Tội nhận hối lộ trong luật hình sự một số nước

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội nhận hối lộ trong Luật hình sự Việt Nam (Trang 34 - 40)

1.3. Tội nhận hối lộ trong công ƣớc quốc tế về chống tham nhũng và luật

1.3.2. Tội nhận hối lộ trong luật hình sự một số nước

Tham nhũng, hối lộ là vấn nạn mà mọi quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Một minh chứng là ở đâu có quyền lực ở đó có thể có tham nhũng, hối lộ. Tuy nhiên, ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đó khiến tham nhũng, hối lộ không còn là chuyện nội bộ riêng của mỗi quốc gia nữa. Cộng đồng quốc tế phải đặc biệt quan tâm đến việc cùng nhau tìm ra cách thức chung để giải quyết vấn nạn – tệ nạn của mọi tệ nạn này.

1.3.2.1. Tội phạm về tham nhũng theo Bộ luật Hình sự Nhật Bản

Bộ luật Hình sự Nhật Bản quy định các tội về tham nhũng tại Chương XV của Bộ luật “Các tội về tham nhũng”. Theo quy định của Bộ luật, các tội phạm về tham nhũng bao gồm các tội sau: Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn của công chức; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn của công chức đặc biệt thực hiện; Tội dùng vũ lực và tra tấn do công chức đặc biệt thực hiện; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn của công chức đặc biệt gây chết người hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội nhận hối lộ, nhận hối lộ tạ ơn, nhận hối lộ trước; Tội hối lộ cho người thứ ba; Trường hợp nhận hối lộ tăng nặng và nhận hối lộ sau; Tội nhận hối lộ để gây ảnh hưởng; Tội đưa hối lộ.

Ví dụ, điều 193 của Bộ luật quy định về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn của công chức. Theo đó, công chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn để buộc người khác thực hiện một hành vi không thuộc trách nhiệm của họ hoặc cản trở người khác thực hiện quyền của họ thì bị xử phạt về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội sẽ bị phạt tù khổ sai đến 2 năm hoặc bị phạt tù giam đến 2 năm.

Luật hình sự Nhật Bản, quy định một điều luật riêng đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn của công chức đặc biệt (Điều 194). Theo đó, người nào thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện các chức năng xét xử, công tố hoặc chức năng của cảnh sát mà lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình bắt hoặc giam giữ người khác, thì bị phạt tù khổ sai từ 6 tháng đến 10 năm hoặc bị phạt tù giam từ 6 tháng đến 10 năm.

Đối tượng công chức đặc biệt được quy định, đó là công chức thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện chức năng xét xử, công tố và cảnh sát. Mức hình phạt áp dụng đối với những loại tội phạm này cũng cao hơn. Điều đó thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, do những đối tượng này là những người am hiểu pháp luật, thực thi pháp luật nhưng vẫn cố tình phạm tội sẽ bị nghiêm trị hơn những đối tượng khác.

Bộ luật hình sự Nhật Bản cũng quy định về hành vi nhận hối lộ, đối với hành vi nhận hối lộ được quy định thành nhiều loại tội, như tội nhận hối lộ, nhận hối lộ tạ hơn, nhận hối lộ trước; trường hợp nhận hối lộ tăng nặng và nhận hối lộ sau; nhận hối lộ để gây ảnh hưởng… Ví dụ, đối với tội nhận hối lộ thì công chức hoặc trọng tài viên nào nhận hối lộ, đòi hối lộ hoặc hứa nhận hối lộ có liên quan đến nhiệm vụ của mình, thì bị phạt tù khổ sai đến 5 năm. Trong trường hợp người đó nhận lời, thì bị phạt tù khổ sai đến 7 năm. Bên cạnh đó, Bộ luật còn quy định đối với cả những người có ý định trở thành công chức hoặc trọng tài viên mà nhận hối lộ, đòi hối lộ hoặc nhận lời hối lộ liên quan đến nhiệm vụ của mình thì bị phạt tù khổ sai đến 5 năm. Có thể thấy, các tội phạm về tham nhũng theo quy định của Nhật Bản chủ yếu là các tội lạm dụng chức vụ quyền hạn và các tội về nhận hối lộ, đưa hối lộ. Luật hình sự Nhật Bản không quy định về tôi tham ô tài sản. Khung hình phạt đối với những tội tham nhũng thấp nhất là 6 tháng, cao nhất chỉ là 10 năm tù giam hoặc tù khổ sai. Bên cạnh đó người phạm tội có thể bị phạt tiền (ví dụ như tội đưa hối lộ, người phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 2.500.000 yên). Ngoài ra còn quy định về việc tịch thu của hối lộ hoặc thu một khoản tiền tương đương: “của hối lộ do người phạm tội nhận hoặc người thứ ba nhận mà biết rõ tính chất của nó, thì bị tịch thu. Nếu việc tịch thu toàn bộ hoặc một phần của hối lộ không thể thực hiện được, thì sẽ thu một khoản tiền tương đương” (Điều 197-5).

