7. Kết cấu của luận văn
3.1. Thực trạng thương mại hóa quyền Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
3.1.5. Thực trạng về góp vốn bằng quyền Sở hữu trí tuệ
Việc góp vốn bằng quyền SHTT diễn ra ở Việt Nam hiện nay chỉ tập trung vào việc góp vốn bằng nhãn hiệu. Đối với việc góp vốn bằng quyền SHCN đối với sáng chế được ghi nhận trong các quy định của pháp luật song việc góp vốn để thành lập doanh nghiệp, liên doanh, đầu tư được ghi nhận hoặc công bố là rất ít, nếu có thì chủ yếu là góp vốn liên doanh bằng quyền sở hữu công nghệ (có thể bao gồm cả sáng chế) của doanh nghiệp nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ như Công ty Nippon Sheet Glass của Nhật Bản đã góp vốn bằng quyền sở hữu “công nghệ kính nổi” để thành lập liên doanh với Công ty Kinh Đô của Việt Nam, giá trị công nghệ được xác định là 2.000.000 USD; hoặc Viện Nghiên cứu hóa chất Thượng Hải (Trung Quốc), Công ty phân bón Côn Minh (Trung Quốc) đã góp vốn bằng quyền sở hữu
“công nghệ sản xuất phân bón NPK bằng phương pháp tạo hạt bằng hơi nước” với giá là 63.410 USD để thành lập liên doanh là Công ty liên doanh Hữu Nghị với Tổng công ty Hàm Rồng (Việt Nam) [7; 63-64]. Ngoài ra, việc góp vốn bằng quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm khoa học (trong trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng tác phẩm khoa học thì chỉ có thể góp vốn bằng quyền sử dụng tác phẩm khoa học là bản viết của các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ); quyền SHCN đối với BMKD, KDCN; quyền đối với giống cây trồng chưa được thực hiện trên thực tế.
Một ví dụ tiêu biểu cho việc góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan”. Năm 1995, Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải đã liên doanh với Tập đoàn Colgate – Pamolive (Hoa Kỳ) thành lập nên Công ty Liên doanh Colgate – Pamolive Sơn Hải. Kể từ khi liên doanh được thành lập, quyền sử dụng nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” được chuyển nhượng cho liên doanh với giá 3 triệu USD. Như vậy, với liên doanh trên 10 triệu USD, công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải đã góp 30% vốn [58]. Do không có ý định phát triển nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” nên việc sản xuất loại kem đánh răng này giảm dần và cuối cùng nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” bị mất hẳn trên thị trường. Năm 1998, Công ty Sơn Hải đã nhượng lại phần vốn góp cho Colgate – Pamolive vì liên doanh không thực hiện được đúng mục tiêu ban đầu nên liên tục bị thua lỗ.
Với hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” để thành lập liên doanh, sau 3 năm nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” đã bị thay thế bằng nhãn hiệu kem đánh răng “Colgate” của Tập đoàn Colgate – Palmolive. Điều này có thể cho thấy rằng các doanh nghiệp nước ngoài thông qua hình thức góp vốn liên doanh không chỉ lấy được thị phần mà các nhãn hiệu của Việt Nam mất rất nhiều chi phí, công sức, thời gian… để
xây dựng mà còn có thể triệt tiêu chúng một cách khá dễ dàng. Do đó đây cũng lại là một bài học lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng nhãn hiệu.
Ngoài ra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu trong thời gian qua diễn ra khá phổ biến như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin đã góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu VINASHIN vào các công ty khác với tỷ lệ là 30% tổng số vốn điều lệ [64], các nhãn hiệu VINACONEX, CONTREXIM cũng được chủ sở hữu nhãn hiệu góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu của mình vào các công ty khác với tỷ lệ là 5% tổng số vốn điều lệ [50].
Việc định giá giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu khi góp vốn còn chưa được quy định rõ ràng đã dẫn tới việc giá trị của quyền sử dụng giữa các nhãn hiệu được định giá là khác nhau. Ngoài ra, việc giảm vốn điều lệ tương đương với giá trị nhãn hiệu đã được góp vốn vào công ty đang là bài toán nan giản với trường hợp công ty được thành lập chưa đủ 3 năm từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ví dụ như với việc “tái cấu trúc” lại của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin thì có rất nhiều các công ty ở Hải Phòng đã được Vinashin góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu VINASHIN đã đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để xin làm thủ tục bỏ tên VINASHIN trong tên gọi của công ty. Tuy nhiên, việc xóa vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu VINASHIN ra khỏi công ty là một việc làm không hề đơn giản.
Khoản 4 Điều 84 LDN quy định:
Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Sau 3 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, nếu số cổ phần được quyền phát hành quy định tại Khoản 4 Điều 84 của LDN không được bán hết, công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã được phát hành. Công ty không được tăng số cổ phần được quyền phát hành khi số cổ phần hiện có chưa được bán hết.
Theo quy định của hai điều luật trên thì không cho phép CTCP được quyền giảm số vốn điều lệ mà các cổ đông sáng lập đã đăng ký góp và chỉ được giảm số cổ phần còn chào bán nhưng sau 3 năm vẫn không bán được. Như vậy, đối với việc các doanh nghiệp nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu VINASHIN khi đủ 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu mới được quyền giảm vốn khi số cổ phần được quyền phát hành không được bán hết. Do đó việc bỏ nhãn hiệu VINASHIN ra khỏi tên công ty tương đương với việc xóa phần vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu này (30% tổng số vốn điều lệ) là rất khó đối với các doanh nghiệp thành lập chưa đủ 3 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.