúc 1,41.
Đặc tính của sông Bôi là mực nước lên xuống rất nhanh, biên độ mực nước rất lớn, biện độ dao động trong năm có khi lên đến 10,42 m. Sông Bôi thường xuất hiện các đỉnh lũ cao, nhưng đến khi đổ vào sông Đáy thì ngược lại: đỉnh lũ giảm, thời gian lũ kéo dài. Lưu lượng bình quân nhiều năm của sông Bôi là 44,7 m³/s, tổng lượng bình quân nhiều năm là 1,43 tỷ mét khối. Môđun dòng chảy là 27,6 l/s/km². Những trận lũ lớn của sông Bôi và sông Tích thường lệch pha với lũ sông Hồng. Đây là một trong những lý do để người ta chọn sông Đáy để phân lũ sông Hồng khi cần thiết.
2.4.3. Hệ thống sông Bưởi
Sông Bưởi là thượng nguồn của sông Con, là một chi lưu của sông Mã. Sông Bưởi được hình thành từ 3 nhánh chính: nhánh suối Cái bắt nguồn từ xã Phú Cường huyện Tân Lạc; nhánh suối Bìn khởi nguồn từ địa giới giữa hai xã Trung Hòa và Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc; nhánh suối Yên Điềm do 2 nhánh nhỏ tạo nên là Cộng Hòa và Yên Điềm. Sông chảy theo hướng tây bắc – đông nam với chiều dài 130 km và nhập vào sông Mã ở phía bờ trái tại Vĩnh Lộc – Thanh Hóa (cách cửa sông Mã 48 km). Phần lớn lưu vực sông Bưởi chảy trong vùng đồng bằng hoặc thung lũng thấp, do đó độ cao bình quân lưu vực chỉ đạt 247 m. Độ dốc bình quân lưu vực tương đối nhỏ, chỉ đạt 12,2%.
Điểm nổi bật của địa hình sông Bưởi là sự tiếp giáp giữa địa hình đá vôi với địa hình núi phiến bạch. Diện tích lưu vực là 1.790 km², trong đó đá vôi
chiếm khoảng 20% diện tích lưu vực, còn lại là các đồi cát kết, đá phiến. Ở đồng bằng, sông chảy qua vùng phân bố của phù sa Đệ Tứ.
Lưu vực sông Bưởi gần biển, địa hình cao dần từ đông nam lên tây bắc, bão và gió mùa đông bắc ảnh hưởng nhiều đến lưu vực. Đây là một vùng mưa nhiều trong lưu vực sông Mã, lượng mưa bình quân trong lưu vực sông Bưởi đạt 1.900mm.
Trong điều kiện lượng mưa tương đối nhiều trên một nền nham thạch ít thấm nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy sản sinh, sông suối phát triển, nhưng mật độ sông suối trong vùng lại thưa, chủ yếu là do ảnh hưởng của đá vôi tạo ra. Mật độ sông suối trong toàn lưu vực là 0,5 km/km², riêng phần núi đất có mật độ lưới sông là 1 km/km². Địa phận tỉnh Hòa Bình có mật độ lưới sông là 0,84 km/km². Lượng dòng chảy của sông Bưởi cũng khá dồi dào, tổng lượng nước nhiều năm là 1,65 tỷ mét khối, ứng với lưu lượng bình quân là 52,5 m³/s và môđun dòng chảy là 27,71 l/s/km².
Mùa lũ trên sông Bưởi kéo dài 5 tháng, từ tháng 6 đến tháng 10. Lượng nước trong mùa lũ chiếm 80,4%, mùa kiệt chiếm 19,6%, lượng dòng chảy lớn nhất trong năm tập trung vào tháng 9 hoặc tháng 10, chiếm khoảng 27,9% lượng dòng chảy cả năm.
2.4.4. Hệ thống sông Bùi
Sông Bùi là chi lưu lớn của sông Tích, có chiều dài là 9 km, chiều dài lưu vực là 8 km, diện tích lưu vực là 33,1 km², chiều rộng bình quân lưu vực là 4,1 km, hệ số uốn khúc của sông là 1,13. Sông Bùi bắt nguồn từ dãy núi cao của Trường Sơn chảy qua Cao Răm, Tân Vinh, thị trấn Lương Sơn, Nhuận Trạch và chảy vào địa phận Chương Mỹ, Hà Nội. Lưu lượng kiệt hàng năm là 900l/s. Môđun dòng chảy là 20,4 l/s/km. Mực nước trung bình năm là 1987cm. Biên độ dao động mực nước trong năm là 123cm, có năm biên độ mực nước dao động đến 5m. Đây là con sông nhỏ, ngắn và dốc nên thường xảy ra lũ quét hàng năm.
Ngoài các con sông lớn trên, Hòa Bình còn có rất nhiều các sông nhỏ như: sông Cò, sông Lạng, sông Cầu Đường, sông Thanh Hà.