1.3.2.2. Hành vi đưa và nhận hối lộ quy định trong Bộ luật Hình sự Philippines

Bộ luật Hình sự Philippines (Điều 210) quy định hành vi nhận hối lộ có thể bị phạt tù từ 8 đến 12 năm và bị phạt một khoản tiền bằng 3 lần giá trị khoản tiền nhận hối lộ. Theo quy định tại Điều 212 Bộ luật này, người đưa hối lộ cũng chịu hình phạt giống như người nhận hối lộ (ngoại trừ việc áp dụng các hình phạt chỉ

dành riêng cho công chức như cấm đảm nhiệm chức vụ v.v.).

Bộ luật hình sự Philippines (Điều 210) quy định hành vi nhận hối lộ có thể bị phạt tù từ 8 đến 12 năm và bị phạt một khoản tiền bằng 3 lần giá trị khoản tiền nhận hối lộ. Theo quy định tại Điều 212 Bộ luật này, người đưa hối lộ cũng chịu hình phạt giống như người nhận hối lộ (ngoại trừ việc áp dụng các hình phạt chỉ dành riêng cho công chức như cấm đảm nhiệm chức vụ…). Theo quy định tại Điều 217 Bộ luật Hình sự Philippines, hành vi biển thủ công quỹ (tham ô) tùy theo lượng tài sản bị tham ô mà mức phạt có thể khác nhau. Tuy nhiên, mức phạt cao nhất có thể là tù chung thân. Người phạm tội còn bị tước quyền hành nghề chuyên môn vĩnh viễn và bị phạt khoản tiền tương đương với khoản tiền đã tham ô. Một điều rất đặc biệt của Bộ luật Hình sự Philippines là Bộ luật này có quy định riêng về hành vi dụ dỗ, quấy rối, đòi quan hệ tình dục với phụ nữ dưới quyền của mình hoặc phụ nữ là thân nhân của người chịu sự quản lý của mình (Điều 245). Theo đó, công chức phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 2 đến 6 năm tù đồng thời bị tước tạm thời quyền hành nghề chuyên môn (nếu phụ nữ bị xâm hại là người chịu sự quản lý của công chức phạm tội) hoặc bị phạt tù tối đa là 4 năm 6 tháng và bị tước tạm thời quyền hành nghề chuyên môn (nếu phụ nữ bị xâm hại là thân nhân của đối tượng chịu sự quản lý của công chức phạm tội) [16, tr.61-63-69].

Một điểm cũng cần lưu ý là bên cạnh các quy định về tội phạm công vụ trong Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng của Philippines (Luật số 3019 năm 1960 – đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần) cũng có nhiều quy định về các hành vi được coi là tham nhũng trong khi thi hành công vụ. Theo quy định tại Điều 9 của Luật này, người có hành vi tham nhũng theo các dấu hiệu mô tả trong Luật này sẽ bị phạt tù ít nhất là 1 năm và cao nhất 10 năm, tước quyền đảm nhiệm chức vụ và hành nghề chuyên môn đồng thời tịch thu các tài sản bị coi là bất minh [16, tr.3].

1.3.2.3. Tội phạm về tham nhũng theo Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Các tội phạm về tham nhũng được quy định tại Chương VII của Bộ luật với tên gọi tội tham ô hối lộ, gồm các tội: Tham ô; Lạm dụng công quĩ; Nhận hối lộ; Hối lộ.

Tội tham ô được định nghĩa là việc nhân viên nhà nước lợi dụng chức vụ ngầm chiếm đoạt, cướp đoạt, lừa gạt hoặc bằng các thủ đoạn khác chiếm hữu phi pháp tài sản công cộng (Điều 382). Tại Điều 383 quy định các khung hình phạt đối với loại tội phạm này. Khung hình phạt cao nhất áp dụng áp dụng trong trường hợp tham ô với mức từ 100.000 tệ trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm trở lên hoặc tù chung thân, nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị xử tử hình. Đối với trường hợp tham ô ở mức từ 5000 tệ đến dưới 50.000 tệ sẽ bị phạt tù từ 1 đến 7 năm trở lên, nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù chung thân. Đối với trường hợp tham ô ở mức từ 5000 tệ đến dưới 50.000 tệ sẽ bị phạt tù từ 1 đến 7 năm; nếu có tình tiết nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 7 đến 10 năm. Cá nhân tham ô ở mức từ 5000 đến dưới 10.000 tệ, sau khi phạm tội có biểu hiện hối cải, tích cực hoàn trả có thể được giảm hoặc miễn xử phạt hình sự và do đơn vị sở tại hoặc cơ quan chủ quản cấp trên xử phạt hành chính. Khung hình phạt nhẹ nhất được áp dụng đối với người phạm tội mà tài sản tham ô ở mức dưới 5000 tệ, tình tiết tương đối nặng sẽ bị phạt tù từ 2 năm trở xuống hoặc cải tạo lao động; nếu tình tiết tương đối nhẹ sẽ do đơn vị sở tại hoặc cơ quan chủ quan cấp trên xem xét tình hình xử phạt hành chính. Trong tất cả những trường hợp người phạm tội có thể bị tịch thu tài sản hoặc bắt buộc bị tịch thu tài sản. Điều luật cũng quy định rất cụ thể, trường hợp tham ô nhiều lần mà chưa bị xử lý sẽ bị xử phạt theo tổng số tiền đã tham ô.

