Những kết quả đã đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở việt nam hiện nay (Trang 73 - 79)

2.3. Đánh giá về thực trạng thực hiện trách nhiệm của Nhànước trong

2.3.1. Những kết quả đã đạt được

- Thứ nhất, Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là một hoạt động mang tính xã hội. Vì vậy cũng như ở nhiều quốc gia khác, Nhà nước Việt Nam đảm bảo cho mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam được tự do hoạt động, nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nói cách khác, hệ thống pháp luật là công cụ pháp lý quan trọng để Nhà nước thực hiện trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Đây là điều hoàn toàn tự nhiên và cần thiết, nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa của mỗi con người và sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

Nhà nước thực hiện trách nhiệm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trước hết ở việc thông qua việc tạo ra các khung pháp lý, để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình, để các tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động tôn giáo của mình. Quá trình Nhà nước thực hiện trách

nhiệm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không có nghĩa là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà chính là sự tôn trọng và bảo đảm bằng pháp luật cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đó là một điều hoàn toàn hợp lý cả về mặt tự nhiên và về phương diện đạo đức, phương diện pháp lý không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nước trên thế giới.

Trong những năm qua, pháp luật về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam không ngừng được Nhà nước hoàn thiện. Những văn bản quy phạm pháp luật có điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo không những tăng nhanh về số lượng, mà còn phong phú và đa dạng về hình thức. Nhà nước đã ban hành Hiến pháp và các bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị. Nội dung các văn bản luôn được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn qua từng thời kỳ. Hành lang pháp lý cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo giúp các cấp, các ngành có cơ sở để quản lý, thực hiện nghiêm túc, cơ bản đảm bảo và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, hạn chế các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật.

Trong đó, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 là một trong những cải cách pháp lý quan trọng, nhằm cụ thể hóa đầy đủ nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về một trong những quyền con người cơ bản là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó có việc cụ thể hóa các giới hạn của quyền tín ngưỡng, tôn giáo và nâng cao trách nhiệm bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 giúp cho hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được hoàn thiện hơn. Đồng thời, đã cụ thể hóa một cách hữu hiệu, tích cực đường lối, chủ trương của Đảng về công tác tôn giáo trong thời kỳ mới, toát lên tinh thần dân chủ đối với hoạt động tôn giáo, đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính trong quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế

điều chỉnh về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đặc biệt là những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết hoặc gia nhập. Bên cạnh đó, Luật này thể hiện tinh thần cởi mở, thông thoáng của Nhà nước trong cách ứng xử với các tôn giáo. Đó là minh chứng sống động, thuyết phục, phản bác các quan điểm sai trái vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Xác định rõ tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài và là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân, đồng thời nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức, văn hóa của tôn giáo; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo về văn hóa - xã hội, chính trị.

- Thứ hai, Nhà nước đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống thực tiễn ở Việt Nam.

Trên thực tế, những năm qua, Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo được diễn ra thuận lợi. Các tôn giáo được tự do hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Nhà nước luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, bảo đảm bình đẳng giữa các công dân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng trong thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Tín đồ các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận được tự do sinh hoạt tín ngưỡng tại gia đình và các cơ sở thờ tự hợp pháp. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, khi vi phạm luật pháp của Nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Sự hình thành và phát triển các tổ chức và tín đồ tôn giáo là sự thể hiện rõ nét cho thấy Việt Nam bảo đảm tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền

bình đẳng giữa các tôn giáo. Trước khi Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 được ban hành, cả nước có 15 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thuộc 06 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo và Hồi giáo. Đến tháng 12/2019, đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Trong 02 năm (2018 - 2019) thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có thêm 03 tổ chức tôn giáo được cấp phép hoạt động, là Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam và Hội thánh Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam.

Được sự tạo điều kiện của Nhà nước, các tôn giáo không chỉ phát triển về mặt tổ chức mà còn phát triển về số lượng tín đồ. Trước năm 2004, cả nước có khoảng 17,4 triệu tín đồ tôn giáo trên hơn 80 triệu dân, chiếm 21,8% dân số; đến tháng 12/2019, đã có 24,3 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, cùng 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Hiện nay, cả nước có khoảng 95% dân số có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo và hằng năm có gần 08 ngàn lễ hội được tổ chức [3].

