Quy định của pháp luật Việt Nam về chuyển nhượng quyền sở hữu

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật Việt Nam về thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ (Trang 67 - 72)

7. Kết cấu của luận văn

2.2. Pháp luật Việt Nam về thương mại hóa quyền Sở hữu trí tuệ

2.2.2. Quy định của pháp luật Việt Nam về chuyển nhượng quyền sở hữu

2.2.2.1. Bộ luật dân sự 2005

+ Chuyển giao quyền tác giả (Điều 742);

+ Hợp đồng chuyển giao quyền tài sản thuộc quyền tác giả (Điều 743); + Chuyển giao quyền liên quan (Điều 749);

+ Chuyển giao quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng (Điều 753).

Theo quy định của BLDS thì đối với quyền tác giả thì chỉ có “quyền nhân thân gắn với quyền tài sản”“quyền tài sản” mới được chuyển giao. Đối với quyền liên quan thì “quyền tài sản” có thể được chuyển giao. Hợp đồng chuyển giao quyền tác giả và quyền liên quan phải được lập thành văn bản. Đối với quyền SHCN đối với sáng chế, KDCN, nhãn hiệu, thiết kế bố trí, BMKD và quyền đối với giống cây trồng đều có thể được chuyển giao toàn bộ hay một phần theo hợp đồng hoặc để thừa kế, kế thừa. Quyền đối với tên

thương mại chỉ được phép chuyển giao cùng với việc chuyển giao toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển giao. Hợp đồng chuyển giao quyền SHCN phát sinh trên cơ sở đăng ký thì chỉ khi nó được đăng ký thì mới có giá trị pháp lý đối với người thứ ba.

2.2.2.2. Luật Sở hữu trí tuệ

+ Chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan (Điều 45-46).

Chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu của mình đối với các quyền nhân thân gắn với quyền tài sản và quyền tài sản, chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu của mình đối với quyền tài sản cho các tổ chức cá nhân khác theo hợp đồng bằng văn bản hoặc các quy định pháp luật khác có liên quan. Chủ sở hữu quyền tác giả và chủ sở hữu quyền liên quan là những người đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính, thời gian… để tạo ra tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

+ Chuyển nhượng quyền SHCN (Điều 138-140).

Chuyển nhượng quyền SHCN là việc chủ sở hữu quyền SHCN chuyển giao quyền sở hữu của mình cho các tổ chức, cá nhân khác trên cơ sở một hợp đồng bằng văn bản. Chủ sở hữu quyền SHCN chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn

hiệu đó. Hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN đối với sáng chế, nhãn hiệu, thiết kế bố trí, KDCN chỉ có hiệu lực khi được đăng ký tại Cục SHTT.

Theo quy định của Công ước Paris thì quốc gia thành viên của Công ước có quyền lựa chọn ghi nhận việc chuyển nhượng nhãn hiệu có kèm theo việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc đồng thời doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu hay không. Tuân thủ theo đúng tinh thần của Công ước Paris thì Luật SHTT đã quy định việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu không kèm theo việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc đồng thời doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu đó.

2.2.2.3. Thông tư 01/2007/TT-BKHCN

Trong mục 1 chương 2 đã quy định về thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền SHCN trong đó có quy định về thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN (từ Điều 47 đến Điều 49).

Theo đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN phải gồm các tài liệu:

- 02 bản tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN theo mẫu;

- 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao hợp lệ); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

- Bản gốc văn bằng bảo hộ;

- Văn bản đồng ý của các đồng sở hữu về việc chuyển nhượng quyền SHCN nếu quyền SHCN tương ứng thuộc sở hữu chung;

- Giấy ủy quyền (nếu hồ sơ nộp thông qua đại diện); - Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Khoản 1 Điều 48 của Thông tư ghi nhận trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN không có thiếu sót gì, Cục SHTT sẽ:

- Ra quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN;

- Ghi nhận vào văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới; trong trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ thì cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới cho bên nhận và xác định giới hạn danh mục hàng hóa, dịch vụ trong văn bằng bảo hộ gốc đối với phần chuyển nhượng đó;

- Ghi nhận việc chuyển nhượng quyền SHCN vào Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền SHCN.

Công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN trên Công báo SHCN trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Với việc ghi nhận về việc “cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới cho bên nhận và xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ trong văn bằng bảo hộ gốc đối với việc chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ” theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 48 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN đã cho thấy pháp luật Việt Nam đã ghi nhận việc “chuyển nhượng một phần nhãn hiệu” đối với các nhãn hiệu được đăng ký cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ tương tự nhau. Vì vậy việc chủ sở hữu nhãn hiệu có thể chuyển nhượng nhãn hiệu cho một hoặc một số nhóm hàng hóa, dịch vụ (không phải tất cả toàn bộ nhóm hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký) cho bên nhận chuyển nhượng. So sánh với các quy định của pháp luật quốc tế về chuyển nhượng nhãn hiệu thì việc chuyển nhượng một phần nhãn hiệu là hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Paris. Việc chuyển nhượng nhãn hiệu theo như quy định của pháp luật Việt Nam không cần phải gắn liền với việc chuyển giao toàn bộ hoặc đồng thời doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu đó cũng phù hợp với quy định lựa chọn tại Điều 6 quarter của Công ước Paris.

+ Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng (Điều 194).

Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ - chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng chỉ trở thành chủ bằng bảo hộ khi hợp đồng chuyển nhượng giống cây trồng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục luật định. Hợp đồng chuyển nhượng phải được lập dưới hình thức bằng văn bản. Việc chuyển nhượng giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Luật CGCN.

2.2.2.4. Luật chuyển giao công nghệ 2006

Khoản 8 Điều 3 Luật CGCN quy định: “CGCN là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền CGCN sang bên nhận công nghệ”.

Điều 7 Luật CGCN quy định đối tượng công nghệ được chuyển giao đó là:

(i) Bí quyết kỹ thuật;

(ii) Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu;

(iii) Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.

Trong quy định về đối tượng công nghệ được chuyển giao thì các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ của quyền SHTT cũng được coi là đối tượng công nghệ được chuyển giao đó là: quyền tác giả, sáng chế, thiết kế bố trí, KDCN, BMKD và quyền đối với giống cây trồng do đó Luật CGCN quy định về hoạt động CGCN có một phần quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu và chuyển quyền sử dụng đối với các đối tượng trên.

2.2.2.5. Nghị định 88/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng

(sau đây gọi là Nghị định 88/2010/NĐ-CP).

Hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng phải đảm bảo được các nội dung theo quy định của pháp luật. Bên chuyển nhượng phải nộp hồ sơ đăng ký chuyển nhượng giống cây trồng tại cơ quan bảo hộ giống cây trồng và lệ phí theo quy định. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp lệ, không có sai sót gì thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng ghi nhận chủ sở hữu mới là bên nhận chuyển nhượng và ghi nhận việc chuyển nhượng quyền chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển bằng ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật CGCN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật CGCN.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật Việt Nam về thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)