Xuất phát từ yêu cầu xây dựng một hệ thống pháp luật đủ về số lượng, cao về chất lượng, phục vụ kịp thời sự nghiệp công nghiệp hoá,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 68 - 71)

số lượng, cao về chất lượng, phục vụ kịp thời sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật đang đặt ra một loạt vấn đề về đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật nói chung và hoạt động lập pháp của Quốc hội nói riêng. Theo đó, hoạt động lập pháp của Quốc hội cần phải được nâng cao hơn nữa về chất lượng và số lượng, bảo đảm tạo ra các đạo luật có chất lượng cao và một hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, không mẫu thuẫn, chồng chéo nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản và quan trọng đang có những thay đổi hàng ngày, hàng giờ hoặc đã, đang và sẽ phát sinh trong quá trình đổi mới.

Mặt khác, quá trình đổi mới về kinh tế cũng chính là quá trình đẩy mạnh phát triển và đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển nhanh chóng về khoa học - kỹ thuật thế giới; là quá trình hội nhập với thế giới trên mọi phương diện nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá mà pháp luật chính là cơ sở pháp lý để chúng ta thực hiện các quan hệ hợp tác kinh doanh; đồng thời để các đối

tác có thể tin cậy được vào ta và có thể bảo vệ tốt nhất các quyền lợi kinh tế của đất nước. Tất cả những vấn đề trên đã và đang đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng các đạo luật nói riêng và toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung.

Trong lĩnh vực kinh tế, việc chuyển từ nền kinh tế chủ yếu là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể được quản lý theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang đặt ra cho chúng ta những thách thức mới, đòi hỏi các biện pháp liên quan đến việc tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sự bình đẳng trong kinh doanh, bảo vệ đầy đủ lợi ích của cả người sản xuất và tiêu dùng. Việc tham gia của nhà nước ta với một số tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới, nhất là sau khi Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của WTO và ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, là những yếu tố làm cho tính chất các quan hệ kinh tế - xã hội ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp hơn. Điều đó đặt ra yêu cầu ngày càng cấp thiết của việc xây dựng các đạo luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế như Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 xác định mục tiêu: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”.

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, trong các Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần VIII, IX, X đều khẳng định từ nay đến năm 2020 phải phấn đấu xây dựng nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp, khoa học và công nghệ phải trở thành nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thế nên, phát triển khoa học về công nghệ trong thời kỳ này là một đòi hỏi cấp thiết, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.

Tương tự như trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, xã hội; an ninh, quốc

phòng, trật tự, an toàn xã hội cũng luôn đặt ra yêu cầu đổi mới, hoàn thiện các văn bản pháp luật điều chỉnh.

Cùng với việc đổi mới kinh tế, Đảng và Nhà nước ta cũng đang tiến hành

từng bước vững chắc đổi mới hệ thống chính trị với nội dung chủ yếu là thực

hiện cải cách nền hành chính nhà nước, cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 1992 sửa đổi đã tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho phép đưa ra và triển khai các phương án tổ chức, hoạt động của Quốc hội nhằm bảo đảm cho Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình một cách có hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Như vậy, hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời kỳ đổi mới cần phải hướng tới xây dựng các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực nói trên một cách thống nhất, đồng bộ theo thứ tự ưu tiên đến những lĩnh vực then chốt nhất của đời sống xã hội. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là hiện nay Quốc hội của chúng ta vẫn chưa hoạt động thường xuyên mà tiến hành họp một năm 2 kỳ và các đạo luật chỉ được thông qua tại 2 kỳ họp này. Trong khi đó, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội luôn đặt ra nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh bởi các quy phạm pháp luật một cách nhanh chóng, kịp thời mà quy trình xây dựng luật lại tồn tại nhiều vấn đề đang trong quá trình hoàn thiện. Hơn nữa, đa phần các đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm (tại Quốc hội khoá XI là 371/489 đại biểu) lại giữ các chức vụ quan trọng ở các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương nên thời gian dành cho hoạt động lập pháp của Quốc hội cũng bị hạn chế.

Như trên đã phân tích, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cơ quan thường trực của Quốc hội, ban hành pháp lệnh nhằm quy định những vấn đề cấp thiết của cuộc sống đòi hỏi phải có sự quản lý của nhà nước khi chưa có điều kiện quy định “ngay” thành luật, giúp “lấp chỗ trống”, “kẽ hở’ trong hệ thống pháp luật một cách kịp thời. Do đó, trong thời gian Quốc hội đang dần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, trong đó có hoạt động ban hành các luật, thì nhiệm vụ uỷ quyền lập pháp vẫn còn rất cần thiết để điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tế. Việc nâng cao chất lượng hoạt động ban hành pháp lệnh, do vậy, là vấn đề được đặt ra nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 68 - 71)