Thẩm tra dự án pháp lệnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 45 - 46)

Dự án pháp lệnh trước khi trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải được Hội đồng dân tộc, các uỷ ban hữu quan của Quốc hội thẩm tra. Thông thường, các dự án được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra theo lĩnh vực chuyên trách được phân công. Đối với các dự án do Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội trình thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định cơ quan thẩm tra. Với các dự án do Hội đồng dân tộc và các uỷ ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra thì Uỷ ban pháp luật của Quốc hội tham gia thẩm tra nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của hệ thống pháp luật và trong trường hợp có ý kiến khác với cơ quan chủ trì thẩm tra thì Uỷ ban pháp luật báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự án pháp lệnh có thể được thẩm tra một hoặc nhiều lần; có thể được thẩm tra sơ bộ (để trình xin ý kiến) hoặc thẩm tra chính thức (để trình xem xét thông qua). Kết quả thẩm tra phải được lập thành văn bản và phải phản ánh được đầy đủ ý kiến của thành viên cơ quan thẩm tra.

Việc xem xét đánh giá của cơ quan thẩm tra với tư cách là cơ quan được Quốc hội giao phụ trách những lĩnh vực chuyên môn nhất định là những cơ sở về lý luận và thực tiễn để Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án. Chính vì vậy mà báo cáo thẩm tra là một văn bản có giá trị pháp lý bắt buộc phải có của quy trình xây dựng pháp lệnh, do cơ quan được giao thẩm tra dự án trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong đó phản ánh đầy đủ ý kiến của thành viên cơ quan thẩm tra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 45 - 46)