Giáo dục ý thức pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước: Trong chiều dài lịch sử nhân loại, chỉ có nhà nước nào tổ chức được quần chúng nhân dân theo một ý chí mới tạo ra được những sự nghiệp lớn lao. Một trong những giải pháp quan trọng để tổ chức tốt lực lượng quần chúng nhân dân là phổ biến, giáo dục cho họ hiểu đúng và làm theo pháp luật. Nhà nước, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là đưa pháp luật vào cuộc sống.
Pháp luật được coi là phương tiện quan trọng nhất để nhà nước quản lý xã hội. Giáo dục ý thức pháp luật nhằm trang bị cho mọi công dân tri thức pháp lý, tình cảm pháp luật và hành vi hợp pháp - đó chính là tiền đề cho việc sử dụng quyền lực nhà nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ, mở rộng quyền tự do của mỗi người. Chính vì vậy, giáo dục ý thức pháp luật có vai trò trực tiếp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Thông qua hoạt động sẽ tạo ra khả năng hình thành các điều kiện và nhân tố thuận lợi cho quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Giáo dục ý thức pháp luật sẽ làm xuất hiện và củng cố phẩm chất tích cực của ý thức và hành vi pháp lý, đồng thời cũng tạo ra khả năng không tiếp nhận những hiện tượng tiêu cực, chống đối pháp luật diễn ra trong quá trình quản lý. Công tác giáo dục ý thức pháp luật đạt hiệu quả cao còn có vai trò quan trọng tạo ra khả năng đổi mới các mối quan hệ xã hội trong môi trường quản lý nhà nước, quản lý xã hội; tạo ra khả năng phát triển và kiên quyết loại trừ những hiện tượng tiêu cực, chống đối pháp luật diễn ra trong quá trình quản lý. Như vậy, công tác giáo dục ý thức pháp luật sẽ đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước.
Giáo dục ý thức pháp luật góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện pháp luật: Một trong những thách thức khó khăn nhất đối với các nhà nước là làm thế nào để cung cấp thông tin cho người dân về các luật và các khái niệm pháp luật ngày càng trở nên phức tạp và gia tăng về số lượng. Các chính phủ có thể thông qua các luật và quy định, song các luật này sẽ phát huy rất ít tác dụng nếu những đối tượng phải tuân thủ và thực hiện các luật này không hề biết về sự tồn tại của các văn bản đó. Và ngay cả khi người dân có biết được về sự tồn tại đó đi chăng nữa thì điều kiện đảm bảo để người dân tự giác chấp hành và thực hiện đúng pháp luật cần phải giải quyết: đó là làm sao để người dân cảm thấy tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật, rằng luật được ban hành vì lợi ích của người dân và nhà nước, rằng nhà nước được tin cậy khi được giao phó nhiệm vụ xây dựng và thực thi luật pháp một cách công bằng, hiệu quả và đúng đắn. Vì vậy, có thể nói hoạt động giáo dục ý thức pháp luật có tầm quan trọng không kém gì so với hoạt động xây dựng pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trên thế giới, tại các nước phát triển, do có điều kiện hệ thống pháp luật tương đối ổn định, hệ thống các văn phòng luật sư, trung tâm trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật mang tính chất chuyên nghiệp…người dân có xu hướng tự tìm đến các dịch vụ pháp lý và tự tìm hiểu về pháp luật. Người dân khi có nhu cầu về pháp lý có thể liên hệ với đội ngũ luật sư để tư vấn và trợ giúp pháp lý; đồng thời người dân có thể tự tìm hiểu về các lĩnh vực pháp luật khi có nhu cầu thông qua mạng Internet được thiết kế rất thuận lợi cho việc tra cứu; người dân cũng đã có ý thức rất cao trong việc tự trang bị kiến thức pháp luật cũng như tự giác chấp hành pháp luật. Còn tại các nước đang phát triển như Việt Nam, do điều kiện kinh tế; hoàn cảnh lịch sử mang lại; hệ thống các văn phòng luật sư, trung tâm trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật… chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như ý thức tự tìm hiểu, tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận dân chúng còn chưa cao; Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể có xu hướng chủ động hỗ trợ, cung cấp thông tin về pháp luật cho người dân. Chính vì vậy, hoạt động giáo dục ý thức pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.
Giáo dục ý thức pháp luật góp phần nâng cao tính tích cực tham gia quan hệ xã hội của chủ thể pháp luật từ đó nâng cao ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý của nhân dân: Thực tiễn đã chứng tỏ rằng, để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện tự giác và nghiêm chỉnh thì không chỉ bằng cưỡng chế mà còn cần phải thông qua tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục. Công tác giáo dục ý thức pháp luật luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống. Giáo dục ý thức pháp luật góp phần hình thành, nâng cao hệ thống tri thức pháp luật cho công dân, hình thành lòng tin pháp luật, động cơ và hành vi pháp luật tích cực như: thói quen tuân thủ những quy định của pháp luật; thói quen thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý, sử dụng những quyền và nghĩa vụ pháp lý đó trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, của người khác và của toàn xã hội, biết vận dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.
Ngày nay, trong những điều kiện của xã hội hiện đại, với sự phức tạp ngày càng tăng của các mối quan hệ xã hội, bên cạnh các biện pháp củng cố hiệu lực của bộ máy luật pháp, vấn đề giáo dục ý thức pháp luật và ý thức công dân bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu đối với mỗi quốc gia. Xã hội càng hiện đại, con người càng cần phải nắm vững những kiến thức chủ đạo quy định những mối quan hệ giữa họ với nhau, giữ được sự cân bằng và hợp lý giữa cá nhân và động đồng, giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Nói cách khác, xã hội càng văn minh, con người càng phải học hỏi và nắm vững được những cách thức đúng đắn nhất để sống với nhau một cách nhân ái. Có thể nói, kiến thức về luật pháp là cơ sở cần thiết và căn bản để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, nó giúp cho mỗi cá nhân tìm thấy sự tự do và tự giác trong hoạt động của mình bên cạnh những người khác. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng sự nhận thức pháp luật là phương thức đúng đắn để tìm thấy tự do trong hành động.
Giáo dục ý thức pháp luật trang bị cho đối tượng tri thức pháp lý, giúp hình thành tâm lý pháp luật của các chủ thể thể hiện dưới dạng tâm trạng, xúc cảm, thái độ, tình cảm đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý khác. Giáo dục pháp luật cũng nhằm đạt tới xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật. Giáo dục pháp luật đạt hiệu quả sẽ tạo ra trong mỗi con người tình cảm đối với pháp luật trên cơ sở sự hiểu biết đầy đủ về pháp luật, họ có thể nhận thức được vai trò và giá trị của pháp luật, từ đó khiến họ chấp hành pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh. Công tác giáo dục pháp luật nếu được thực hiện một cách có tổ chức, định hướng và đạt hiệu quả sẽ góp phần xây dựng nền văn hóa pháp lý tiên tiến. Khi đó con người đã có một trình độ kiến thức nhất định về pháp luật, có thái độ tôn trọng đối với pháp luật và có xử sự phù hợp với yêu cầu của pháp luật, có sự nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn đối với các hành vi pháp luật của các cá nhân khác. Do vậy, đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật sẽ giúp xây dựng nền văn hóa pháp lý, sự hình thành và phát triển nền văn hóa pháp lý là công việc đặc biệt quan trọng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước ở nước ta hiện nay.