Sự cần thiết phải có pháp luật ĐTNN tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng và giải pháp thúc đầy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tương quan so sánh pháp luật với nước ngoài (Trang 30 - 34)

1.2. Khái niệm, đặc trưng và vai trò của pháp luật ĐTNN tại Việt Nam

1.2.1. Sự cần thiết phải có pháp luật ĐTNN tại Việt Nam

Trong xã hội, pháp luật là một phương tiện quan trọng bậc nhất không thể thay thế để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tổ chức, quản lý đời sống xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định, phát triển, phù hợp với những mục đích mà nhà nước và xã hội đặt ra. Theo quy định tại Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã

hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân"

Quản lý kinh tế nói chung, quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng, là chức năng cơ bản hàng đầu của Nhà nước trong điều kiện lịch sử hiện nay. Để thực hiện chức năng này, Nhà nước phải nhận thức đúng đắn các quy luật khách quan của sự vận động kinh tế - xã hội, xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của đất nước và các điều kiện quốc tế, sử dụng đồng bộ và hợp lý các công cụ kế hoạch, chính sách và các đòn bẩy kinh tế. Trong hệ thống các công cụ và biện pháp để Nhà nước điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự cần thiết phải điều chỉnh hoạt động ĐTNN bằng pháp luật được thể hiện ở một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước, luôn luôn gắn liền với Nhà nước và chỉ Nhà nước mới sử dụng công cụ pháp luật. Nhà nước điều chỉnh các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người, trong đó có hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước khác với các quyền lực khác ở chỗ, nó được thực hiện bằng một cơ chế thực thi pháp luật. Nhờ có quyền lực nhà nước, giai cấp thống trị thực hiện những lợi ích của mình, buộc cả xã hội phải tuân theo và phục tùng ý chí của mình bằng cách đề ra pháp luật và thực hiện pháp luật trên thực tế.

Tuy nhiên, ý chí của Nhà nước thể hiện trong pháp luật, xét đến cùng, không phải do ý chí chủ quan của một người nào, mà chính nó được hình thành một cách khách quan do các quan hệ kinh tế khách quan quy định. Nói pháp luật là sự thể hiện quyền lực và ý chí của Nhà nước cũng có nghĩa là khẳng định tính bị quy định một cách khách quan của pháp luật. Ph. Ăngghen

cho rằng, ý chí được đề lên thành luật là ý chí có nội dung do những điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp quyết định.

Qua việc phân tích sự cần thiết phải điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng pháp luật cũng có thể khẳng định, pháp luật đầu tư nước ngoài ra đời từ nhu cầu bảo vệ lợi ích của nhân dân, trước hết là lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị. Ph. Ăngghen cho rằng: "Tất cả hiện tượng pháp lý đều lấy bản chất chính trị làm cơ sở". V.I. Lênin khẳng định: "Một đạo luật là một biện pháp chính trị, là chính trị". Nội dung và mục tiêu của biện pháp chính trị đó là kinh tế, lợi ích kinh tế và địa vị thống trị của nhân dân lao động nước ta.

Thứ hai, để điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nhà nước có thể và cần phải sử dụng nhiều công cụ, biện pháp và hình thức khác nhau. Đó là các chính sách, kế hoạch đầu tư trực tiếp nước ngoài, đòn bẩy kinh tế, pháp luật đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, trong số các công cụ, biện pháp đó, việc điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng pháp luật đã trở thành thiết yếu và cấp bách hiện nay, bởi lẽ với những đặc điểm riêng của mình, pháp luật có khả năng triển khai những chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách nhanh nhất, đồng bộ và có hiệu quả nhất trên quy mô toàn xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của GS.TSKH Đào Trí Úc: "Nhà nước chỉ có thể thể hiện được ý chí phổ biến và uy quyền công khai của mình qua một loại đại lượng có tính phổ biến, có tính bắt buộc chung. Đó là pháp luật".

Thứ ba, trong nền kinh tế thị trường, sự tồn tại của pháp luật là một nhu cầu khách quan bắt nguồn từ những đòi hỏi của các quan hệ kinh tế. Đây là điểm khác biệt so với thời kỳ quan liêu, bao cấp.

Đối với hoạt động ĐTNN, pháp luật đầu tư nước ngoài được hình thành trên cơ sở những đòi hỏi của quan hệ ĐTNN, tồn tại như một quan hệ nội tại của sự vận động, phát triển kinh tế đối ngoại. Pháp luật ĐTNN là hệ thống các

quy phạm, chuẩn mực, mà dựa vào đó các nhà ĐTNN tìm được "sân chơi", các nhà quản lý có phương tiện để điều khiển "cuộc chơi". Pháp luật ĐTNN là mực thước để phân định đúng, sai, kiểm nghiệm và điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phù hợp với nhu cầu xã hội.

Sự điều chỉnh hoạt động ĐTNN bằng pháp luật phải bảo đảm cho hoạt động đầu tư vận động theo đúng những quy luật khách quan, không thể áp đặt và thay thế các quy luật khách quan ấy. Bằng pháp luật, Nhà nước tạo môi trường và hành lang pháp lý để chủ thể quan hệ đầu tư nước ngoài có thể tự chủ sản xuất kinh doanh, tự bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời không làm tổn hại đến lợi ích của các chủ thể khác và toàn xã hội. Bằng pháp luật, Nhà nước xác định địa vị pháp lý của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước về ĐTNN và thẩm quyền của các cơ quan có chức năng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động ĐTNN.

Thứ tư, trong việc điều chỉnh quan hệ ĐTNN, pháp luật quy định cho các bên tham gia các quan hệ đó có một số quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định, đồng thời thiết lập cả những điều kiện để đảm bảo cho các quyền và nghĩa vụ pháp lý đó được thực hiện. Vì vậy, khi tham gia vào các quan hệ ĐTNN do pháp luật điều chỉnh, các chủ thể phải có hành vi phù hợp với các yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, việc điều chỉnh hoạt động ĐTNN bằng pháp luật, không chỉ tác động tới các hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ ĐTNN, mà còn tác động về tư tưởng đối với toàn xã hội nói chung.

Thứ năm, đối với sự điều chỉnh hoạt động ĐTNN bằng pháp luật, sự tồn tại của pháp luật ĐTNN phụ thuộc vào nhận thức và ý chí của Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi pháp luật ĐTNN đã được ban hành, các cơ quan nhà nước phải triệt để tuân thủ trong quá trình thực hiện chức năng quản lý ĐTNN. Đây cũng là một trong những nội dung cơ bản của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng và giải pháp thúc đầy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tương quan so sánh pháp luật với nước ngoài (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)