Giáo dục là quá trình hoạt động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có tổ chức nhằm bồi dưỡng cho người ta những phẩm chất đạo đức và những tri thức cần thiết để người ta có khả năng tham gia mọi mặt của đời sống xã hội [32].
So với tuyên truyền, phổ biến thì giáo dục cũng nhằm nâng cao nhận thức, tình cảm song phương thức tiến hành chặt chẽ hơn, đối tượng xác định hơn, mục đích rõ ràng hơn. Có thể hiểu tuyên truyền, phổ biến chính là các phương thức giáo dục cụ thể. Trong các giáo trình, tài liệu khoa học về pháp luật ở nước ta hiện nay, các tác giả khá thống nhất với khái niệm giáo dục pháp luật như sau: Giáo dục pháp luật là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục một cách có hệ thống và thường xuyên nhằm mục đích hình thành ở họ tri thức pháp luật, tình cảm pháp lý và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của pháp luật hiện hành.
Giáo dục ý thức pháp luật là hoạt động có ý nghĩa bao hàm cả tuyên truyền pháp luật, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật trong xã hội. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tốt thì cũng là trực tiếp đạt được mục đích của giáo dục pháp luật. Tính bao trùm của giáo dục ý thức pháp luật thể hiện ở chỗ giáo dụ ý thức pháp luật vừa có tính định hướng rõ ràng, vừa có tính hệ thống để bảo đảm đối tượng giáo dục được nâng cao cả về kiến thức pháp luật, kỹ năng thực hiện pháp luật và thái độ tôn trọng pháp luật. Nói cách khác, giáo dục ý thức pháp luật phải nâng cao cả về tri thức, hiểu biết pháp luật và về tâm lý pháp lý của đối tượng giáo dục. Giáo dục ý thức pháp luật phải nhằm đạt tới sự hình thành ý thức tự giác trên cơ sở hiểu biết đầy đủ về pháp luật và các vấn đề liên quan. Kết quả của giáo dục ý thức pháp luật không chỉ ở chỗ đối tượng biết pháp luật quy định thế nào mà còn hiểu vì sao lại quy định như vậy để họ vận dụng pháp luật một cách chủ động, sáng tạo và chính xác.
Như vậy, khái niệm về "giáo dục ý thức pháp luật" có thể hiểu là bao hàm cả tuyên truyền pháp luật, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật; trong đó tùy theo từng nội dung, từng nhóm đối tượng cần tác động mà chủ thể sử
dụng các phương thức tác động (tuyên truyền pháp luật; phổ biến pháp luật hay
giáo dục pháp luật) theo từng cấp độ để đạt được mục tiêu mà chủ thể đặt ra.