Quốc hội về dự án pháp lệnh
Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, xây dựng pháp lệnh nói riêng ở Việt Nam, về nguyên tắc nhân dân có thể tham gia vào mọi công đoạn với những hình thức khác nhau. Lấy ý kiến nhân dân, đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội về dự án pháp lệnh là một hoạt động có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng của pháp lệnh.
Đối với người dân, đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, một việc làm phát huy được quyền làm chủ rộng rãi của họ trong quản lý nhà nước, xây dựng pháp luật. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, càng ngày người dân càng tích cực tham gia vào việc đóng góp cho dự thảo văn bản pháp luật với chất lượng ý kiến đóng góp ngày càng cao; phản ánh được thực tiễn cuộc sống, thể hiện ý chí, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và đề xuất được các phương án xử lý cụ thể đối với nội dung từng dự án thể hiện qua việc các chương, điều, khoản của dự án đã được chỉnh lý, hoàn thiện một cách cơ bản sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp. Ví dụ như, việc lấy ý kiến Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mô hình tổ chức, quản lý cơ quan Thi hành án ở địa phương cho dự án Pháp lệnh thi hành án dân sự (năm 2003) đã đem lại kết quả rất tích cực.
Tuy nhiên, cũng đợt lấy ý kiến dự án pháp lệnh còn mang tính hình thức, phong trào lấy ý kiến được phát động rầm rộ nhưng kết quả thực tế không lớn. Bởi: thứ nhất, phải kể đến là cách thức lấy ý kiến chưa khoa học. Phần lớn các ý kiến đóng góp bị tổng hợp, chuyển tiếp, xử lý qua nhiều khâu trung gian nên không phản ánh đúng nội dung, tinh thần của ý kiến đóng góp ban đầu. Quy trình tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp được thực hiện chủ yếu vào thực tiễn làm việc, vừa làm, vừa rút kinh
nghiệm mà chưa có một quy trình tập hợp, tổng hợp thống nhất, dẫn tới sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả chưa cao; thứ hai, chưa có những quy định chặt chẽ về việc tiếp thu ý kiến đóng góp, nên các ý kiến đóng góp có được chuyển tải vào nội dung văn bản hay không vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức chủ quan của cơ quan soạn thảo. Chính vì vậy, mục đích lấy ý kiến đóng góp là tạo một cách nhìn từ một góc độ khác (góc độ của người chịu sự tác động của quyền lực chứ không phải của người sử dụng quyền lực) đối với vấn đề thuộc nội dung dự án không đạt được; thứ ba, phải kể đến tính hai mặt của quy định “nội dung, phạm vi, thể thức và thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự án pháp lệnh do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định”. Về mặt tích cực, quy định này tạo sự chủ động, mềm dẻo cho hoạt động lấy ý kiến đối với dự án pháp lệnh để hoạt động này phục vụ thiết thực cho việc nâng cao chất lượng dự án khi cần thiết. Về mặt tiêu cực, có thể dễ dàng nhận thấy là ý kiến đóng góp phụ thuộc rõ rệt vào đối tượng được lấy ý kiến, cách thức lấy ý kiến, thời điểm lấy ý kiến. Như vậy, nếu sự lựa chọn về nội dung, phạm vi, thể thức, thời gian lấy ý kiến hợp lý thì chất lượng ý kiến đóng góp cao và ngược lại.
Ngoài ra, có thể thấy hiện nay chúng ta vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể về những dự án nào hoặc những lĩnh vực nào phải lấy ý kiến nhân dân như là một công đoạn bắt buộc trong quy trình xây dựng pháp lệnh hay trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, Văn phòng Quốc hội trong việc giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện công việc này ra sao vẫn chưa có quy định cụ thể. Đó là chưa kể đến nhiều nơi, nhiều lúc còn tồn tại quan niệm tuyệt đối hoá vai trò làm luật của cơ quan nhà nước, coi quyền xây dựng pháp luật là “của riêng” của các cơ quan này, dẫn tới quy trình soạn thảo và ban hành văn bản thường là một “vòng khép kín” trong các cơ quan, từ cơ cấu của Ban soạn thảo cho đến trình tự soạn thảo, lấy ý kiến, phản biện…
Do số lượng các dự án được tổ chức lấy ý kiến nhân dân chỉ chiếm 4% tổng số các dự án luật, pháp lệnh được ban hành từ năm 1980 đến nay [10, tr.163], nên việc lấy ý kiến nhân dân chủ yếu là thông qua cơ chế dân chủ đại diện; nhân dân thông qua các đại diện của mình đóng góp trí tuệ vào các dự án. Cùng với việc tổ chức để đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý kiến về các dự án ở đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, từ đầu năm 2003, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về các dự án. Kết quả đạt được cho thấy đây là bước chuẩn bị quan trọng góp phần nâng cao chất lượng các dự án, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần rút ngắn lộ trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Các đoàn đại biểu Quốc hội đã linh hoạt tổ chức triển khai nhiều phương
thức lấy ý kiến như phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân thành lập ban chỉ đạo, tổ chức hội nghị với sự tham gia của các chuyên gia pháp luật, nhiều thành phần liên quan ở các ngành, các cấp địa phương.