2.3. Thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính theo cấp xét xử
2.3.2. Xét xử theo thủ tục phúc thẩm
Điều 173 Luật TTHC quy định “Xét xử phúc thẩm là việc Toà án cấp
trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị” [44, Điều 173].
Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Quy định này cũng phù hợp với nội dung quy định tại khoản 2 Điều 20, khoản 2 Điều 28 và Điều 32 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 [35, Điều 20, 28, 32].
Theo đó, Tòa hành chính Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử theo thủ tục phúc thẩm những vụ án hành chính mà Tòa án nhân dân cấp huyện đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Tuy nhiên, như đã phân tích, vụ án hành chính liên quan đến danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân không áp dụng chế độ xét xử hai cấp, mà Bản án, Quyết định của Tòa án (tạm coi là Tòa án cấp sơ thẩm) có hiệu lực thi hành ngay, đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị [44, Điều 172]. Cho nên, dù khoản 3 Điều 29 Luật TTHC quy định về việc các vụ án hành chính liên quan đến danh sách cử
tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện, nhưng Tòa hành chính Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không xét xử theo thủ tục phúc thẩm những vụ án này.
Do vậy, Tòa hành chính Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xét xử theo thủ tục phúc thẩm những vụ án hành chính quy định tại khoản 1, 2 Điều 29 Luật TTHC.
Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét xử theo thủ tục phúc thẩm những vụ án hành chính mà Tòa hành chính Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm, bao gồm những loại vụ án hành chính đã được phân tích trong mục 2.3.1 nêu trên.