Việc đa dạng các hoạt động tôn giáo là minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm. Quy mô và hoạt động tôn giáo ngày càng tăng và diễn ra sôi động. Đời sống tâm linh của người dân luôn được chính quyền quan tâm. Bên cạnh các sinh hoạt thường nhật, các ngày lễ trọng đại, lễ hội truyền thống của tôn giáo được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia.

Cùng với đó, Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo thường xuyên duy trì tốt các hoạt động như đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, phong chức, phong phẩm và bổ nhiệm chức sắc, chức việc nhà tu hành tôn giáo. Từ năm 2015 đến 2019, Việt Nam đã thành lập mới 05 cơ sở đào tạo tôn giáo: Học viện Công giáo, Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu, Học viện

Truyền giáo Cao Đài, Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo, Trường Thánh kinh Thần học Cơ đốc.

- Thứ ba, mối quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo, trực tiếp là các tổ chức tôn giáo (giáo hội, hội thánh, ban trị sự, hội đồng giáo xứ…) được cải thiện căn bản theo hướng pháp quyền.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước luôn chủ động giải quyết những mâu thuẫn giữa Nhà nước với tôn giáo bằng pháp luật, qua phối hợp với các tổ chức chính trị để vận động các tín đồ, chưc sắc, tu sĩ tôn giáo thực hiện theo pháp luật; tạo dư luận xã hội, buộc chức năng tự điều chỉnh và điều khiển của các tôn giáo phát huy nhằm thích ứng với các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của Việt Nam, hướng các tôn giáo chủ động, tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Các sinh hoạt tôn giáo chính đáng của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận đều được các cấp, các ngành quan tâm, kịp thời giải quyết, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, chức sắc, tu sĩ, quần chúng tín đồ; mối quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền các cấp gắn bó hơn, tạo đồng thuận xã hội.Đại đa số các chức sắc, tín đồ các tôn giáo luôn sống tốt đời đẹp đạo, tích cực thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như trong các mối quan hệ giữa giáo hội với chính quyền.

Do có mối quan hệ tốt giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo nên đa số các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tu sĩ, tín đồ hoạt động đúng pháp luật của Nhà nước, đúng hiến chương, điều lệ của giáo hội và luôn được các cấp chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ. Phần lớn các tôn giáo ở nước ta hiện nay đều thể hiện đường hướng đồng hành với dân tộc qua các khẩu hiệu khác nhau, như: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” (Công giáo); “Phụng sự Thiên chúa, phụng sự Tổ quốc” (Tin Lành); “Đạo Pháp, dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội” (Phật giáo); “Nước vinh - Đạo sáng” (Cao Đài và Phật giáo

Hòa Hảo). Nhận thức về vấn đề tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn.

- Thứ tư, quá trình Nhà nước thực hiện trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần quan trọng trong việc củng cố sự đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân tộc trong phát triển kinh

tế và giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Nhà nước đã thực hiện trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo kết hợp với công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo theo hướng ngày càng được củng cố, hoàn thiện, góp phần quan trọng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đoàn kết đồng bào trong các tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau, giữa đồng bào có đạo và không có đạo trong khối đại đoàn kết dân tộc. Đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia.

Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện, ổn định sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước; đóng góp tích cực trong ổn định chính trị xã hội; thủ tục hành chính nhanh gọn, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống trục văn bản điện tử quốc gia và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tổ chức, cá nhân tôn giáo và người dân hài lòng. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đã kịp thời phát hiện chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn tâm linh, hoạt động tôn giáo trái pháp luật; công tác đối ngoại tôn giáo đảm bảo nguyên tắc, chủ động đấu tranh, phản bác luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Các tôn giáo ở hầu hết các địa phương đều phối hợp với chính quyền chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tích cực vận động quần chúng, tín đồ tham gia các phong trào

yêu nước, các hoạt động xã hội do chính quyền, mặt trận và các đoàn thể phát động; phối hợp tốt với chính quyền trong giải quyết các vụ việc vi phạm, phức tạp liên quan đến tôn giáo; qua đó, góp phần củng cố vững chắc hơn khối đại đoàn kết, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn.

Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực, sự phấn khởi cho đồng bào các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở việt nam hiện nay (Trang 73 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)