7. Kết cấu của luận văn
2.2. Pháp luật Việt Nam về thương mại hóa quyền Sở hữu trí tuệ
2.2.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về việc chủ sở hữu tự khai thác quyền
quyền Sở hữu trí tuệ của mình
- Quy định của pháp luật Việt Nam về việc chủ sở hữu tự khai thác quyền tác giả:
Đối với quyền tác giả, chủ sở hữu các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học có quyền khai thác quyền nhân thân gắn với quyền tài sản và quyền tài sản của mình. Các quy định pháp luật về quyền nhân thân gắn với quyền tài sản và quyền tài sản được quy định tại các văn bản pháp luật:
* Điều 738 BLDS 2005. * Luật SHTT:
(i) Khoản 3 Điều 19 Luật SHTT quy định về quyền nhân thân gắn với quyền tài sản: Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
(ii) Điều 20 Luật SHTT quy định về quyền tài sản.
* Nghị định 100/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLDS và Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan (sau đây gọi là Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
+ Quyền nhân thân gắn với quyền tài sản: Khoản 3 Điều 22. + Quyền tài sản: Điều 23.
Có thể nói có rất nhiều điểm tương đồng giữa pháp luật Việt Nam trong các quy định về quyền tác giả với các công ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên, các đối tượng của quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam là các “tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học”. Nhưng Công ước Berne và các công ước khác về quyền tác giả như Công ước WCT, Hiệp định TRIPS chỉ bảo hộ các “tác phẩm văn học và nghệ thuật”. Ngoài ra, so với quy định của Công ước Berne thì Luật SHTT Việt Nam có 1 điểm khác biệt trong quy định về “quyền nhân thân” đó là bên cạnh việc quy định các “quyền nhân thân không gắn với quyền tài sản” gồm: “Quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên cho tác phẩm; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, tiếng tăm của tác giả” thì còn quy định về “quyền nhân thân gắn với quyền tài sản” là:
“quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm”. Quyền nhân thân gắn với quyền tài sản này cùng với các quyền tài sản có thể thương mại hóa được.
Đối với quyền tài sản, có thể nhận thấy một sự tương đồng rất lớn giữa pháp luật Việt Nam và các quy định của công ước quốc tế về quyền tác giả, kể cả các công ước mà Việt Nam chưa là thành viên như Hiệp ước WCT:
Điều 20 Luật SHTT quy định về quyền tài sản bao gồm: + Làm tác phẩm phái sinh;
Quyền này tương ứng với các quy định của Công ước Berne về các quyền dịch, quyền phóng tác, cải biên, chuyển thể hoặc các dạng chuyển thể khác đối với tác phẩm.
+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
Công ước Berne cũng có các quy định về quyền biểu diễn đối với các tác phẩm kịch, nhạc kịch, tác phẩm âm nhạc.
+ Sao chép tác phẩm;
Công ước Berne đã dành Điều 8 để quy định về việc sao chép tác phẩm.
+ Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
Hiệp ước WCT quy định về quyền phân phối bản gốc, bản sao của tác phẩm văn học, nghệ thuật thông qua việc bán hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu. Song việc nhập khẩu bản gốc, bản sao của tác phẩm lại không được quy định tại bất cứ công ước quốc tế nào về quyền tác giả.
+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
Quyền này được Công ước Berne quy định trong các quyền phát thanh, truyền hình, quyền đọc và phát bản đọc các tác phẩm. Còn Điều 8 Hiệp ước WCT quy định trực tiếp về quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng bằng phương tiện hữu tuyến hoặc vô tuyến hoặc bằng những cách thức truyền đạt khác.
+ Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phầm điện ảnh, chương trình máy tính.
Hiệp ước WCT và Hiệp định TRIPS đều quy định quyền này của tác giả của tác phẩm điện ảnh và chương trình máy tính.
- Quy định của pháp luật Việt Nam về việc chủ sở hữu tự khai thác quyền liên quan:
+ Quyền của chủ sở hữu cuộc biểu diễn: Khoản 3 Điều 745 BLDS, Khoản 3 Điều 29 Luật SHTT; Điều 31 Nghị định 100/2006/NĐ-CP.
+ Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình: Điều 746 BLDS, Điều 30 Luật SHTT;
+ Quyền của tổ chức phát sóng: Điều 747 BLDS, Điều 31 Luật SHTT; + Quyền của chủ sở hữu đối với tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa (Điều 748 BLDS).
