Hình phạt đối với tội giết con mới đẻ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tội giết con mới đẻ trong luật hình sự việt nam (Trang 57 - 60)

Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỘI GIẾT CON MỚI ĐẺ

2.2. Hình phạt đối với tội giết con mới đẻ

Hệ thống pháp luật của một quốc gia được cấu thành bởi các ngành luật khác nhau. Mỗi một ngành luật có các biện pháp xử lý, văn bản pháp luật đặc thù và những tiêu chí cụ thể đặc trưng. Gắn liền với ngành luật hình sự là biện pháp TNHS và chế tài cụ thể để thực hiện TNHS là hình phạt.

Tội phạm và hình phạt là những chế định quan trọng nhất của luật hình sự, có quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Khi nói đến luật hình sự, dù đề cập đến nội dung cụ thể nào thì tập trung lại cũng nhằm đi đến vấn đề tội phạm và hình phạt. Hình phạt là hậu quả pháp lý của tội phạm. Trong tất cả các biện pháp đấu tranh phòng và chống tội phạm thì hình phạt là một biện pháp cưỡng

chế của Nhà nước có tính chất đặc biệt. Khái niệm hình phạt là một vấn đề cơ bản trong khoa luật hình sự từ lâu [8, tr.315]. Ở nước ta cũng không ngoại lệ, tuy nhiên chỉ đến khi Bộ luật hình sự năm 1999 ra đời thì khái niệm hình phạt

mới lần đầu tiên được ghi nhận trong văn bản có giá trị pháp lý cao ở nước ta. Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật hình sự 1999: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và do Tòa án quyết định” [27, Điều 26]. Hình phạt được đặt ra không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Đối với tội giết con mới đẻ, trường hợp giết người ở đây được coi là trường hợp có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt vì hành vi giết người là do hoàn cảnh đặc biệt đưa lại và hơn nữa người phạm tội đã thực hiện trong tình trạng tâm sinh lý không bình thường, khả năng nhận thức và kiềm chế đều bị hạn chế. Do vậy, hình phạt được quy định cho tội này chỉ có một khung ở mức nhẹ là cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao hành vi giết con mới đẻ cũng là tội phạm xâm phạm đến khách thể quan trọng được luật hình sự bảo vệ là quyền sống của con người, đặc biệt đối tượng bị xâm hại là những đứa trẻ non nớt, không có khả năng tự vệ, gây nên dư luận xấu về giá trị đạo đức và nhân văn,không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, lại được áp dụng hình phạt nhẹ hơn nhiều so với hành vi giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999.

Như chúng ta đã biết người phạm tội trong trường hợp này là người mẹ trực tiếp sinh ra nạn nhân với tình mẫu tử, họ là người đầu tiên mất mát, tổn

thất về tinh thần, tình cảm với đứa con mình đứt ruột đẻ ra, họ phải giết con mình do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, do tàn dư của xã hội cũ, những tệ nạn, hủ tục của xã hội hay những hoàn cảnh khách quan đặc biệt đưa người phụ nữ vào sự bế tắc… họ vừa là thủ phạm, nhưng ở góc độ nhất định thì họ cũng chính là nạn nhân của những tư tưởng lạc hậu, hoàn cảnh éo le trong cuộc sống. Bên cạnh đó, người phụ nữ khi mang thai và sinh nở có nhiều diễn biến phức tạp về tâm sinh lý và thể chất, sự kiềm chế hành vi cũng như nhận thức bị hạn chế. Chính vì vậy, xuất phát từ bản chất nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, Luật hình sự quy định áp dụng hình phạt nhẹ hơn đối với người phạm tội và quy định những điều kiện chặt chẽ khi xử lý hình sự về tội này [20, tr.201-204].

Điều 94, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt từ từ 3 tháng đến 2 năm. So với Khoản 4, Điều 101, Bộ luật hình sự năm 1985 với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc tù có thời hạn từ ba tháng đến 2 năm thì Bộ luật hình sự năm 1999 đã tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Sự thay đổi này không thể hiện sự giảm sút tính nhân đạo của pháp luật, bởi tuy người phạm tội có nhận đươc sự khoan hồng của pháp luật, song cũng không thể quy định hình phạt quá thấp dẫn tới thái độ coi thường pháp luật, có những hành vi trái với luân thường đạo lý. Bởi giết trẻ em, nhất là giết con mới đẻ hiện nay đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, nên quy định của pháp luật như thế là hoàn toàn phù hợp.

Vì những yếu tố hết sức đặc biệt của tội giết con mới đẻ nên thông thường đối với những người phạm tội có nơi ở, nơi làm việc ổn định hoặc nơi thường trú rõ ràng khi xét thấy không cần cách li người phạm tội khỏi xã hội thì có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ theo Điều 13 Bộ luật hình sự năm 1999. Người phạm tội có thể bị áp dụng khung hình phạt tù có thời hạn

và có thể được hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự 1999. Ví dụ: Trường hợp phạm tội của Y Đúa, dân tộc Xu Đăng, trú tại xã Đắk Hà góa chồng nhưng lại có con ngoài giá thú, sợ bị làng phạt ạ nên ngay khi sinh con ra đã dùng tay bóp chết đứa trẻ. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Đắk Tô, Kon Tum nhận định Y Đúa do trình độ hạn chế, không biết chữ, phạm tội trong tình trạng túng quẫn, thành khẩn khai báo nên đã tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo [46].

Như vậy ta có thế thấy, hình phạt giành cho tội giết con mới đẻ chỉ có một khung hình phạt khá nhẹ từ cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm [27, Điều 94]. Xuất phát từ bản chất nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa nên với trường hợp này hình phạt đối với người phạm tội là khá nhẹ, nhưng song song với đó là những điều kiện chặt chẽ khi xử lý đúng người đúng tội. Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, mức hình phạt này là quá nhẹ, không đủ sức răn đe dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và giết. Cho rằng các nhà làm luật cần tăng nặng hình phạt đối với tội này. Nội dung này chúng ta đi làm rõ trong chương sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tội giết con mới đẻ trong luật hình sự việt nam (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)