Tội Lạm dụng công quĩ được quy định tại Điều 384, nhân viên nhà nước lợi dụng chức quyền, lạm dụng công quĩ để sử dụng vào việc cá nhân, hoạt động phi pháp, hoặc lạm dụng công quĩ với số lượng lớn để hoạt động kiếm lãi, hoặc lạm dụng công quĩ với số lượng lớn quá 3 tháng chưa trả là phạm tội lạm dụng công quĩ, sẽ bị phạt tù từ 5 năm trở xuống hoặc cải tạo lao động; nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 5 năm trở lên. Lạm dụng công quĩ với số lượng quá lớn mà không trả sẽ bị phạt tù từ 10 năm trở lên hoặc tù chung thân.

Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 286 với khung hình phạt như đối với tội tham ô. Đối với hành vi đòi tiền hối lộ, điều luật cũng quy định rõ, hành vi này sẽ bị xử nặng hơn so với người nhận hối lộ đơn thuần.

Bộ luật cũng quy định rất chi tiết, cụ thể về các trường hợp nhận hối lộ, quy định từ Điều 289 đến Điều 293.

Có thể thấy, đối với tội tham nhũng, pháp luật Trung Quốc trừng trị rất nghiêm khắc đối với loại tội phạm này, mức hình phạt được áp dụng cao nhất là tử hình, chung thân, phạt tù có thời hạn với mức cao nhất là 10 năm, mức thấp nhất là xử phạt hành chính, cải tạo lao động. Ngoài các hình phạt trên, người phạm tội có thể bị phạt tiền. Giống như Việt Nam, mức hình phạt mà Trung Quốc áp dụng đối với người phạm tội tham nhũng rất nặng, nhiều tội danh có mức hình phạt là chung thân, tử hình.

Qua các phương tiện thông tin, các trang mạng trong thời gian vừa qua đã đưa tin, Trung Quốc đã rất mạnh tay trong việc xử lý các quan chức phạm tội tham nhũng. Đánh giá về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong năm 2013, tờ Nhân dân nhật báo - cơ quan trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/12 đăng bài viết khẳng định, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong năm qua được triển khai với cường độ cao. Theo cách nói của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình là cương quyết tấn công cả "hổ" và "ruồi". Có nghĩa là, cho dù là ai, với bất cứ chức vụ cao thấp như thế nào, chỉ cần vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật của nhà nước, thì đều bị xử lý nghiêm khắc.Trong phòng chống tham nhũng, chúng ta rất chú trọng đến hợp tác quốc tế. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng năm 2003 và đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Công ước. Thông qua đó, chúng ta đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm của các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế để vận dụng có hiệu quả tại Việt Nam. Việc nước ta ký Công ước thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc ngăn ngừa và loại bỏ tình trạng tham nhũng, góp phần nâng cao uy tín và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Trước mắt, nước ta sẽ gặp một số khó khăn do pháp luật còn thiếu hoặc chưa tương thích với một số quy định của Công ước. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được khắc phục từng bước trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật có liên quan trong tương lai. Hơn nữa, việc ký Công ước chưa ràng buộc các quốc gia về mặt

pháp lý, do đó, ta sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu và cân nhắc kỹ những thuận lợi và thách thức đối với Việt nam khi phê chuẩn Công ước. Từ việc nghiên cứu những quy định về tội phạm tham nhũng của pháp luật quốc tế và một số nước, có thể thấy các nước đều quan tâm tới tội phạm tham nhũng và có chế tài xử lý đối với loại tội phạm này. Có những nước hình sự hóa rất nhiều hành vi tham nhũng, có những nước lại quy định rất ít các tội phạm được coi là tội tham nhũng và chế tài xử lý loại tội phạm này cũng khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy, với tình hình tham nhũng diễn ra như hiện nay, các quốc gia luôn đặt vấn đề chống tham nhũng bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia. Bởi vì, tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của đất nước, cản trở sự phát triển đi lên của xã hội thậm chí nếu tình hình tham nhũng lan rộng và trầm trọng có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả một thể chế [69].

Chương 2

CÁC QUY ĐỊNH VỀ TỘI NHẬN HỐI LỘ

TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ HIỆN HÀNH VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội nhận hối lộ trong Luật hình sự Việt Nam (Trang 34 - 40)