Đối với quyền liên quan, có một điểm khác biệt căn bản giữa các quy định của pháp luật Việt Nam và các văn bản pháp luật quốc tế là các công ước quốc tế đều chỉ bảo hộ quyền của chủ sở hữu “bản ghi âm”, chưa bảo hộ quyền của chủ sở hữu “bản ghi hình” nhưng pháp luật Việt Nam lại bảo hộ cả
“bản ghi âm” và “bản ghi hình”. Bên cạnh đó, về cơ bản pháp luật Việt Nam đều có sự tương đồng trong việc quy định các quyền của chủ sở hữu quyền liên quan với pháp luật quốc tế, kể cả các công ước quốc tế Việt Nam đã là thành viên như công ước Rome, Hiệp định TRIPS và công ước chưa là thành viên như hiệp ước WPPT.
- Quy định của pháp luật Việt Nam về việc chủ sở hữu tự khai thác quyền SHCN:
+ BLDS 2005: Điểm b Khoản 1 Điều 751. + Luật SHTT: Điều 123 đến Điều 125.
Các quy định của pháp luật Việt Nam về việc chủ sở hữu các đối tượng SHCN có quyền khai thác các quyền được thể hiện ra ở việc sử dụng các đối tượng SHCN đó. Việc khai thác các quyền đối với sáng chế, KDCN, thiết kế bố trí được thể hiện ở việc khai thác các quyền tài sản đối với các đối tượng này. Các quy định của pháp luật Việt Nam đã thống nhất với văn bản quốc tế là Hiệp định TRIPS trong việc quy định việc chủ sở hữu tự khai thác các quyền đối với các đối tượng SHCN là KDCN và thiết kế bố trí. Ngoài ra, các quy định của pháp luật Việt Nam còn quy định về việc sử dụng của chủ sở hữu đối với các đối tượng còn lại của SHCN là sáng chế, nhãn hiệu, BMKD, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại.
- Quy định của pháp luật Việt Nam về việc chủ sở hữu tự khai thác quyền đối với giống cây trồng:
+ BLDS 2005: Điểm b Khoản 1 Điều 751. + Luật SHTT: Điều 186, Điều 187.
Về cơ bản, đối với các quy định về quyền của chủ bằng bảo hộ đối với giống cây trồng theo pháp luật Việt Nam có những sự tương đồng với quy định của Công ước UPOV. Đó là các quyền của chủ văn bằng bảo hộ liên quan đến vật liệu nhân giống: “a) Sản xuất hoặc nhân giống; b) Chế biến nhằm mục đích nhân giống; c) Chào hàng; d) Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác; đ) Xuất khẩu; e) Nhập khẩu; g) Lưu giữ để thực hiện các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này”
(Khoản 1 Điều 186 Luật SHTT). Ngoài ra các quy định của Luật SHTT về quyền mở rộng của chủ văn bằng bảo hộ đối với các giống cây trồng và việc hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng cũng phù hợp với các quy định tại khoản 5 Điều 14 và Điều 15 của công ước UPOV.
Tuy nhiên, Công ước UPOV cũng quy định thêm các quyền của chủ sở hữu văn bằng bảo hộ giống cây trồng có các quyền quy định trên đối với liên
quan đến các sản phẩm được làm trực tiếp từ vật liệu thu hoạch của giống cây đã được bảo hộ (mà vật liệu thu hoạch này thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng đã được bảo hộ) bằng cách sử dụng bất hợp pháp các vật liệu thu hoạch nói trên phải được phép của nhà tạo giống, trừ trường hợp nhà tạo giống có cơ hội hợp lý để thực hiện quyền của mình liên quan đến các vật liệu thu hoạch nói trên (Khoản 3 Điều 14).
Điểm khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và Công ước UPOV là về ngoại lệ của việc hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ theo như quy định tại Khoản 2 Điều 190 Luật SHTT là Công ước UPOV bên cạnh việc quy định ngoại lệ này áp dụng với “vật liệu của giống cây trồng được bảo hộ” còn áp dụng với “giống cây trồng có nguồn gốc; giống cây trồng không có sự khác biệt rõ ràng; giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng được bảo hộ”.