Thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính theo địa giới hành chính

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính theo Luật tố tụng hành chính Việt Nam (Trang 62 - 66)

Trước hết, cần hiểu một cách khái quát rằng:

Địa giới hành chính là ranh giới phân biệt đất đai và số dân của địa phương này với địa phương khác do cấp quản lý có thẩm quyền quy định. Địa giới hành chính là cơ sở pháp lý để phân vạch

ranh giới trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương đối với dân cư, đất đai và mọi hoạt động khác thuộc phạm vi cấp quản lý. Một đơn vị hành chính trực thuộc một cấp chính quyền nào đó chỉ có thể tồn tại và hoạt động được dựa trên cơ sở một địa giới hành chính nhất định rõ ràng, ổn định và hợp lý [70].

Việc quản lý, thực hiện chức năng, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước nói chung và của hệ thống Tòa án nói riêng tại Việt Nam hiện nay vẫn dựa trên cơ sở sự phân định về địa giới hành chính. Theo quy định tại Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 thì hệ thống Tòa án ở nước ta bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã.

Cho nên, không kể đến Tòa hành chính Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ giải quyết các vụ án hành chính trong phạm vi cả nước, thì việc xác định thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính theo địa giới hành chính chính là nhằm phân biệt thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này với Tòa hành chính Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác; và Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã này với Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã khác.

Điều 29, 30 Luật TTHC quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc xét xử các vụ án hành chính.

Theo đó, xác định được rằng, Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính xảy ra trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án, tức là những vụ án hành chính xảy ra trên phạm vi của quận, huyện, thị xã hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà Tòa án có trụ sở. Những vụ án hành chính xảy ra trên phạm vi của quận, huyện, thị xã hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi Tòa án có trụ sở thì không thuộc thẩm quyền xét xử.

Trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện trong cùng một tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết; tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau, hoặc giữa các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau thì do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết [44, Điều 32].

Tuy nhiên, nếu xét về việc có “cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án” thì lại có hai trường hợp có thể xảy ra, đó là: người khởi kiện có “cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”; hoặc, người bị kiện có “cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”.

Nếu như trong các văn bản Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây không có quy định cụ thể về trường hợp nào được coi là “trên cùng lãnh thổ” với Tòa án (cũng được hiểu là có “cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”), thì Luật TTHC lại có quy định rất rõ ràng về nội dung này.

Cụ thể, đối với thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính quy định tại Điều 29, 30 Luật TTHC, thì:

(1) Những khởi kiện hành chính thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính có cùng địa giới hành chính với người khởi kiện bao gồm:

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó;

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại điểm a

khoản này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong các cơ quan đó;

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó;

- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương;

- Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh [44, Điều 30, Khoản 1].

Trong đó, địa giới hành chính của người khởi kiện được hiểu là nơi mà “người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở”.

(2) Những khởi kiện hành chính thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính có cùng địa giới hành chính với người bị kiện bao gồm:

- Những trường hợp theo điểm a, b khoản 1 Điều 30 Luật TTHC đã nêu tại mục (1) trên đây mà người khởi kiện:

Không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam;

- Khiếu kiện QĐHC, HVHC của cơ quan nhà nước cấp huyện, cơ quan nhà nước cấp tỉnh và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;

- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống;

- Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án [44, Điều 29, 30].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính theo Luật tố tụng hành chính Việt Nam (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)