Soạn thảo dự án pháp lệnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 43 - 44)

Có thể nói đây là giai đoạn quyết định của hoạt động xây dựng pháp lệnh bởi nó ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến hiệu quả của các giai đoạn tiếp theo, đến hiệu quả của cả quá trình xây dựng pháp lệnh. Một dự thảo pháp lệnh được chuẩn bị tốt sẽ dễ dàng được Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nhanh chóng.

Chịu trách nhiệm trực tiếp soạn thảo dự án là tổ soạn thảo. Không có quy định nào của pháp luật về thành phần bắt buộc của tổ soạn thảo, nhưng để đảm bảo tính hợp lý và hợp pháp của dự án thì tổ soạn thảo thường gồm những người có kiến thức khoa học pháp lý, có kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật và những người có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn thuộc nội dung của dự án.

Quá trình xây dựng dự án là một quá trình phức tạp trong đó tổ soạn thảo phải tiến hành hàng loạt các hoạt động khác nhau như nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng, nghiên cứu hệ thống pháp luật và thực tế thực hiện pháp luật trong nước, kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của các nước khác, nghiên cứu thực tế xã hội liên quan đến nội dung dự án. Các hoạt động này nhằm xác định quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án, các nội dung cụ thể cần có trong dự án. Đây là giai đoạn sản sinh ra các bản thảo của pháp lệnh. Thông thường có nhiều bản thảo được lần lượt tạo ra, mỗi bản thảo được đưa ra lấy ý kiến của các chủ thể khác nhau và được hoàn thiện dần. Hoạt động thảo luận, lấy ý kiến của các chủ thể khác nhau có mục đích nâng cao tính toàn diện, khách quan, khả thi của dự án.

Điều 25 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức trình dự án pháp lệnh thành lập Ban soạn thảo. Trong trường hợp dự án pháp lệnh có nội dung liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì Uỷ

ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo gồm đại diện có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức hữu quan. Đối với dự án pháp lệnh do Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội hay đại biểu Quốc hội trình thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo theo đề nghị của cơ quan, đại biểu Quốc hội trình dự án.

Ban soạn thảo phải thực hiện khá nhiều nhiệm vụ, cụ thể: a) Tổng kết tình hình thi hành pháp luật, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến dự án; b) Tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu liên quan đến dự án; c) Chuẩn bị đề cương, biên soạn và chỉnh lý dự án; d) Tổ chức lấy ý kiến bằng các hình thức thích hợp; đ) Chuẩn bị tờ trình và tài liệu có liên quan; e) Phối hợp với các cơ quan chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết; g) Trong việc soạn thảo có tính đến các điều ước quốc tế mà nhà nước Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Việc soạn thảo dự án pháp lệnh do Ban soạn thảo đảm nhiệm và chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án về tiến độ và chất lượng dự án. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án pháp lệnh (Điều 28); trách nhiệm của Chính phủ đối với dự án pháp lệnh (Điều 29); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia ý kiến vào dự án pháp lệnh (Điều 30). Bên cạnh đó, Điều 7 còn quy định trong trường hợp pháp lệnh có điều khoản cần phải được quy định chi tiết bằng văn bản khác, thì văn bản quy định chi tiết thi hành phải được soạn thảo cùng với dự án pháp lệnh để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ban hành khi pháp lệnh có hiệu lực thi hành.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 43 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)