Điều ước quốc tế về ĐTNN

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng và giải pháp thúc đầy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tương quan so sánh pháp luật với nước ngoài (Trang 62 - 66)

2.1. Quá trình phát triển của pháp luật ĐTNN tại Việt Nam

2.1.6. Điều ước quốc tế về ĐTNN

Nói tới khuôn khổ pháp luật về ĐTNN không thể không đề cập tới hệ thống các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, vì đây là nguồn pháp luật bổ sung đáng kể vào việc thực hiện chính sách về ĐTNN tại Việt Nam. Để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ hoạt động ĐTNN, cộng đồng quốc tế đã sử dụng điều ước quốc tế đa phương và song phương là chủ yếu.

Trong suốt 25 năm qua Nhà nước ta đã thể hiện sự quan tâm cao tới việc đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ĐTNN tại Việt Nam. Hệ thống các điều ước quốc tế là khá đồ sộ, với hàng trăm điều ước khác nhau, trong đó có các điều ước quốc tế về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, về tránh đánh thuế hai lần, hợp tác kinh tế, thương mại và các điều ước quốc tế khác có liên quan đến ĐTNN theo cách hiểu hiện đại. Có lẽ sẽ thiếu nếu như chúng ta không nhắc tới một loạt các hiệp định và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã chấp nhận thực hiện trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Khu vực thương mại tự do ASEAN trong thời gian sắp tới, và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang thực hiện hoặc đàm phán, ký kết.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như ASEAN (1995), AFTA (1996), APEC (1996); tham gia diễn đàn ASEM (1996), Cộng đồng pháp ngữ (1996), Cơ quan đảm bảo đầu tư đa biên MIGA 1985 (Multilateral Investment Guarantee Agency) và năm 2006 Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 71/2006/NQ-QH11 của Quốc hội về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết các điều ước quốc tế đa phương và song phương như Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài, ký nhiều Hiệp định khung về khu

vực đầu tư ASEAN (1999), Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hòa Kỳ... Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 nước, quan hệ kinh tế, thương mại với 154 nước, quan hệ với 45 nhà tài trợ chính thức, 350 tổ chức phi chính phủ; có khoảng 800 công ty của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ ĐTNN tại Việt Nam. [46]

Chính các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế quốc tế đã kéo theo các quan hệ pháp lý giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, các quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đáng chú ý là Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN.

Trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên đã thống nhất một số cam kết về đầu tư, mà việc thực hiện chúng đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật về ĐTNN như sau:

Thứ nhất, áp dụng quy chế đối xử quốc gia hoặc đối xử tối huệ quốc. Điều đó có nghĩa, trong những hoàn cảnh tương tự, mỗi Bên dành cho nhà đầu tư của Bên kia sự đối xử không kém thuận hơn so với nhà đầu tư nước mình hoặc không kém thuận lợi hơn so với nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba trong toàn bộ quá trình thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, điều hành, bán, giải thể đầu tư.

Thứ hai, áp dụng tiêu chuẩn chung về đối xử (hay còn gọi là tiêu chuẩn đối xử tối thiểu); theo đó, mỗi Bên dành cho đầu tư theo Hiệp định này sự đối xử công bằng, thỏa đáng, không kém thuận lợi hơn sự đối xử theo tập quán quốc tế, đồng thời không được áp dụng các biện pháp bất hợp lý, phân biệt đối xử, gây phương hại đối với hoạt động đầu tư.

Thứ ba, áp dụng các quy định của pháp luật, chính sách hiện hành, các hiệp định quốc tế hoặc các thỏa thuận cụ thể với nhà đầu tư, nếu các quy định, thỏa thuận này dành sự đối xử cao hơn các nguyên tắc đối xử nói trên.

Thứ tư, quy định về quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư Hoa Kỳ. Theo quy định này, trong vòng từ 3 đến 7 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cho phép nhà đầu tư Hoa Kỳ thành lập doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100 % vốn Hoa Kỳ để kinh doanh xuất nhập khẩu tất cả hàng hóa trừ các hàng hóa quy định cụ thể tại các Phụ lục B, C, D.

