Khách thể của tội phạm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tội giết con mới đẻ trong luật hình sự việt nam (Trang 38 - 41)

Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỘI GIẾT CON MỚI ĐẺ

2.1. Các dấu hiệu pháp lý của tội giết con mới đẻ

2.1.1. Khách thể của tội phạm

2.1.1.1. Khách thể của tội phạm

“Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ bị tội phạm xâm hại” [8, tr.155].

Về lý luận, khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại nhưng không phải mọi quan hệ xã hội bị xâm hại đều là khách thể của tội phạm, mà chỉ những quan hệ nào được Nhà nước xác định cần được bảo vệ bằng những quy định pháp luật hình sự mới được xem là khách thể của tội phạm khi chúng bị gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại ở nhiều mức độ. Luật hình sự Việt Nam trên cơ sở thừa nhận tính giai cấp của pháp luật nói chung cũng như của Luật hình sự nói riêng khẳng định: Khách thể bị tội phạm gây thiệt hại là hệ thống những quan hệ xã hội của chế độ xã hội có giai cấp được luật hình sự của chế độ đó bảo vệ. Quan điểm này đã được khẳng định trong BLHS 1999 tại Điều 1–Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự và Điều 8–Khái niệm tội phạm [41, tr.85].

Khoa học Luật hình sự Việt Nam phân biệt ba loại khách thể của tội phạm là khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Cả ba khách thể đều là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại nhưng ở mức độ khác nhau. Trong đó, khách thể trực tiếp của tội phạm là quan hệ xã hội cụ thể bị loại tội phạm cụ thể trực tiếp xâm hại và có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng pháp luật cũng như trong thực tiễn xét xử. Khách thể trực tiếp của tội phạm trước hết phải là những quan hệ xã hội bị tội phạm cụ thể trực tiếp gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Chính qua sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại này mà tội phạm xâm hại đến khách thể loại và khách thể chung.

Tội giết người nói chung, giết con mới đẻ nói riêng trực tiếp xâm phạm đến quyền sống của con người – quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng. Trong số các quyền nhân thân, quyền sống của con người là một trong những quyền cơ bản, tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất. Quyền sống được đảm bảo bằng sự an toàn trong cuộc sống của mỗi người, cuộc sống được tính bằng thời điểm lọt lòng mẹ cất tiếng khóc chào đời, có khả năng độc lập tiếp nhận những yếu tố vật chất (ôxy, các loại thức ăn...) cho đến khi chết theo quy luật tự nhiên. Đây là quyền cơ bản, quan trọng nhất của công dân được pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật thế giới thừa nhận và bảo vệ [20, tr.194].

Cụ thể, tại Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định:

Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật [28, Điều 19]; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm [28, Điều 20, Khoản 1]. Các công ước về nhân quyền, đặc biệt về quyền trẻ em, các Điều ước

quốc tế được ký kết giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ cũng luôn đặt vấn đề tôn trọng quyền sống của con người lên hàng đầu. Pháp luật hình sự bảo hộ người đang sống, con người mà có khả năng độc lập tiếp nhận yếu tố đảm bảo cuộc sống cho dù tình trạng sống hay khả năng tiếp nhận yếu tố đảm bảo cuộc sống là tối thiểu [20, tr.194].

2.1.1.2. Đối tượng tác động của tội phạm

Đối tượng tác động là một bộ phận của khách thể bị hành vi phạm tội tác động đến, để gây thiệt hại cho khách thể. Đối tượng tác động của tội phạm là con mới đẻ - đối tượng đặc biệt, nên vấn đề xác định thế nào là con mới đẻ là hết sức quan trọng trong việc định tội danh. Qua tìm hiểu Luật hình sự của Việt nam và của một số nước trên thế giới thì có thể nhận thấy không chỉ Việt Nam mà một số nước như Thụy Điển, Liên bang Nga, Canada cũng có quy định về tội giết con mới đẻ. Tuy nhiên việc xác định đối tượng của tội phạm có sự khác nhau.

Bộ luật hình sự Liên bang Nga quy định: “Người mẹ giết con mới đẻ trong hoặc ngay sau khi sinh… thì bị phạt tù đến 5 năm” [40, Điều 106]. Còn theo quy định tại Điều 3 chương 4 của bộ luật hình sự Thụy Điển thì: “Người mẹ nào giết con mới đẻ hoặc vào thời điểm sinh con…” [38, Điều 3]. Như vậy theo Luật hình sự Liên bang Nga và luật hình sự Thụy Điển thì con mới đẻ bao gồm những đứa trẻ đang trong quá trình sinh nở và sau khi sinh là đối tượng tác động của tội phạm này. Trong BLHS Việt Nam năm 1999 không nêu rõ thế nào là con mới đẻ, tuy nhiên theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Phần II Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì con mới đẻ được xác định là đứa trẻ được xác định là “đứa trẻ được sinh ra trong vòng bảy ngày trở lại” [19]. Như vậy thực tiễn xét xử công nhận đối tượng tác động của tội giết con mới đẻ theo Luật hình sự Việt Nam, là đứa trẻ phải còn sống và tính từ khi sinh ra đến khi bị xâm hại

chỉ trong khoảng thời gian bảy ngày. Kể từ ngày thứ tám trở đi, đứa trẻ đó sẽ không được coi là con mới đẻ và đương nhiên sẽ là đối tượng của một tội khác, như Tội giết người (Điều 93), Tội vô ý làm chết người (Điều 98)….

Ví dụ: Vụ án Lý Văn Sáng ở Lai Châu. Sáng cùng vợ là Nông Thị Tòng đã sinh 7 người con nhưng đều là con gái, khi mang thai đứa thứ 8, vợ chồng Sáng đã thuê thầy mo về cúng ma và làm lễ cầu xin sinh một con trai. Đến khi chị Tòng sinh đứa thứ 8 thì vẫn là con gái, vì vậy vợ chồng Sáng nuôi cháu nhỏ được 01 thì một hôm vợ chồng Sáng bàn nhau bóp chết đứa trẻ và lại sinh đứa khác hy vọng kiếm được được con trai để duy trì nòi giống [21, tr.22]. Khi giải quyết vụ án này đã có ý kiến cho rằng, Tòng phạm tội giết con mới đẻ vì trong Bộ luật hình sự không quy định con mới đẻ là đẻ được bao nhiêu lâu. Nhưng theo quy định tại Nghị quyết số 04 ngày 29/11/1986 chỉ coi là hành vi giết con mới đẻ khi nạn nhân bị chết trong phạm vi 7 ngày tuổi, tức là từ khi sinh ra cho đến khi bị giết. Như vậy trong trường hợp này mặc dù chị Tòng là người mẹ trực tiếp sinh ra nạn nhân nhưng cháu nhỏ đã ngoài 7 ngày tuổi vì vậy vợ chồng chi Tòng phải chịu trách nhiệm về tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.

Như vậy theo quy định tại Điều 94, cũng như Nghị quyết hướng dẫn số 04 của HĐTP thì khách thể của tội giết con mới đẻ là quyền sống của con người. Trong đó, đối tượng tác động của tội phạm là đứa trẻ được sinh ra trong vòng bảy ngày trở lại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tội giết con mới đẻ trong luật hình sự việt nam (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)