Lấy ý kiến nhân dân, đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội về dự án pháp lệnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 46 - 48)

hội về dự án pháp lệnh

Điều 2 Hiến pháp năm 1992 quy định, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và thông qua hình thức trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật, pháp lệnh.

Để tránh khả năng các cơ quan, tổ chức soạn thảo nhìn nhận, đánh giá vấn đề phiến diện, một chiều, pháp luật quy định dự án phải được lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, như các cơ quan quản lý các lĩnh vực liên quan đến nội dung dự án, các tổ chức, cá nhân có kiến thức chuyên môn sâu về vấn đề thuộc nội dung dự án… Tuỳ theo nội dung dự án quy định về vấn đề gì, pháp luật quy định cơ quan soạn thảo có thể tự mình quyết định việc lấy ý kiến hoặc bắt buộc phải lấy ý kiến những đối tượng nhất định. Chẳng hạn, trong trường hợp dự án quy định về vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em thì cơ quan soạn thảo bắt buộc phải lấy ý kiến của Hội phụ nữ cùng cấp. Đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân, về tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan soạn thảo có trách nhiệm gửi dự án đến Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban chấp hành trung ương của các tổ chức thành viên có liên quan để lấy ý kiến. Đối với các dự án liên quan đến quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi dự án tới Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến các doanh nghiệp. Trong trường hợp pháp luật không quy định bắt buộc thì cơ quan soạn thảo có quyền quyết định việc lấy ý kiến, chọn đối tượng để lấy ý kiến.

Theo quy định tại Điều 39, 40, 41 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì căn cứ vào nội dung và tính chất của dự án pháp lệnh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án; những vấn đề cụ thể của việc lấy ý kiến nhân dân; đồng thời chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến để chỉnh lý dự án. Công dân góp ý kiến về dự án pháp lệnh thông qua cơ quan, tổ chức của mình, trực tiếp hoặc gửi thư góp ý kiến tới Văn phòng Quốc hội, cơ quan, tổ chức soạn thảo dự án hoặc thông

qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ý kiến của nhân dân về dự án pháp lệnh phải được tập hợp, nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự án.

Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành thì trong quá trình soạn thảo, nếu được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý, dự án pháp lệnh được gửi lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức thảo luận về dự án tại địa phương và gửi biên bản thảo luận về Văn phòng Quốc hội để cơ quan trình phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý văn bản.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy trình xây dựng pháp lệnh ở việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 46 - 48)