Thứ năm, quy định về mở cửa thị trường và dành đối xử quốc gia cho nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ dưới hình thức "hiện diện thương mại". Theo quy định này, Việt Nam cam kết xóa bỏ dần hạn chế việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư Hoa Kỳ trong 8 ngành dịch vụ gồm: dịch vụ chuyên ngành (pháp lý, kiểm toán, kế toán, kiến trúc, tư vấn kỹ thuật, vi tính, quảng cáo, thăm dò thị trường); dịch vụ thông tin liên lạc (viễn thông giá trị gia tăng, viễn thông cơ bản, điện thoại cố định, dịch vụ nghe, nhìn); dịch vụ xây dựng; dịch vụ phân phối (bán buôn, bán lẻ);) dịch vụ giáo dục; dịch vụ tài chính (bảo hiểm, ngân hàng); dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục.

Thứ sáu, quy định về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Theo quy định này, mỗi Bên cho phép nhà đầu tư của Bên kia được nhập khẩu thiết bị văn phòng phục vụ cho hoạt động kinh doanh; được tiếp cận và sử dụng nơi làm việc trên cơ sở không phân biệt đối xử; được thuê đại lý, nhà tư vấn, nhà phân phối theo giá cả thỏa thuận; được trực tiếp quảng cáo và bán hàng hóa, dịch vụ; được dự trữ đầy đủ hàng mẫu và phụ tùng thay thế phục vụ cho dịch vụ sau bán hàng...

Thứ bảy, quy định về giao dịch và chuyển tiền qua biên giới áp dụng đối với hoạt động thương mại, dịch vụ và đầu tư. Theo quy định này, mỗi Bên dành cho nhà đầu tư của Bên kia quyền chuyển vốn, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác ra nước ngoài trên cơ sở đối xử quốc gia hoặc đối xử tối huệ quốc, tùy thuộc sự đối xử nào tốt hơn.

Những cam kết trên với Hoa Kỳ có mức độ cao nhất so với các điều ước quốc tế song phương và đa phương về đầu tư mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia cho đến thời điểm hiện nay. Trên nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, những cam kết này cũng sẽ được áp dụng chung cho nhà đầu tư của các nước đã ký kết Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Việt Nam. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về ĐTNN hiện hành có liên quan để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động ĐTNN trong đó có hoạt động đầu tư của Hoa Kỳ.

Mục tiêu của Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN là xây dựng ASEAN thành khu vực đầu tư có sức hấp dẫn cạnh tranh cao để thu hút nhiều hơn đầu tư của các nhà đầu tư ở trong và ngoài khu vực. Phạm vi áp dụng của Hiệp định chỉ giới hạn đối với hoạt động đầu tư trực tiếp, không bao gồm các hoạt động đầu tư gián tiếp và những vấn đề đã được các hiệp định khác của ASEAN quy định, như Hiệp định khung của ASEAN về dịch vụ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, các quốc gia thành viên cam kết thực hiện các chương trình sau:

Chương trình thứ nhất: chương trình hợp tác và tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

Theo chương trình này, các nước thành viên cam kết thông tin đầy đủ, rõ ràng về chính sách, pháp luật, thủ tục đầu tư của nước mình, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư.

Chương trình thứ hai: chương trình xúc tiến đầu tư.

Theo chương trình này, các nước thành viên cam kết tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chung, trao đổi danh mục các ngành và lĩnh vực khuyến khích đầu tư, trao đổi kinh nghiệm vận động xúc tiến đầu tư giữa các nước ASEAN.

Theo chương trình này, các nước thành viên sẽ loại bỏ bớt những hạn chế đầu tư, thường xuyên hoàn thiện chế độ đầu tư theo hướng tự do hóa hơn, thúc đẩy lưu chuyển tự do hơn về vốn, lao động lành nghề và chuyên gia... Để tạo tiền đề cho việc thực hiện chương trình này, Điều 7 của Hiệp định đã quy định việc các nước thành viên sẽ mở cửa các ngành nghề và thực hiện chế độ đối xử quốc gia có điều kiện cho các nhà đầu tư ASEAN.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thực trạng và giải pháp thúc đầy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tương quan so sánh pháp luật với nước ngoài (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)